Tại hội nghị trực tuyến của Bộ NN-PTNT và các tỉnh ĐBSCL nhằm bàn định hướng, giải pháp sớm cho vụ hè thu và thu đông 2020 tại các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN-PTNT lưu ý trước diễn biến hạn mặn khốc liệt dự báo vẫn diễn ra trong tháng 4 và đầu tháng 5/2020, thời vụ của vụ hè thu 2020 tại các tỉnh ĐBSCL cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống có sự tính toán đến sản xuất vụ thu đông 2020.
Thời vụ xuống giống khuyến cho vụ hè thu 2020 như sau:
Xuống giống trong tháng 3, 4/2020: Tập trung vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu (Bắc quốc lộ 1 Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang) và vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp, An Giang), một phần Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang và An Giang), Cần Thơ, Hậu Giang…
Xuống giống trong tháng 5/2020 tại các vùng sản xuất lúa ở phía Nam Quốc lộ I cách biển 70 km thuộc các tỉnh Vĩnh Long (Măng Thít, Vũng Liêm, Long Hồ, Trà Ôn), Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh (Cầu Kè, Càng Long).
Xuống giống khoảng nữa đầu tháng 6/2020 khi có mưa, tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển đến 50 km thuộc các tỉnh Long An (phía Nam), Tiền Giang (Phía Đông), Bến Tre (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), Trà Vinh (các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú) , Sóc Trăng (Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm), Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai), Kiên Giang (Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng) và Cà Mau.
Đối với vụ Thu Đông 2020, thời vụ Thu Đông phân theo vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển được khuyến cáo bố trí như sau:
- Vùng ngập sâu: vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên gồm: An Giang (160 nghìn ha), Đồng Tháp (120 nghìn ha), Long An ( 60 nghìn ha); Kiên Giang (80 nghìn ha); thời vụ xuống giống vụ Thu Đông trong cơ cấu 3 vụ sẽ xuống giống vào cuối tháng 6 nữa đầu tháng 7 kết thúc xuống giống vào 20 tháng 8.
- Vùng ngập nông: vùng phù sa ngọt Sông Tiền, Sông Hậu gồm: Cần Thơ (62 nghìn ha), Vĩnh Long (55 nghìn ha); Hậu Giang (40 nghìn ha), Tiền Giang (30 nghìn ha), đây là vùng tương đối thuận lợi cho sản xuất 3 vụ, không bị ảnh hưởng của ngập lũ, do vậy cần tập trung chỉ đạo đúng lịch thời vụ sản xuất và lưu ý theo dõi mực nước lũ, triều cường, thời vụ xuống giống vụ Thu Đông xuống giống vào đầu tháng 7 kết thúc xuống giống vào 10 tháng 8.
- Vùng ven biển gồm: Trà Vinh (80 nghìn ha); Bến Tre (15 nghìn ha); Sóc Trăng (4 nghìn ha); Bạc Liêu (44 nghìn ha), thời vụ xuống giống vụ Thu Đông xuống giống vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 kết thúc xuống giống vào 30 tháng 8.
Bộ NN-PTNT lưu ý giải pháp chỉ đạo cho sản xuất lúa vụ thu đông 2020, cần theo dõi sát diến biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè thu để có kế hoạch cụ thể cho vụ thu đông. Ngoài ra cũng lưu ý đến chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2020- 2021 và dự kiến sản xuất lúa niên vụ 2021.
Khi bố trí thời vụ cho lúa thu đông, cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa đông xuân 2020- 2021, căn cứ vào thời điểm xuống giống hàng năm, dự báo khả năng di trú của rầy nâu và khả năng xâm nhập mặn sớm, lúa đông xuân chính vụ xuống giống vào 2 thời điểm tập trung: Từ 20-30/11/2020: diện tích xuống giống ước tính: 650 nghìn ha; từ 20-30/12/2020: diện tích xuống giống ước tính: 600 nghìn ha.
Ngoài ra, diện tích xuống giống giữa tháng 10/2020 đến 20/11/2020 khoảng 300 nghìn ha và diện tích xuống giống trong tháng 1/2021 khoảng 50 nghìn ha.
Sử dụng những giống lúa cho vụ thu đông cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Từ vụ hè thu sang vụ thu đông, cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt, tiêu hủy nguồn bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ.
Sử dụng phân bón trong vụ thu đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão.