| Hotline: 0983.970.780

Trên 170.000ha rừng bị thiệt hại do bão số 3

Thứ Ba 24/09/2024 , 10:08 (GMT+7)

Bốn địa phương bị thiệt hại nặng nhất là: Quảng Ninh (hơn 110.000ha), Bắc Giang (hơn 26.000ha), Lạng Sơn (gần 20.000ha), Hải Phòng (hơn 10.000ha).

Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực thông tin về thiệt hại về rừng trên cả nước do bão số 3. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực thông tin về thiệt hại về rừng trên cả nước do bão số 3. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại hội nghị bàn giải pháp khôi phục, ổn định sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp sau cơn bão số 3 sáng 24/9, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết: Tính đến 16h ngày 23/9, tổng số có 13 tỉnh, thành bị thiệt hại về rừng với diện tích gần 170.000ha. Diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt.

Trong đó, 4 địa phương thiệt hại nặng nhất là: Quảng Ninh (hơn 110.000ha), Bắc Giang (hơn 26.000ha), Lạng Sơn (gần 20.000ha), Hải Phòng (hơn 10.000ha).

Hiện các địa phương chưa có thống kê chính thức về doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bị thiệt hại. Tuy nhiên, qua thống kê sơ bộ, bão số 3 chủ yếu gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hầu hết doanh nghiệp ván dán, ván thanh, ván bóc tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nhà xưởng xây dựng không kiên cố nên khi bão đổ bộ bị tốc mái, sau bão thì lũ lụt gây sạt lở đất. Ước tính khoảng 200 doanh nghiệp bị thiệt hại, với số tiền khoảng 40 tỷ đồng.

Đánh giá tác động thời gian tới, ông Lực dự báo lượng gỗ nguyên liệu cung cấp trong ngành chế biến gỗ sẽ chịu nhiều tác động. Cụ thể, gần 12 triệu m3 gỗ nguyên liệu (gỗ nhỏ) bị thiệt hại. 

Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hàng chục điểm cầu trực tuyến từ các địa phương. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hàng chục điểm cầu trực tuyến từ các địa phương. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngoài ra, chi phí khai thác và vận chuyển cây bị đổ gãy khó khăn, giá cao, trong khi giá trị gỗ nguyên liệu từ cây bị đổ gãy giảm. Chuỗi cung cấp gỗ nguyên liệu có xu hướng giảm

Các doanh nghiệp dăm gỗ, ván bóc, ván dán bị thiệt hại tới máy móc, thiết bị, sản phẩm và cơ sở hạ tầng. Ước tính giá trị xuất khẩu dăm gỗ, viên nén và các loại ván năm 2024 có thể giảm khoảng 300 triệu USD.

Các dự án của ngành lâm nghiệp cũng chịu ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong đó, dự án "Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” (FMCR) bị ảnh hưởng nhiều nhất tại 3 địa phương là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Qua kiểm tra sơ bộ, xác định có nhiều diện tích trồng rừng ngập mặn của dự án đã bị sóng đánh trôi và xô đổ cây rừng trồng. Riêng tại Quảng Ninh, do điều kiện mưa lũ và thuỷ triều dâng cao nên cán bộ dự án chưa tiếp cận được hiện trường để đánh giá, xác định được số liệu cụ thể về thiệt hại sau bão.

Tại Hải Phòng, phường Bàng La (quận Đồ Sơn) trực tiếp kiểm tra được khoảng 30% diện tích rừng đã trồng ở vị trí cách đê từ 1,5 - 3km có thiệt hại ước tính khoảng 80%. Phường Tân Thành (quận Dương Kinh) ước tính thiệt hại từ  50% đến 90%.

Tại Thanh Hoá, tổng diện tích trồng rừng là 395ha, trong đó có gần 285ha rừng trồng ngập mặn và hơn 110ha rừng trồng trên cạn. Qua kiểm tra, đánh giá bước đầu khu vực trồng tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc có hơn 40ha rừng ngập mặn trồng bị thiệt hại trên 70%.

Ông Vũ Duy Văn: 'Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh có thể giảm 10%'. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Vũ Duy Văn: "Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh có thể giảm 10%". Ảnh: Bảo Thắng.

Ngoài FMCR, Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” (KFS), với tổng vốn đầu tư 4,4 triệu USD, thực hiện tại Nam Định và Ninh Bình cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phần diện tích bị đổ gãy và hư hại không đáng kể.

Ông Vũ Duy Văn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, địa phương bị thiệt hại chủ yếu là rừng trồng. Phần diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng nhiều nhất chỉ chịu thiệt hại khoảng 30%. "Với hơn 110.000ha rừng bị ảnh hưởng, Quảng Ninh ước tính có thể giảm tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn hơn 10%", ông Văn nói.

Chung quan điểm như Quảng Ninh, ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang thừa nhận địa phương có thể giảm tỷ lệ che phủ rừng 10% trong thời gian ngắn. Ngoài ra, ông Huy kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm hướng dẫn về trồng rừng thay thế, cũng như có một số chính sách đặc thù, hỗ trợ cho địa phương trong thời gian sớm nhất.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đánh giá, với chu kỳ trồng rừng sản xuất cây sinh trưởng nhanh (từ 5-7 năm), lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước ước sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm. Nguyên nhân bởi các diện tích bị gãy đổ do bão phải trồng lại rừng được 5-7 năm mới đủ điều kiện khai thác.

Xem thêm
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát

Trong điều kiện còn nhiều hạn chế, bất cập, vượt qua những khó khăn, thách thức lớn trong phòng chống thiên tai, bão lũ, chúng ta càng nhận thấy rõ những yếu tố mang tính nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của đất nước được phát huy mạnh mẽ...

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bình Định với nỗi lo 10 hồ chứa nước mất an toàn

Dù Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác sửa chữa, nâng cấp hồ đập, thế nhưng hiện vẫn còn nhiều công trình nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

Cha con 'người hùng không biết chữ' cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Dù không biết chữ, cha con anh Nguyễn Văn Hai vẫn mày mò tự chế thiết bị lặn để cứu trạm bơm Cống Bún khỏi sự cố rò rỉ trước thời điểm mưa lũ.