| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi nên cần nhiều nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế

Thứ Hai 30/01/2023 , 18:01 (GMT+7)

Trong buổi làm việc 'xông đất' Bộ NN-PTNT của đại diện UNDP, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói thành công của dự án không phải quy mô mà là hiệu ứng, sức lan tỏa.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 30/1, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có cuộc làm việc với bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng gửi lời chúc mừng năm mới đến bà Ramla và cho biết bà chính là người “xông đất” cho hoạt động đối ngoại của Bộ trong năm mới Quý Mão.

Bên cạnh đó, ông Lê Minh Hoan cũng khẳng định rằng, UNDP là đối tác quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, thể hiện qua những sự hỗ trợ hiệu quả mà tổ chức này đối với ngành trong hơn 40 năm qua thông qua rất nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức, chuyển giao sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân Việt Nam.

“Các chương trình viện trợ của các tổ chức quốc tế trong đó có UNDP, dù lớn hay nhỏ nhưng vẫn mang lại những hiệu quả nhất định trong quá trình chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, chúng tôi mong muốn UNDP tiếp tục đồng hành cùng Bộ NN-PTNT để giúp chuyển đổi tư duy trong tất cả mọi ngành nghề nông nghiệp như thủy sản, lâm nghiệp…", người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, còn nhiều khó khăn nên cần các nguồn lực, tin tức, kinh nghiệm đã được áp dụng thành công ở các quốc gia trên thế giới.

Do đó, ngành nông nghiệp cần sự đồng hành để thực hiện mục tiêu Chính phủ Việt Nam đã đưa ra, trong đó bao gồm nhiều thông tin chắt lọc từ các tổ chức quốc tế, trong đó có UNDP.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các dự án, dù vừa hay nhỏ nhưng có sức lan tỏa lớn, mang lại hiệu ứng lớn, giúp thay đổi tư duy về quản lý sẽ mang lại lợi ích cho cả một ngành kinh tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của Việt Nam.

“Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam đang hướng tới mục tiêu minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Vừa phát huy được những thành tựu trong nhiều thập kỷ của nền nông nghiệp Việt Nam, vừa giải quyết những vấn đề nội tại và tiếp cận những xu thế thay đổi không ngừng trên thế giới, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói với bà Ramla Khalidi.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chiếc khăn rằn truyền thống Nam Bộ. Ảnh: Tùng Đinh.

Về phía bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP Việt Nam gửi lời chúc mừng đến Bộ NN-PTNT cũng như ngành nông nghiệp về tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2022 cũng như con số xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ USD.

Chia sẻ về hợp tác trong thời gian tới, bà Ramla nhấn mạnh đến dự án giúp Cộng đồng ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, đây là dự án do Chính phủ Canada tài trợ với kinh phí vào khoảng 20 triệu đô la Canada với sự tham gia của Cục Thủy sản, Cục Lâm nghiệp và chính quyền các tỉnh Sóc Trăng, Thừa Thiên - Huế và Bình Định.

Dự án sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, làm giàu đa dạng sinh học biển/khu bảo tồn biển, bảo vệ rừng ngập mặn và hệ sinh thái rạn san hô.

Ngoài ra, còn một dự án trong tương lai nữa mà bà Ramla cũng đề cập với lãnh đạo Bộ NN-PTNT đó là “Quản lý đất và rừng bền vững tại cảnh quan lưu vực sông Ba”. Đây là dự án có kinh phí 2,1 triệu USD do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, thông quan UNDP.

Cơ quan đầu mối của Bộ NN-PTNT tham gia vào dự án là Viện Điều tra Quy hoạch rừng và 2 địa phương là Gia Lai và Phú Yên. Hiện nay, quá trình hoàn thiện hồ sơ của dự án đang được tiến hành. Do đó, bà Ramla mong muốn nhận được sự quan tâm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh các dự án nói trên, Bộ NN-PTNT và UNDP cũng trao đổi một số lĩnh vực hợp tác trong bối cảnh mới. Trong đó đầu tiên là chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững. Trong đó sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Đây được xem là cơ hội để phát triển kinh tế xanh, đổi mới và phát triển thuận thiên.

Ngoài ra, còn các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân và ứng dụng công nghệ số, tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.