Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, mỗi ngày 128 khu cách ly và các bệnh viện điều trị Covid-19 thải ra 42 tấn chất thải.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã bố trí hơn 40 phương tiện để vận chuyển các loại chất thải này về địa điểm xử lý, huy động 200 công nhân để thực hiện thu gom các loại chất thải này. Thời gian thu gom rác thải căn cứ vào tình hình thực tế phát sinh chất thải ở bệnh viện và khu cách ly, từ 1-3 lần/ngày, tùy theo khối lượng chất thải phát sinh.
Về việc xử lý rác thải này, hiện có hai đơn vị chủ lực tập trung xử lý là Công ty Môi trường đô thị và Công ty Môi trường Việt Úc.
Ông Thắng cũng cho biết, hiện cổng thông tin của ngành tài nguyên môi trường tiếp nhận các thông tin liên quan đến chất thải phát sinh tại các bệnh viện, khu cách ly. Thành lập hai nhóm thông tin để điều phối và có hướng xử lý, cũng như có 9 hướng dẫn xử lý chi tiết.
Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, các công nhân trực tiếp tham gia xử lý rác thải tại các khu cách ly, bệnh viện điều trị Covid-19 được coi là lực lượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao nên đều đã được chích vacxin phòng Covid-19. Sở cũng yêu cầu các đơn vị tầm soát lại để đảm bảo sức khỏe cho công nhân.
Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu trường hợp TP.HCM phát sinh tăng mức 100 tấn/ngày thì TP.HCM vẫn đủ năng lực xử lý. Tuy nhiên, tùy theo mức độ chất thải để điều phối các đơn vị xử lý cho phù hợp. "Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ sẵn kịch bản khi lượng chất thải ở các bệnh viện điều trị Covid-19 và khu cách ly tăng", Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khẳng định.
Liên quan đến vấn đề dồn ứ chất thải trong các khu cách ly, đặc biệt là khu cách ly tại các trường học, ông Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận, thời gian đầu việc xử lý rác thải tại các khu cách ly còn bị động, nhưng giai đoạn sau đã được rút kinh nghiệm, xử lý ổn. Hiện ngành đã có nơi tiếp nhận thông tin nhanh để xử lý kịp thời nguồn rác thải này.
“Hiện nay, chúng tôi có thông tin tiếp nhận nhanh kể cả hình ảnh nếu chụp về, chỗ nào có để tồn đọng thì sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi sẽ điều phối lại để xử lý ngay”, ông Thắng thông tin.
Chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh từ khu vực cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung phải được phân ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.
Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
Các chất thải khác thực hiện thu gom và xử lý theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau đó, phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế.