Để so sánh hãy nhìn sang Italia, nước chủ nhà của World Cup 1990. Xứ sở mỳ ống đã cho nâng cấp và xây mới tất cả 10 sân bóng cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Sân Olympic của West Ham vừa được xây dựng có sức chứa 6 vạn chỗ ngồi
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chỉ có 4 sân đạt sức chứa 6 vạn chỗ trên toàn lãnh thổ Italia là San Siro (Milan), Olimpico (Rome), San Paolo (Naples) và San Nicola (Bari).
Một nền bóng đá phát triển khác là Tây Ban Nha, nơi có hai gã khổng lồ Real Madrid và Barcelona. Nhưng ngoại trừ sân nhà của hai CLB này là Bernabeu và Camp Nou, tất cả những sân bóng khác đều không thể phục vụ cùng lúc 6 vạn khán giả.
Một ngoại lệ là sân Olimpico ở Seville. Dù sở hữu 6 vạn ghế ngồi nhưng nó không thuộc về bất cứ đội bóng nào. Nó được sử dụng cho nhiều mục đích, từ tổ chức các môn thể thao cho tới làm sàn catwalk và biểu diễn nghệ thuật ngoài trời.
Nước Đức nổi tiếng cuồng nhiệt và họ cũng mới nâng cấp hệ thống sân bãi phục vụ cho World Cup 2006 cách đây 10 năm.
Tuy nhiên quốc gia này cũng chỉ sở hữu 5 sân bóng có sức chứa 6 vạn là Signal Iduna Park (Dortmund), Olympiastadion (Berlin), Allianz Arena (Munich), Veltins-Arena (Gelsenkirchen) và Mercedes-Benz Arena (Stuttgart). Một ngoại lệ là sân Olympiastadion Munich. Nó có 6 vạn chỗ ngồi nhưng không được tính là sân bóng đá vì bị sử dụng đa mục đích như sân Olimpico ở Seville.
Con số ấy chỉ ngang ngửa với riêng thành phố London. Tính đến thời điểm này, thủ đô nước Anh đã có 3 sân từ 6 vạn chỗ trở lên là Wembley, Emirates (Arsenal), Olympic (West Ham) và sắp có thêm 2 sân nữa là Stamford Bridge và White Hart Lane (sau khi Chelsea, Tottenham cải tạo xong). Như vậy trong phạm vi hơn 1.500km2, London đã có số “đấu trường” nhiều hơn cả Tây Ban Nha và Italia.
Cách phát triển bóng đá ấy mang đậm bản sắc của người Anh. Vì nằm trên quốc đảo, tách biệt hẳn với phần còn lại của châu Âu nên ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, những đứa trẻ xứ sương mù đã được giáo dục phải làm thế nào cho thật đặc biệt. Tiềm thức ấy ăn sâu vào môn thể thao vua đến độ mỗi CLB, to nhỏ như nào không cần biết, đều phải sở hữu một sân bóng riêng.
Thế mới có chuyện, ngay cạnh Stamford Bridge hoành tráng của CLB mạnh nhất nhì nước Anh - Chelsea - lại có một Griffin Park nhỏ bé, chỉ chứa được hơn 1 vạn khán giả. Hay cách Olympic - sân vừa xây xong của West Ham – chưa đầy 10 phút đi xe lại là The Den, sân nhà của Millwall, với số chỗ ngồi chưa bằng 1/3.
Một nguyên nhân nữa dẫn tới việc mỗi CLB Anh đều muốn có một sân riêng là vấn đề phong cách chơi bóng. Những đội thích tấn công luôn cần một mặt cỏ đủ rộng rãi để tìm kiếm khoảng trống, trong khi các đội ưa phòng ngự lại yên tâm với những không gian chật hẹp. Đó là lý do tại sao Arsene Wenger nằng nặc đòi đổi sân Highbury cũ chỉ bởi vì nó quá chật.
Theo thời gian, việc ở riêng ngày càng chứng tỏ ưu thế khi mỗi CLB Anh tự túc hoàn toàn trong công tác quản lý và dự trù tài chính. Ngoại hạng Anh trở thành giải đấu hấp dẫn nhất, còn London sắp sửa là kinh đô mới của bóng đá thế giới.
Trái ngược lại, Italia ngày càng chết dần chết mòn vì 2 trong số 3 đội giàu thành tích nhất là AC Milan và Inter, vẫn còn đang dùng chung sân San Siro.