| Hotline: 0983.970.780

Áp lực tâm lý trước thông tin tạm dừng xuất khẩu gạo

Thứ Năm 26/03/2020 , 09:13 (GMT+7)

Ngành lúa gạo ĐBSCL trong 2 ngày qua chịu áp lực lớn về tâm lý trước những thông tin trái ngược việc tạm dừng xuất khẩu gạo.

Tháng nào cũng có lúa thu hoạch ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tháng nào cũng có lúa thu hoạch ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

2 văn bản trái ngược trong 1 ngày

Trong ngày 24/3, đã có tới 2 văn bản với nội dung trái ngược nhau, được ban hành bởi 2 cơ quan cấp Trung ương khác nhau, liên quan tới mặt hàng gạo.

Văn bản đầu tiên là của Tổng cục Hải quan, gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và một số cục chuyên ngành có liên quan trực thuộc Tổng cục này, với nội dung yêu cầu tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3/2020. Chỉ giải quyết thủ tục thông quan theo quy định đối với các lô hàng xuất khẩu gạo đã đăng ký tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24/3/2020.

Việc Tổng cục Hải quan ra văn bản nói trên là dựa vào Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Trong văn bản này, tại mục b, khoản 2, nói rõ: Đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.

Nhưng trong ngày 24/3, cũng chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có công văn kính gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng cho phép tạm dừng thực hiện mục b, khoản 2 và một phần mục c, khoản 2 của Thông báo nói trên, để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế vụ đông xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp. Việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu, theo đó, vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu gạo Việt Nam, chỉ trong 1 ngày, 2 cơ quan cấp Trung ương có 2 văn bản với nội dung trái ngược nhau như thế.

Điều này đã gây xáo trộn không nhỏ về tâm lý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là văn bản của Tổng cục Hải quan.

Nông dân, doanh nghiệp lo lắng

Theo ông Phạm Vỹ Bền, một doanh nhân từng có hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo ở ĐBSCL, nông dân trồng lúa ở đồng bằng hầu hết là bán lúa tươi tại ruộng ngay sau khi thu hoạch bởi họ không có điều kiện phơi sấy, dự trữ trong nhà.

Chính vì vậy, một khi xuất khẩu gạo bị ngưng lại, nông dân trồng lúa ở đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng ngay tức khắc.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho hay, các doanh nghiệp đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho các lô hàng gạo xuất khẩu chuẩn bị giao trong thời gian tới. Nếu chỉ vì chưa kịp đăng ký tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24/3 mà phải dừng toàn bộ lô hàng, thì thiệt hại là không nhỏ.

Năm 2008, do đánh giá không chính xác về nguồn cung trong nước, Chính phủ hồi ấy đã ra chỉ thị tạm ngừng xuất khẩu gạo khi giá gạo xuất khẩu đang rất cao. Quyết định đó đã khiến ngành gạo thiệt hại lớn, vì khi được phép xuất khẩu trở lại, giá gạo trên thế giới đã giảm xuống rất nhiều do nhu cầu nhập khẩu không còn cao nữa.

Cũng theo ông Bình, giá lúa cao nhất hiện nay là lúa Japonica, mới chỉ ở mức 6.000 đồng/kg, kém xa so với năm 2018 (7.200-7.500 đồng/kg). Lúa các loại khác chưa tới 6.000 đồng kg.

Giá gạo xuất khẩu tuy cũng tăng nhiều trong thời gian qua, nhưng cũng chưa phải là cao so với trước đây. Công ty của ông Bình đã thử chào bán một số lô hàng gạo với giá 480 USD/tấn, nhưng đối tác nước ngoài không chấp nhận giá đó.

Những thông tin về giá lúa, giá gạo như trên, cho thấy, tuy lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm (tăng 30% về lượng và đạt gần 1 triệu tấn), giá lúa gạo cũng tăng nhiều, nhưng chưa đến mức phải lo ngại về nguy cơ sốt giá lúa gạo trên thị trường nội địa.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2019/2020 ở ĐBSCL sẽ thu hoạch được xấp xỉ 11 triệu tấn lúa, tương đương với 6 triệu tấn gạo.

Lượng gạo này đủ cân đối cho nhu cầu của ĐBSCL và TP.HCM (3 triệu tấn) và dư 3 triệu tấn có thể xuất khẩu. Các vùng khác trong nước nhìn chung đều đã cân đối được từ nguồn lương thực sản xuất tại chỗ.

Một điều đáng lưu ý là sau khi vụ đông xuân chuẩn bị thu hoạch xong, thì không lâu sau hàng trăm ngàn ha lúa hè thu ở ĐBSCL cũng cho thu hoạch. Ông Phạm Thái Bình cho hay, ở nhiều nơi, lúa hè thu sớm đã lên xanh rì, phát triển tốt, sẽ cho thu hoạch trong vài tháng tới. 

Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thế giới sẽ không tăng nhập nhiều?

Về tổng thế, sản lượng gạo thế giới năm nay không thiếu hụt mấy so với nhu cầu. Báo cáo tháng 3 của Bộ Nông Nghiệp Mỹ cho thấy, sản lượng gạo thế giới niên vụ 2019/2020 là xấp xỉ 500 triệu tấn, cộng với lượng gạo dự trữ đầu vụ là hơn 175 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa của các nước là hơn 492 triệu tấn, nhu cầu xuất khẩu là hơn 44 triệu tấn.

Trung Quốc cũng không thiếu gạo. Trong báo cáo tháng 3 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của Trung Quốc là gần 147 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa là 143 triệu tấn (dư hơn 3 triệu tấn). Năm ngoái Trung Quốc giảm rất mạnh lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam.

Nên đầu năm nay, khi họ tăng nhập khẩu trở lại là đã cho ra con số tăng trưởng rất cao, tới gần 600% về lượng trong 2 tháng qua. Nhưng xét về lượng chỉ là hơn 66 ngàn tấn, thấp hơn rất nhiều so với lượng gạo mà Philippines đã mua từ Việt Nam (357 ngàn tấn). Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo chủ yếu để đáp ứng thêm nhu cầu tích trữ của người dân trong bối cảnh Covid-19.

Về tổng thể, như đã nói ở trên, Trung Quốc không thiếu gạo. Vì vậy, họ cũng chỉ nhập tới một số lượng nhất định nào đó và không nhập quá nhiều như trước đây. Thông tin dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho rằng trong năm nay, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 2,7 triệu tấn gạo, tăng khoảng 600 ngàn tấn so với năm ngoái.

Các nước đang tăng nhập khẩu gạo chủ yếu cũng là nhằm tăng thêm lượng dự trữ trong bối cảnh Covid-19. Vì vậy, họ sẽ chỉ tăng mua ở một mức độ nào đó.

Và đến khi dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu nhập khẩu gạo của những nước đó nhiều khả năng cũng sẽ giảm xuống. Khi ấy, Việt Nam mới xuất khẩu trở lại, thì có thể đã mất cơ hội bán gạo giá tốt.

Một điều cần lưu ý nữa là đến thời điểm này, 2 nước xuất khẩu gạo lớn nhất là Ấn Độ và Thái Lan, tuy đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 (Ấn Độ đã phong tỏa đất nước; Thái Lan sẽ công bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 26/3), nhưng vẫn đang cho xuất khẩu gạo một cách bình thường.

Việt Nam chưa bị Covid-19 nặng nề như Thái Lan, Ấn Độ, lại không bị mất nhiều sản lượng do hạn hán như Thái Lan (dự báo giảm 2 triệu tấn gạo trong vụ lúa thứ hai), có nhất thiết phải tạm dừng xuất khẩu gạo hay không?

Thu gom lúa để xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu gom lúa để xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chỉ tạm ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2280/VPCP-NN ngày 25/3/2020, gửi các Bộ Công Thương, Tài chính, NN-PTNT.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ NN-PTNT, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung lúa gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo.

Trong khi chờ báo cáo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành (trước 28/3/2020), Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đối với hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết, sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.