| Hotline: 0983.970.780

Luật Thủ đô - Những chính sách đặc thù, vượt trội: [Bài 2] Tối ưu hóa không gian ngầm

Thứ Sáu 15/11/2024 , 16:10 (GMT+7)

Việc khai thác và sử dụng không gian ngầm đô thị mang lại nhiều lợi ích, giúp nâng cao chất lượng đô thị hóa và phát triển Thủ đô bền vững.

Kết nối đồng bộ không gian ngầm với không gian trên mặt đất

Theo ThS. Lê Hồng hạnh - Viện Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày một hiện đại, duy trì cảnh quan lịch sử, văn hóa và mở rộng năng lực của cơ sở hạ tầng, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất.

Theo đó, tại Điều 19 Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 nêu rõ: Việc quản lý, sử dụng không gian ngầm phải tuân theo các nguyên tắc dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên các công trình có tính lưỡng dụng, có khả năng sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Bảo đảm kết nối đồng bộ với không gian trên mặt đất và các không gian xây dựng công trình ngầm có liên quan. Việc xây dựng công trình ngầm phải thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng, hạng mục của dự án đầu tư xây dựng hoặc giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Hội đồng nhân dân thành phố có thẩm quyền ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng.

Để triển khai thực thi Luật Thủ đô liên quan đến vấn đề này có hiệu quả, ThS Lê Hồng Hạnh cho rằng, nên có sự tham khảo kinh nghiệm một số nước có bề dày kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật về sử dụng không gian ngầm nằm trong nhóm đầu thế giới.

Đề xuất 5 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển không gian ngầm

Theo ThS Hạnh, qua nghiên cứu kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản, vấn đề đặt ra trong việc triển khai quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trong Luật Thủ đô 2024 thời gian tới đó là:

Một là, khẩn trương hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm, nhất là quy định cụ thể về độ sâu ngầm. Việc xác định độ sâu ngầm giúp Nhà nước phân định rạch ròi ranh giới quyền sử dụng đất hay sở hữu công trình ngầm của cá nhân, tổ chức, so với phần thuộc sở hữu của Nhà nước; nếu thiếu khung pháp lý quy định về yếu tố trọng điểm này sẽ dẫn đến sự kìm hãm quá trình phát triển không gian ngầm, hoặc sẽ gây ra rất nhiều sự chồng chéo cũng như xung đột giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai.

“Đặt ra được giới hạn cho độ sâu ngầm giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc mà thực trạng phát triển công trình ngầm hiện đang gặp phải trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung”, bà Hạnh nhấn mạnh và đề xuất xây dựng khung pháp lý chung về giới hạn độ sâu ngầm như sau: “Không gian ngầm cần thiết một cách hợp lý để sử dụng và được xác định không gian ngầm cách x mét tính từ độ cao 0 mét so với mặt đất”; riêng đối với các đô thị lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội cần phải có quy định riêng về độ sâu ngầm cho mỗi khu vực.

Ví dụ, ở khu vực trung tâm Hà Nội, nơi nhiều công trình, nằm trong các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm ở đó phải quy định khác; còn ở những nơi có công trình quốc phòng an ninh thì phải quy định khác. Độ sâu thế nào, bao nhiêu mét phải được căn cứ theo khu vực sẽ phù hợp hơn…

Đẩy nhanh thi công ga ngầm Kim Mã thuộc tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Đẩy nhanh thi công ga ngầm Kim Mã thuộc tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Hai là, sớm tiến hành tổ chức quy hoạch sử dụng không gian ngầm một cách toàn diện và chi tiết nhằm đạt được hiệu quả sử dụng ngầm cao nhất về mặt không gian và thời gian. Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện có hiệu quả Đồ án “Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000”.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Đồ án này nên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai các quy định mới. Việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm của Thủ đô phải chú trọng phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng, bảo đảm sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả…

Ba là, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công trình ngầm. Một trong những lý do dẫn đến không gian ngầm đô thị nước ta không phát triển mạnh là rất thiếu các số liệu đầu vào. Cơ quan quản lý nhà nước cần thiết lập, cập nhật và công khai hóa các số liệu phục vụ cho công tác thiết kế, lập dự án các công trình ngầm.

Các số liệu địa chất, nước ngầm toàn thành phố cũng là những dữ liệu quan trọng trong công tác thiết kế, lập dự án cũng cần được công bố và cập nhật thường xuyên.

Bốn là, cần thúc đẩy quản lý toàn bộ chu trình quản lý, sử dụng không gian ngầm, từ việc xây dựng hệ thống và cơ chế hành chính, mở ra chuỗi quản lý “quy hoạch - xây dựng - đăng ký - vận hành” không gian ngầm;…

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định pháp luật nói chung và Luật Thủ đô nói riêng liên quan đến quản lý, sử dụng không gian ngầm để người dân nhận thức rõ quyền lợi, nghĩa vụ, từ đó đồng tình ủng hộ khi chính quyền thành phố thực hiện các dự án công trình ngầm. Trong đó, tập trung nội dung tuyên truyền sự cần thiết triển khai Luật Thủ đô; mục đích, ý nghĩa của Luật Thủ đô; nội dung cơ bản Luật Thủ đô; các chính sách theo lĩnh vực quy định trong Luật Thủ đô, nhất là chính sách về quản lý, sử dụng không gian ngầm.

Xem thêm
Thêm một loạt cán bộ ở tỉnh Bắc Ninh bị khai trừ khỏi Đảng

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng đề nghị xem xét thi hành kỷ luật ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bắc Ninh.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.