| Hotline: 0983.970.780

Luật HTX sửa đổi: Xây dựng hệ sinh thái tổ chức kinh tế hợp tác mạnh

Thứ Bảy 22/10/2022 , 16:07 (GMT+7)

Chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Thủ tướng đọc tờ trình Quốc hội về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Quốc hội dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi cũng nhằm mục tiêu xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh.

Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi cũng nhằm mục tiêu xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh.

Mục tiêu, quan điểm của dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi

Mục tiêu của dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế.

Đồng thời, hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bên cạnh đó, dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi cũng nhằm mục tiêu xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh; giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Thứ nhất, bám sát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới.

Thứ hai, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, kế thừa tối đa các quy định của Luật HTX năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời giữ vững các nguyên tắc cơ bản của HTX do Liên minh HTX quốc tế đưa ra trong thế kỷ 21.

Thứ tư, các quy định Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành (năm 2013), đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới.

Luật Hợp tác xã sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết.

Luật Hợp tác xã sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết.

Thứ năm, xây dựng một Luật chung thống nhất cho các đối tượng trong khu vực kinh tế tập thể, lấy đối tượng HTX là trung tâm, đối xử bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

5 nhóm chính sách chủ đạo

Dự thảo dự án Luật trình Quốc hội gồm 12 Chương, 111 Điều trong đó: bãi bỏ 3 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật HTX năm 2012, bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nội dung chính như sau:

Về Chính sách 01: Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX

- Làm rõ nội dung 7 nguyên tắc của Liên minh HTX quốc tế, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc về giáo dục, tập huấn thường xuyên cho thành viên, người lao động.

- Mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác: Cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.

- Bổ sung nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phải kết nạp thành viên khi đủ điều kiện.

Các nội dung này được cụ thể hóa tại quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, về điều kiện trở thành thành viên, quyền và nghĩa vụ của thành viên liên kết, chế độ báo cáo, cung cấp thông tin của tổ chức kinh tế hợp tác.

Về Chính sách 02: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện

- Thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, bổ sung đối tượng tổ hợp tác và liên đoàn HTX với các quy định mang tính nguyên tắc để định vị địa vị pháp lý của các tổ chức này, làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở đánh giá thực tiễn, mô hình thí điểm và học tập kinh nghiệm quốc tế, trong đó:

+ Tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân; việc thành lập, đăng ký và hoạt động của tổ hợp tác sẽ do Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở sửa đổi Nghị định 77/2019/NĐ-CP về tổ hợp tác.

+ Liên đoàn HTX là tổ chức kinh tế có quy mô cấp vùng, cấp quốc gia trong các lĩnh vực, ngành nghề, chuỗi giá trị hoạt động chuyên môn hoá cao; đồng thời hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên của liên đoàn.

- Sửa đổi, bổ sung quy định rõ liên minh HTX là tổ chức đại diện, bảo vệ lợi ích cho thành viên hoạt động theo pháp luật về hội; quy định rõ các nhiệm vụ của tổ chức đại diện đối với các tổ chức kinh tế hợp tác thành viên.

Các nội dung này được cụ thể hóa tại các Chương về tổ hợp tác, về liên đoàn HTX và về tổ chức đại diện, liên minh HTX.

Về Chính sách 03: Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển

- Sửa đổi quy định giới hạn tỷ lệ giao dịch bên ngoài do Điều lệ tự quyết định, Nhà nước không áp đặt một tỷ lệ cứng cho các tổ chức kinh tế hợp tác.

- Sửa đổi, làm rõ quy định cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu hoặc quyền tài sản khác đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải hay các tài sản bằng hiện vật khác cho tổ chức kinh tế hợp tác theo quy định của Điều lệ, quy định của pháp luật và quy định về định giá phần vốn góp; việc góp vốn bằng quyền tài sản khác thì không phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn từ thành viên sang tổ chức kinh tế hợp tác; cho phép thành viên được phép chuyển nhượng phần vốn góp và được tổ chức kinh tế hợp tác xác nhận.

- Làm rõ quy định tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được phép hoạt động tín dụng nội bộ khác với hoạt động tín dụng của ngân hàng theo quy định của pháp luật.

- Bổ sung quy định hạch toán, kế toán riêng giao dịch bên trong và giao dịch bên ngoài của các tổ chức kinh tế hợp tác làm căn cứ thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức này.

- Bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài, do quỹ này mang tính đặc thù riêng của các tổ chức kinh tế hợp tác để hình thành và phát triển tài sản chung không chia; tài sản chung không chia được phép chuyển nhượng, định giá, thanh lý theo quy định của tổ chức kinh tế hợp tác và đưa vào quỹ chung không chia.

- Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia lại cho thành viên trong quá trình hoạt động.

- Tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên HTX từ 20% lên 30% vốn điều lệ, của thành viên liên hiệp HTX từ 30% lến 40% vốn điều lệ.

Các nội dung này được cụ thể hóa tại quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân; góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp, định giá vốn góp; trích lập quỹ chung không chia; phân phối thu nhập; quản lý, sử dụng các quỹ và tài sản của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân; xử lý tài sản và vốn khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể, phá sản; chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác.

Chính sách 04: Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX

- Bổ sung 1 chương về kiểm toán, quy định đối tượng, tần suất, phạm vi kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ.

- Quy định 2 mô hình quản trị đầy đủ và rút gọn phù hợp với quy mô hoạt động khác nhau của HTX, liên hiệp HTX.

- Cho phép tổ chức Đại hội thành viên trực tuyến; hình thức tham dự của đại biểu có thể trực tiếp, ủy quyền hoặc trực tuyến, bỏ phiếu biểu quyết điện tử.

- Bổ sung quy định điều kiện, tiêu chuẩn một số chức danh Ban kiểm soát, Giám đốc, Kế toán nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho các tổ chức kinh tế hợp tác.

Các nội dung này được cụ thể hóa tại các Chương về thành viên, về tổ chức quản trị các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân và Chương về Kiểm toán tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

Chính sách 05: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể

- Cắt giảm thủ tục hành chính: bỏ yêu cầu về Phương án sản xuất kinh doanh, về cấp con dấu; cho phép sử dụng số định danh cá nhân khi đăng ký kinh doanh.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như bổ sung phương thức đăng ký qua dịch vụ bưu chính, mạng thông tin điện tử.

- Nới lỏng quy định về đăng ký thay đổi - khi vốn điều lệ thay đổi từ 5% hoặc từ 1 tỷ đồng trở lên mới phải đăng ký thay đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh để phù hợp với đặc thù vốn điều lệ thay đổi khi thành viên ra, vào HTX thường xuyên, nhất là các quỹ tín dụng nhân dân.

- Bỏ quy định bắt buộc thành lập Hội đồng giải thể, thay vào đó Hội đồng quản trị trực tiếp, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện giải thể sau khi có nghị quyết của Đại hội thành viên.

- Bổ sung một Chương về chính sách phát triển đối với tổ chức kinh tế hợp tác, cụ thể:

+ Quy định nguyên tắc hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác không thấp hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa; các tiêu chí lựa chọn tổ chức kinh tế hợp tác để hỗ trợ thể hiện rõ bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, như phát triển thành viên, phát triển quỹ chung không chia, tài sản chung không chia... thông qua đánh giá báo cáo kiểm toán.

+ Thể chế hóa 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và đầu tư; tín dụng, bảo hiểm; tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; ưu đãi thuế, phí và lệ phí; xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ về kiểm toán, tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; bổ sung chính sác hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX.

+ Xây dựng Chương trình tổng thể hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả, thống nhất các nội dung hỗ trợ, khắc phục tình trạng chính sách hỗ trợ hiện nay còn dàn trải, bị lồng ghép, thiếu nguồn lực thực hiện.

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất