Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 kéo dài từ ngày 18/11 đến 20/11. Liên hoan phim Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh Covid-19 vẫn khó lường, nên các hoạt động chủ yếu được thực hiện qua hình thức trực tuyến.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 có khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. Có tổng cộng 92 bộ phim dự thi ở 4 thể loại gồm phim truyện, phim tài liệu, phim kho học và phim hoạt hình. Ngoài ra, có 35 bộ phim tham gia trình chiếu trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh.
Ngoại trừ bộ phim “Bố già” đạt doanh thu 400 tỷ khi tranh thủ ra rạp vào dịp Tết 2021, hầu hết các bộ phim ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 đều gặp trở ngại trên con đường tiếp cận công chúng do giãn cách kéo dài. Thậm chí, có những bộ phim được sản xuất rồi nằm im trong kho cho đến ngày ứng thí Bông Sen Vàng.
Có lẽ do tiết giảm nhiều chi phí nghi lễ để thích ứng bình thường mới, nên ngân sách dành để trao thưởng tăng hơn các liên hoan trước. Giải thưởng cao nhất dành cho thể loại phim truyện đoạt Bông Sen Vàng lên đến 60 triệu đồng. Còn phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình nếu đoạt Bông Sen Vàng cũng sẽ nhận được 30 triệu đồng.
Tiền thưởng đã tăng, liệu thương hiệu của Liên hoan phim Việt Nam có tăng theo tỷ lệ thuận không? Đã rất nhiều Bông Sen Vàng được trao trong các Liên hoan phim Việt Nam thời gian gần đây đều không có tác động mạnh mẽ đến thị trường điện ảnh lẫn sự chú ý của giới mộ điệu? Vì sao như vậy? Nếu giải thưởng được những nhà chuyên môn thừa nhận mà không gây ảnh hưởng cho công chúng, thì giá trị tác phẩm có vẻ chơi vơi lắm chăng?
Theo các nhà làm phim, có thực tế đáng buồn, khán giả Việt biết rõ tên phim, diễn viên nào đoạt giải Oscar nhưng ít biết phim chiến thắng ở giải thưởng trong nước. Đây là lỗi của người làm phim không xây dựng được những tác phẩm đủ uy tín, gây ấn tượng mạnh.
Đạo diễn Lê Hoàng, một gương mặt cá tính trong làng nghệ thuật thứ bảy, chia sẻ: “Có lần, tôi đi nước ngoài, nhà làm phim ngoại quốc từng nói: không nhìn màn ảnh, chỉ nghe âm nhạc trong phim, họ phân biệt được ngay phim Trung Quốc, Ấn Độ... Nhưng họ không nhận biết được Việt Nam. Điều đó chứng tỏ phim Việt không có bản sắc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng ấy, nhưng một phần do nền lý luận không đủ vững chắc. Do đó, người làm phim không có cơ sở văn hóa cao và thống nhất, bài bản. Chúng ta bán vé được, có doanh thu nhưng nếu thiếu bản sắc thì điện ảnh không bao giờ phát triển".
Vậy làm sao để những bộ phim được tôn vinh ở Liên hoan phim Việt Nam có thể phô diễn vẻ đẹp đích thực của văn hóa Việt Nam?
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng cần thay đổi tư duy tổ chức: “Liên hoan phim Việt Nam đổi tên giải thưởng, logo, mỗi năm tổ chức ở một địa phương. Nghe thì hay đó nhưng thực ra rất dở, không làm cho địa phương cũng như giải thưởng có dấu ấn. Ví dụ ở Pháp, Liên hoan phim Cannes tổ chức hàng năm và nơi này trở thành thành phố của liên hoan phim. Tới Mỹ, ai cũng biết kinh đô điện ảnh Hollywood. Ở Việt Nam, tới đâu cũng là điện ảnh và cũng không phải điện ảnh. Sự thay đổi về tên, logo, địa phương tổ chức khiến sự nhận diện, biểu tượng điện ảnh không vững chắc trong khán giả”.