| Hotline: 0983.970.780

Lối ra nào cho con cá lòng hồ thủy điện Na Hang?

Thứ Ba 17/05/2022 , 07:44 (GMT+7)

Một lòng hồ nước trong xanh như ngọc, một bầu không khí được thanh lọc bởi những cánh rừng già, nên dù là cá nuôi nhưng thơm ngon chẳng kém hàng tự nhiên là mấy.

“Áo gấm đi đêm”

Chiếc thuyền máy chở chúng tôi rẽ bóng mây, bóng núi in hằn trên mặt hồ thủy điện rộng mênh mông hơn 8.000ha để đến khu nuôi trồng thủy sản của anh Nguyễn Quang Minh ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Vốn quê gốc ở tỉnh Hưng Yên, anh mới lên đây có 8 năm nhưng đã làm chủ 150 lồng bè nuôi cá, lớn nhất trong khu vực, gồm 70% là loại thông thường như trắm, rô phi, lăng đen, nheo, 30% là loại đặc sản như chiên, quất (lăng chấm), bỗng. Những con cá quất nuôi 3 - 4 năm nặng tới 10kg, cá bỗng hay lăng đen nuôi 2 - 3 năm nặng 3 - 4kg quẫy ùm ùm trong lưới đón các hạt thức ăn từ tay người nuôi khiến mặt nước bỗng nhiên sôi lên như có mưa rào.

Anh cho hay nguồn nước ở đây chảy ra từ các con suối, ngọn khe trên núi, trên rừng nguyên sinh, luân chuyển liên tục, lại chưa có bất kỳ nhà máy, xí nghiệp, mỏ khai khoáng nào ở gần nên rất sạch, giúp cho con cá nuôi vừa ít bị bệnh, thịt lại săn chắc, thơm ngon. Cơ sở hiện đang nuôi nhiều lứa cá gối nhau nên lúc nào cũng có hàng để xuất bán, trung bình sản lượng mỗi năm khoảng trên dưới 100 tấn.

Thế nhưng buồn thay, trước dịch Covid-19 giá cá quất ổn định ở mức 800.000 - 900.000 đồng/kg, cá bỗng 250.000 đồng/kg, cá lăng đen 80.000 đồng/kg nhưng hiện giờ đã tụt xuống lần lượt còn 700.000 đồng/kg, 180.0000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg. Đã thế lại còn bán rất chậm. Mỗi tháng anh cần phải tiêu thụ số lượng 10 - 15 tấn, chưa kể sản phẩm của các hộ khác xung quanh cũng cỡ 10 - 15 tấn nữa nhưng người ta chỉ đặt lẻ tẻ vài chục kg, vài trăm kg, không bõ để kéo.

Toàn cảnh khu nuôi trồng của anh Minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Toàn cảnh khu nuôi trồng của anh Minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không bán được nhưng cá vẫn phải cho ăn, trước dịch Covid-19 giá mỗi bao cám 25kg là 360.000 đồng nay đã vọt lên thành 450.000 đồng. Bởi thế thay vì dùng mỗi tháng 30 tấn cám nay anh chỉ dám dùng 10 - 15 tấn, số còn thiếu bù lại bằng việc mua cá tạp đánh bắt ngay vùng lòng hồ để cho ăn kiểu tận dụng.

“Nuôi cả ngàn lồng bè ở đây cũng được nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn bởi xa xôi, đường xấu nên chở về đến Hà Nội 1kg cá lòng hồ Na Hang bị đội giá lên ít nhất 20 - 25%. Đã thế lại có nguy cơ bị trà trộn với cá nuôi ở vùng khác, bị đánh tráo khái niệm sạch bẩn, có thể mất luôn cả uy tín vì người buôn không quan tâm đến chất lượng mà chỉ so sánh về giá cả mà thôi, nơi nào rẻ thì họ nhập. Trong khi đó hệ thống nhà hàng mới hoạt động trở lại sau Covid-19, lượng tiêu thụ cũng rất hạn chế. Hướng sắp tới của chúng tôi là sẽ thành lập Hợp tác xã để cùng nhau bảo vệ thương hiệu cho con cá lòng hồ Na Hang”, anh Minh nói.

Hiện huyện Lâm Bình và Na Hang có khoảng 1.200 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện với sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm, sản phẩm tuy chất lượng nhưng do chưa xây dựng, khẳng định được thương hiệu nên đa số vẫn chỉ là “áo gấm đi đêm”. Ngoài các cá nhân, tổ hợp tác, còn có cả những doanh nghiệp khá lớn tham gia nuôi như Công ty TNHH lâm sản và dịch vụ Long Giang, Công ty TNHH Nhật Nam, Công ty TNHH Thường Mai… Họ cũng đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh sách những địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch toàn quốc, tuy nhiên đầu ra vẫn là bài toán chung chưa có lời giải đáp thỏa đáng. 

Cá lăng đen được công nhân của anh Minh bắt lên, kiểm tra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cá lăng đen được công nhân của anh Minh bắt lên, kiểm tra. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Cá lòng hồ thủy điện Na Hang rất chắc thịt, ví dụ tỷ lệ phi lê cá lăng đen của chúng tôi bao giờ cũng đạt cỡ 55% so với 49% của cá lăng đen nuôi trong ao hay vùng tĩnh, thêm vào đó khi chế biến ít bị ra nước, thơm ngon và an toàn”, anh Nguyễn Quang Minh nói.

Hi vọng rồi lại mỏi mòn chờ đợi

TS Ngô Kiều Oanh - chuyên gia nông nghiệp độc lập nhận định hồ thủy điện Na Hang là hồ chứa sạch nhất trong 8 hồ thủy điện lớn ở miền Bắc. Thủy sản nuôi ở đây có chất lượng rất tốt nhưng do khoảng cách vận chuyển về các thị trường lớn quá xa, đường xấu, sản lượng lại không lớn so với nhiều vùng nuôi trồng thủy sản khác nên cá lòng hồ Na Hang khó lòng cạnh tranh khi bán theo kiểu tươi sống, vận chuyển trong ngày. Cần phải gia tăng giá trị cho nó bằng cách bảo quản, chế biến sâu và chỉ có cách này mới giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề.

Vợt cá để kiểm tra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợt cá để kiểm tra. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Khi tôi gặp PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), được anh giới thiệu về công nghệ cấp đông siêu tốc. Đây cũng là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu công nghệ, thiết kế chế tạo hệ thống cấp đông nhanh trực tiếp bằng chất tải lạnh lỏng, ứng dụng trong chế biến một số loại thủy sản". Quá trình chạy xả lạnh từ nhiệt độ môi trường xuống nhiệt độ lạnh sâu -35oC rất nhanh, sau khi rã đông sản phẩm vẫn duy trì được trạng thái tươi và không bị chảy nước dịch bào, đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó công nghệ này có kiểu đóng gói nhỏ rất hợp với chế biến từng bữa ăn trong gia đình, tiện cho việc vận chuyển đi xa hay bán cho du khách tham quan du lịch, có thể thúc đẩy một hướng đi mới là phát triển kinh tế hồ chứa nước.

Năm ngoái đề án đã được Bộ KH-CN chấp nhận đầu tư với tổng kinh phí cỡ vài tỉ đồng để cấp hỗ trợ một dây chuyền công nghệ khép kín bao gồm kho bảo quản đông lạnh cho cá lòng hồ của huyện Lâm Bình và Na Hang, hợp tác xã ở địa phương này đối ứng bằng đất đai, nhà xưởng. Thế nhưng năm nay buồn thay dự án bỗng nhiên lại bị dừng, hiện chưa biết bao giờ mới được tiếp tục.

Nếu đề án được triển khai cùng với việc cấp mã vùng nguyên liệu, chuẩn hóa quy trình nuôi, tăng cường liên kết với các HTX, doanh nghiệp thì sẽ bán trực tiếp được vào các siêu thị lớn, đáp ứng cho nhu cầu về cá đặc sản ở các thành phố. Ngay cả con cá hồi từ Na Uy rất xa về Việt Nam với giá rất đắt, chúng ta tốn đô la để nhập thì không có lý gì con cá lòng hồ Na Hang thơm ngon, giá bán hợp lý, bảo quản tiện lợi lại không chiếm được lòng tin của người tiêu dùng”, TS Ngô Kiều Oanh chia sẻ. 

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.