Tối ưu hóa chi phí sản xuất từ việc tăng quy mô/nông hộ, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật mới tăng năng suất, nguồn cung ứng vật tư đầu vào với chất lượng và giá cả hợp lý, tối ưu hóa trong hoạt động vận hành cơ giới, quản lý tài chính, lập kế hoạch canh tác nông hộ theo biến động của thời tiết rất cần thiết. Việc triển khai này cần sự chung tay từ phía doanh nghiệp và những người dân trồng mía mới có thể tăng được năng lực cạnh tranh trong bối cảnh biến động kinh tế thị trường ngày càng phức tạp.
Giá đường, giá mía vụ 22/23 có thể tăng nhưng không tương xứng với chi phí sản xuất đầu vào
Niên vụ 2022/23 ngành mía đường được nhiều chuyên gia dự báo tích cực, giá mía kì vọng tăng khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thương mại bằng hình thức áp thuế Phòng vệ thương mại (PTVM) đối với 5 quốc gia khu vực Asean sau khi đã áp dụng đối với Thái Lan. Cùng với đó giá đường trên thế giới duy trì ổn định mức 17 -18 cents/lb dù dự báo sản lượng đường thế giới có thể thặng dư nhẹ 1 - 2 triệu tấn.
Đan xen với những yếu tố tích cực về vĩ mô ngành là các yếu tố tiêu cực tổng thể chung khi các dự báo kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều thách thức: biến động chính trị, suy giảm kinh tế, lạm phát toàn cầu khiến các quốc gia thắt chặt chính sách chi tiêu, khiến nhu cầu hàng hóa suy giảm… sẽ tác động không nhỏ đến giá đường trong tương lai. Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, lãi suất tăng nhanh trong thời gian ngắn gần đây, dự báo tiếp tục căng thẳng cho những tháng cuối niên độ 2022, 6 tháng đầu năm 2023 và nhu cầu tiêu dùng sẽ sụt giảm. Xung đột giữa Ucraina – Nga kéo dài khiến giá cả vật tư phân bón tăng cao khi đây là các quốc gia chiếm gần 50% nguồn DAP, Kali của thế giới, giá cả nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất tăng mạnh từ chi phí vận chuyển, logistic, vật liệu phụ... Đường lậu vẫn là một thách thức lớn gây ra sự suy giảm đối với giá đường trong nước.
Những khó khăn vĩ mô này ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, hoạt động sản xuất nông nghiệp – các cây trồng khác trong đó có mía. Do vậy dự báo giá đường và giá mía sẽ khó tăng theo kì vọng của các chuyên gia. Đặc biệt là khi giá vật tư nguyên vật liệu sản xuất tăng, sức mua suy giảm và áp lực đường lậu là hiện hữu rất lớn cho những tháng cuối năm.
Liên kết chuỗi giá trị - Tăng hiệu quả sản xuất
Đứng trước những biến động ngày càng phức tạp và bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam chịu nhiều tác động buộc hoạt động sản xuất nông nghiệp ngoài sản xuất thuần túy đáp ứng đủ sản lượng còn cần phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã kết nối thị trường với người sản xuất để đưa sản phẩm nông nghiệp ra thế giới dù giá cả sản phẩm biến động và đôi lúc còn bấp bênh.
Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam ở hầu hết các loại cây trồng vẫn chưa thể hiện được thế mạnh trong việc liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu nguyên liệu đầu vào cùng người nông dân, đến áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng hiệu quả cây trồng và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra đúng yêu cầu. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tự chủ nguồn cung còn khá khan hiếm, các giải pháp hỗ trợ nông dân tự mua nguyên liệu sản xuất thông qua các đại lý trung gian vẫn còn lẻ tẻ nên chất lượng hàng hóa không được đảm bảo, giá cao, chịu lãi suất lớn nếu mua trả sau. Người dân lựa chọn trên cơ sở tư vấn của đại lý hoặc với giá thấp mà hiện tượng phân bón giả, thuốc BVTV giả, thức ăn chăn nuôi giả đang là vấn đề nóng hiện nay, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của nông dân.
Nhận thức được vấn đề đó, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp điển hình cho hoạt động chuỗi liên kết từ đầu vào, giải pháp kỹ thuật đến đầu ra sản phẩm như Mía đường Nghệ An (Nasu), Mía đường Lam Sơn (LSS), Mía đường Quãng Ngãi (QNS) hay các doanh nghiệp thuộc Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS). Cây mía là cây nông nghiệp có hiệu quả thấp hơn so với một số loại cây trồng khác như cây ăn quả nếu xét trên đơn vị diện tích ha. Do vậy, các doanh nghiệp mía đường cần hướng tới hiệu quả sản xuất tổng thể và tiến hành nhiều giải pháp cung ứng đầu vào như đầu tư phân bón, giống, tiền cho người trồng mía,..
Tiêu biểu như 1 số doanh nghiệp như Lam Sơn, Thành Thành Công - Biên Hòa đã thực hiện các mô hình ngân hàng đất đai để liên kết lại thành cánh đồng lớn để phát huy hiệu quả cơ giới, chương trình giống sạch bệnh 3 cấp thông qua nuôi cấy mô nhằm giúp giống mía sạch bệnh hơn, cũng như các chương trình đầu tư máy móc thiết bị để giảm chi phí sản xuất, tăng sự chính xác trong hoạt động nông nghiệp, tổ chức dịch vụ thu hoạch và vận chuyển cho người trồng mía đảm bảo mía thu hoạch mang về nhà máy trong vòng 24h để giải quyết vấn đề thu hoạch đầu ra người trồng mía và cung ứng về mặt tài chính với lãi suất tương đối cạnh tranh so với lãi suất đi vay nông nghiệp chung.
Việc tổ chức liên kết cung ứng các giải pháp đầu vào sản xuất có thể giảm được 5% - 10% chi phí sản xuất so với thông thường tương ứng 30.000 – 60.000 VND/tấn mía 10 CCS khi so sánh với việc các doanh nghiệp không liên kết để người trồng mía tự triển khai, đặc biệt lợi nhuận/ha của mía đường có thể thấp hơn nhưng giải pháp liên kết thành cánh đồng lớn để tăng hiệu quả/nông hộ/năm có thể giúp thu nhập lên 200 – 300 triệu VND/hộ/năm, thậm chí nhiều nông hộ có thể có thu nhập (sau khi trừ chi phí) lên đến 3 – 3,5 tỷ đồng/hộ/năm như trường hợp một số người trồng mía tại Tây Ninh...
Để phát triển được chuỗi liên kết này doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn và đầu tư vào các giải pháp nghiên cứu, phát triển đội ngũ nhân sự cũng như chịu sự đánh đổi nhiều chi phí trong hoạt động.
Chân dung của người trồng mía tương lai
Xu hướng công nghiệp hóa, nhân công lao động và lực lượng sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm là cơ hội cho ngành công nghiệp mía đường phát triển, đặc biệt đối với các doanh nghiệp và nông dân trồng mía có sự tham gia chuyên sâu vào chuỗi liên kết tuần hoàn. Do vậy, với một tâm thế mới trong hoạt động nông nghiệp, chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp” người nông dân trồng mía cần mang nhận thức chuyển đổi sâu sắc trước các vấn đề:
+ Sản xuất trên diện tích lớn thông qua thuê đất: Thực tế, người trồng mía để đảm bảo thu nhập trên 200 triệu VND/hộ cần gia tăng quy mô sản xuất thông qua việc thuê đất và tổ chức sản xuất với diện tích tối thiểu từ 15 – 20 ha/hộ, việc này hoàn toàn khả thi khi hiện nay có những hộ sản xuất mía đã đạt quy mô 500 – 700 ha/hộ thông qua việc hợp tác với các hộ có đất và trả tiền thuê đất cố định hàng năm.
+ Tiếp nhận giải pháp kỹ thuật và kỹ năng quản lý đồng ruộng: bên cạnh sự am hiểu về kỹ thuật canh tác mía, người trồng mía cũng cần cập nhật các giải pháp kỹ thuật mới nhờ vào sự phát triển của khoa học, đặc biệt là công nghệ. Đồng thời việc canh tác quy mô lớn 20 ha thì công tác quản lý đồng ruộng cần được làm theo cách khác, đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị trong đầu vào để chăm sóc kịp thời như phân bón, vật tư và máy móc thiết bị, đặc biệt là việc quản lý nhân công để đảm bảo được chất lượng sản xuất.
+ Tài chính là yếu tố quan trọng: hoạt động sản xuất lớn hơn, do vậy công tác ghi chép lại các chi phí sản xuất, công nợ là yếu tố quan trọng cho việc tổng kết hiệu quả sản xuất hàng năm cũng như là cơ sở để cải tiến cho các năm tiếp theo. Hiện nay các doanh nghiệp nông nghiệp đưa ra các ứng dụng để nông dân có thể quản lý sổ sách qua điện thoại và có thể tính toán được hiệu quả sản xuất như Thành Thành Công – Biên Hòa bắt đầu tung ra nền tảng AgriS Farmer với mong muốn cung cấp thông tin giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía, trong tương lai đơn vị này sẽ phát triển các tính năng thêm về kết nối với các bên cung cấp dịch vụ thứ 3 từ đất, dịch vụ cơ giới, công lao động đến vật tư nông nghiệp để đảm bảo tính tiện dụng cho hoạt động sản xuất để phục vụ cho người trồng mía, phát triển chuyên sâu về kỹ thuật canh tác và tương lai hướng đến các cây trồng khác. Do vậy so với nhiều năm về trước, việc quản lý tài chính không còn là một vấn đề phức tạp để người nông dân có thể canh tác trên diện tích lớn.
Hoạt động mía đường dù đang trong giai đoạn chu kì lên của ngành đường thế giới và các chính sách Phòng vệ thương mại. Tuy nhiên để phát triển bền vững trong biến động kinh tế thị trường ngày càng nhanh chóng, chuỗi giá trị liên kết cần tiếp tục phát huy nhờ vào sự phát triển của công nghệ để gắn kết ngày càng sâu rộng và chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, giải pháp kỹ thuật đầu vào đến sản phẩm đầu ra.