Đón mùa hoa dã quỳ |
Ngay từ sáng sớm đã có hàng ngàn lượt du khách gần xa đến đây tham quan và chụp ảnh; hàng trăm gian hàng là sản vật Tây Nguyên cũng được trưng bày tại đây...
Lãng mạn cùng loài hoa đón đông
Bước sang tháng mười, khi những trận mưa cuối cùng chấm dứt, Tây Nguyên rải vàng sắc nắng. Tên khắp các thảo nguyên mênh mang, bạt ngàn dã quỳ bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài suốt mùa mưa để sau đó, bước sang khoảng đầu tháng mười một, dã quỳ bung hoa vàng. Dã quỳ đã nở là nở đồng loạt, sắc vàng rực rỡ trải khắp các thung xa lũng gần, nở ở bất kỳ nơi đâu cây dã quỳ có thể mọc. Trong sắc vàng của những tia nắng đầu mùa khô Tây Nguyên, màu vàng rực rỡ của loài hoa hoang dã này kéo theo về cái se lạnh đầu đông.
Tây Nguyên bước vào mùa khô- mùa đông. Vậy nên, ai đó đã đặt cho dã quỳ thêm một cái tên mới: Loài hoa đón đông.
Dã quỳ chỉ đẹp khi mọc hoang dã, và đặc biệt đẹp khi mọc thành từng vùng rộng lớn. Ở Gia Lai- bên cạnh đỉnh Hàm Rồng và nhiều địa danh khác thì đỉnh Chư Đăng Ya là nơi dã quỳ khoe sắc đẹp nhất Tây Nguyên.
Đỉnh núi Chư Đăng Ya thuộc làng Ia Gri (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai). Chư Đăng Ya là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng triệu năm. Từ nhiều đời nay, bà con sống quanh đỉnh núi thường trồng khoai lang, củ dong riềng quanh sườn núi này. Khi kết thúc mùa vụ, cũng là lúc rực vàng của dã quỳ, phớt hồng của cỏ đuôi chồn. Và vàng xanh tím đỏ của bao nhiêu là nam thanh nữ tú về đây, đón ngọt ngào nắng, đón lồng lộng gió, đón cái se lạnh đầu đông Tây Nguyên để sau đó, hàng ngàn hàng vạn tấm ảnh được khoe trên những trang cá nhân...
Hoa dã quỳ trên đỉnh Chư Đăng Ya |
Lưu Trọng Hà được "bầu" làm trưởng nhóm của một nhóm gồm mười hai bạn thanh niên, đến từ thành phố biển Nha Trang. Có mặt ở Gia Lai từ hai hôm nay, sáng nay, cả nhóm dậy sớm, mang theo bánh mỳ, nước uống đến Chư Đăng Ya. Hà nói: "Bọn em nghe đến hoa dã quỳ và núi lửa Chư Đăng Ya từ năm ngoái, khi huyện Chư Păh lần đầu tiên tổ chức Lễ hội này. Cách đây một tuần, thấy trên Facebook đăng Lễ hội năm 2018 bắt đầu từ hôm nay nên cả nhóm quyết định đi một lần cho biết".
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai: "Với khoảng 1 triệu USD được tài trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á, một "Làng du lịch J'rai nguyên tác khép kín" sẽ được phục dựng dưới chân núi Chư Đăng Ya. Đó là một ngôi làng với đầy đủ những thiết chế về văn hóa, kiến trúc, con người... Dự kiến, dự án này sẽ được triển khai trong hai năm (2019- 2020). Cùng với những điểm du lịch lân cận hấp dẫn khác như Chùa cổ, đồi chè trăm tuổi, Biển Hồ, hồ Tân Sơn... ngôi làng này sẽ là một sản phẩm du lịch khép kín vô cùng hấp dẫn". |
Hà Thị Vân Anh cùng ba đồng nghiệp khác, làm việc cho một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng nội thất ở Hà Nội, lên Gia Lai tìm đối tác. Xong việc, cả nhóm bị "níu chân" bởi cảnh đẹp khó cưỡng của mùa khô Tây Nguyên. Vân Anh bộc bạch: "Xong việc, bọn em gọi về Công ty xin phép ở thêm mấy hôm nữa, vừa để ngắm cảnh đẹp Tây Nguyên, vừa tìm thêm đối tác làm ăn". Nhóm của Vân Anh đã vào chụp ảnh muồng vàng ở đồi chè Bàu Cạn và chè Biển Hồ hôm qua. Sáng nay, cả nhóm vào Chư Đăng Gia để tham quan, chụp ảnh. "Có hơi mệt một chút do di chuyển nhiều và chưa quen khí hậu, nhưng bù lại thì bọn em có một trải nghiệm tuyệt vời về Tây Nguyên, có bao nhiêu là tấm ảnh đẹp..."- Vân Anh nói.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Bên cạnh việc tham quan, chụp ảnh, đón thời tiết và phong cảnh đẹp đến mê hồn trên đỉnh Chư Đăng Ya, du khách còn có thêm nhiều trải nghiệm, nhiều hiểu biết về vùng đất, về con người nơi đây, thông qua nhiều hoạt động đi kèm: Đó là những hoạt động văn hóa thể thao, những trò chơi dân gian của đồng bào như đẩy gậy, đi cà kheo; đó là được ngắm nhìn toàn cảnh lộng lẫy và hùng vỹ của miệng núi lửa từ những chiếc dù lượn trên cao...
Đến với Lễ hội lần này còn có rất nhiều sản phẩm độc đáo- đó là những món ẩm thực mang đậm bản sắc của đồng bào Tây Nguyên như cơm lam gà nướng, bò một nắng chấm muối kiến; đó còn là ngọt ngào của mật ong Phương Di, là cay nồng của hạt tiêu Lệ Chí, quyến rũ với rượu cần Nhà Tôi, dẻo thơm với gạo hữu cơ Ba Chăm. Anh Nguyễn Phúc- nhân viên của Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai, vừa làm công việc giới thiệu sản phẩm của Công ty, vừa làm "hướng dẫn viên bất đắc dĩ", trả lời không biết bao nhiêu là câu hỏi của du khách gần xa. Tuy mệt, nhưng gương mặt vẫn rất rạng rỡ: "Khách hỏi nhiều lắm, biết cái gì thì em trả lời cái đó. Khách ở xa rất thích những món ăn dân gian của đồng bào Tây Nguyên được trưng bày ở đây. Túi gạo hữu cơ Ba Chăm năm cân tuy có nặng với quãng đường đi bộ tham quan, những vẫn có nhiều người mua về làm quà hoặc ăn thử...".
Du khách có thêm nhiều trải nghiệm, nhiều hiểu biết về vùng đất, về con người nơi đây... |
Bên cạnh những hoạt động văn hóa thể thao, những món ăn dân gian truyền thống, du khách còn có nhiều món quà đặc sắc mua về lưu niệm: Đó là những vật dụng thủ công truyền thống được đồng bào tỷ mẩn làm bằng tay, rất công phu và vô cùng tinh xảo. Già làng Ia Gri- ông A Mluih, móm mém trong nụ cười rất tươi: "Đây là ngày hội lớn của làng Ia Gri nên ai cũng háo hức trông chờ. Từ hơn nửa tháng trước, làng đã huy động hơn mười bộ cồng chiêng, già trẻ trai gái thanh niên phụ nữ luyện tập ngày đêm. Khách ở xa tới rất thích nghe đánh cồng chiêng, thích xem múa xoang, đêm đến thích uống rượu cần, xé gà nướng với đồng bào...".
Vừa để khoe sự khéo léo của những đôi tay, vừa để cho Lễ hội thêm phần phong phú nên từ trước, dân làng cũng đã tập trung dệt thổ cẩm, đan gùi, tạc tượng... để giới thiệu với du khách gần
Lễ hội thêm phần phong phú nên từ trước, dân làng cũng đã tập trung dệt thổ cẩm, đan gùi, tạc tượng. |
Trong những ngày diễn ra Lễ hội, một hoạt động đặc biệt ý nghĩa khác đến từ 100 bạn trẻ, thuộc nhóm Tình nguyện viên vì môi trường "Gia Lai xanh". Nhóm này làm nhiệm vụ thu dọn rác như chai nhựa, túi ni-lon, cắm biển nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh chung, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Phó Chủ nhiệm nhóm- anh Nguyễn Võ Tùng Lâm, chia sẻ: "Chũng tôi không làm cái việc là cứ dọn rác mãi ở một điểm du lịch nào đó. Tuy nhiên thông qua hoạt động này, mọi người sẽ có ý thức hơn, biết chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Theo đó, hoạt động du lịch ở địa phương sẽ ngày càng thu hút được khách du lịch từ phương xa đến".
Giữa năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt, quy hoạch khu du lịch Biển Hồ- Chư Đăng Ya vào hệ thống các khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Trước đó, năm 2017, núi lửa Chư Đăng Ya được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bầu chọn là một trong mười điểm đến hấp dẫn nhất của Gia Lai. Đây là cơ hội lớn để Chư Đăng Ya cùng với dong riềng đỏ, với phớt hồng cỏ đuôi chồn, với vàng rực rỡ của dã quỳ vươn mình ra tầm quốc gia, và hơn thế nữa... |