Trong cuộc làm việc giữa đoàn thanh tra Bộ Tài Nguyên và Môi trường với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), lời giải cho bài toán chất thải “bùn đỏ” ở tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã được đưa ra với lời quả quyết từ chủ đầu tư TKV là "không làm ảnh hưởng đến môi trường”. Khai thác bauxite (Ảnh VNN)
Bùn đỏ là hỗn hợp bao gồm các chất như sắt, mangan… và một lượng xút dư thừa do quá trình dung hòa, tách quặng alumin. Theo các nhà khoa học thì đây là một loại chất thải đe dọa môi trường rất lớn. Tuy không cho biết cụ thể lượng bùn đỏ thải ra trong hoạt động của tổ hợp bauxite-nhôm ở Lâm Đồng mỗi năm là bao nhiêu song với công suất chế biến 630.000 tấn alumin/năm thì chắc chắn lượng bùn đỏ sẽ rất lớn - ước tính lên đến hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Vì vậy, việc xử lý chất thải này là vấn đề bức thiết mang tính “sống còn” cho các dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Xử lý bùn đỏ - có thể làm được?
Theo TKV, trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên-Môi trường phê duyệt, TKV sẽ cập nhật, bổ sung những giải pháp, công nghệ mới để câu chuyện “bùn đỏ” không còn là nỗi lo của xã hội.
Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị của TKV khẳng định: Hiện nay TKV đã tính toán cụ thể khối lượng bùn đỏ thải, khu vực thải và việc xử lý chất thải này theo nhiều phương án khả thi.
Theo đó, tổ hợp bauxite nhôm ở Lâm Đồng đã quy hoạch hồ chứa bùn đỏ với tổng diện tích lên đến 318ha. Hồ này nằm trong một thung lũng nên không ảnh hưởng đến việc làm trôi chảy bùn đỏ đến nơi khác, không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm trong khu vực.
Để chống tràn, chủ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa hoàn chỉnh xung quanh hồ bảo đảm không có nước mưa chảy xuống hồ gây tràn hồ. Hồ sẽ nạo sạch lớp thực bì, bùn... và được cán lót 2 lớp đất sét (dày 60cm) với lớp lót vải địa kỹ thuật ở giữa, bảo đảm chống thấm tuyệt đối.
Mỗi hồ được ngăn ra thành nhiều block nhỏ (từ 10-15 ha) và lượng bùn đỏ sẽ được thải theo từng ô. Khi đầy ô thì dùng công nghệ xử lý hút nước (chủ yếu là nước thải chứa xút ) để đưa nước xút này trở lại nhà máy alumin sử dụng cho công nghệ chế biến alumin và qua đó cũng làm khô bùn đỏ. Sau đó sẽ lấp đất đảm bảo chôn vĩnh viễn nếu như không sử dụng chất thải này.
Chủ đầu tư cũng lắp đặt 4 trạm quan trắc quanh hồ để theo dõi thường xuyên biến động của các hóa chất trong bùn đỏ - đặc biệt là độ PH để xử lý kịp thời. Đồng thời nhằm nâng cao độ an toàn, khu vực hồ bùn đỏ sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt bằng xây dựng bờ tường rào kín quanh hồ, trồng vành đai rừng bao bọc hồ với chiều rộng ít nhất là 10m.
Một hướng mở được TKV trình bày đó là TKV đang tiếp cận các công nghệ sử dụng bùn đỏ làm nguyên liệu chế biến ra các sản phẩm công nghiệp khác. Theo đó, tùy theo năng lực, điều kiện và yêu cầu của một số ngành công nghiệp, bùn đỏ có thể sẽ được chế biến thành các nguyên - vật liệu dùng để làm chất phụ gia trong xi măng, vật liệu làm đường giao thông, vật liệu xây dựng... Đặc biệt sử dụng trực tiếp làm chất keo tụ nước thải, tạo hệ keo cho vi khuẩn ferrobaterium phát triển, cải thiện đến 90% ô nhiễm không khí khi xử lý nước thải có độ ô nhiễm cao…
Tầm nhìn xa một cách đồng bộ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã đưa ra yêu cầu cho vấn đề bùn đỏ phải có một tầm nhìn xa một cách đồng bộ. Theo Bộ trưởng thì vấn đề bùn đỏ không chỉ là chuyện riêng ở của tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng mà là chuyện chung của ngành công nghiệp nhôm Việt Nam.
Bộ trưởng cho rằng song song với các giải pháp kỹ thuật cho hồ chứa bùn đỏ, chủ đầu tư và tỉnh Lâm Đồng ngay từ bây giờ phải có kế hoạch di dời các khu dân cư xa khu vực hồ chứa bùn đỏ (theo hướng mở rộng hồ chứa trong vòng 20 – 30 năm tới) chứ không nên mở tới đâu mới di dời dân tới đó. Các khu dân cư không được nằm vùng hạ lưu hồ chứa hoặc sử dụng mạch nước ngầm thấp hơn hồ chứa bùn đỏ.
Bộ Tài Nguyên-Môi trường khẳng định việc tiếp cận các công nghệ mới để biến bùn đỏ từ chất thải độc hại thành nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp là một hướng đi rất đúng cần phải làm ngay và làm thật tốt trên tinh thần sáng tạo "con nhà nghèo nhưng hiệu quả cao". Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để TKV làm việc này bởi nếu làm được thì không những giải quyết được vấn nạn ô nhiễm từ bùn đỏ mà còn tạo ra được nhiều sản phẩm công nghiệp mới, tạo được nguồn thu nhập từ "thứ bỏ đi” này.
Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị của TKV cho biết: TKV sẽ tiếp tục mở nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều diễn đàn công nghệ... để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến hay, những giải pháp tốt để điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng hoạt động “thân thiện với môi trường” như chỉ đạo của Chính phủ.
Một lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường cho rằng giải pháp cơ bản đã có, vấn đề quan trọng còn lại đó là lý thuyết phải được chứng minh bằng thực tiễn, nói phải đi đôi với làm bằng những hiệu quả thiết thực. Có thế thì bài toán bùn đỏ trong công nghiệp chế biến alumin của các tổ hợp bauxite nhôm mới được giải hoàn chỉnh.
Vì vậy, phần lớn việc này thuộc về TKV và cần phải làm nhanh bởi theo tiến độ thì đến cuối năm 2010, những mẻ alumin đầu tiên của tổ hợp này sẽ được xuất xưởng.
(Theo Vietnam+)