| Hotline: 0983.970.780

Tuyệt đối không để lây nhiễm Covid-19 trong khu cách ly tập trung

Thứ Hai 31/05/2021 , 19:57 (GMT+7)

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị khu cách ly tập trung của TP.HCM tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kiểm tra tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kiểm tra tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất, nguồn lực đến công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại khu cách ly tập trung ở cấp độ thấp đến cấp độ cao nhất.

Báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ GD&ĐT và lãnh đạo TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM đã kích hoạt chuyển chế độ từ dạy trực tiếp sang online, khuyến cáo cho sinh viên trở về địa phương.

"Biện pháp trên đã đi trước một bước trong việc giảm lượng sinh viên ở khu ký túc xá (KTX). Tại khu A, có 25 cụm nhà, lượng sinh viên còn lại rất ít, đã có phương án chờ xe gia đình lên đón về. Các đơn vị sẵn sàng thiết lập lại để đón người cách ly. Hiện khu A có công suất 25.000 sinh viên, tuy nhiên, khi tiếp nhận người cách ly, cần đảm bảo giãn cách, công suất tiếp nhận có thể giảm còn 9.000 người (2 người/phòng).

Hiện ở khu B, tất cả sinh viên đã về hết, các lực lượng liên ngành đã khẩn trương hoàn tất công việc chuẩn bị của mình. Khu B có công suất 100 phòng, theo kế hoạch có thể bố trí 4-5 người/phòng", 

Theo Giám đốc Trung tâm quản lý KTX Đại học Quốc gia TP.HCM Tăng Hữu Thủy, hiện KTX Đại học Quốc gia TP.HCM có quy mô 40.000 sinh viên. Để hỗ trợ TP.HCM, nơi này có khả năng hỗ trợ tiếp nhận trên 19.000 người tới cách ly tập trung và công tác này được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu từng khu. "Rút kinh nghiệm từ lần tổ chức đầu tiên (tháng 3/2020), lần này Ban quản lý có sự chủ động nên sự phối hợp giữa các bên được tiến hành nhanh, bài bản hơn", ông Tăng Hữu Thủy nói.

Bên cạnh đó, ông Tăng Hữu Thủy cũng kiến nghị, đợt dịch thứ 4 này xác suất lây nhiễm cao hơn, do đó đề nghị Thành phố có chủ trương tiêm phòng vacxin phòng Covid-19 cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đang trực tiếp làm công tác trong khu cách ly.

Phó Thủ tướng biểu dương Đại học Quốc gia TP.HCM cũng như các đơn vị đã nỗ lực hỗ trợ TP.HCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương thiết lập để sớm có khu cách ly tập trung với năng lực cách ly lớn, bảo đảm để TP.HCM có đủ năng lực cách ly cho 30.000 người.

Lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ trong việc đóng gói, vận chuyển vật dụng của sinh viên để trưng dụng phòng làm nơi cách ly tập trung.

Lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ trong việc đóng gói, vận chuyển vật dụng của sinh viên để trưng dụng phòng làm nơi cách ly tập trung.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục gia tăng trên thế giới và các địa phương trong nước. "Do cấp độ lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn, nên các biện pháp phòng, chống dịch phải được kích hoạt ở mức cao nhất, quyết liệt nhất để vừa chủ động phòng ngừa vừa chủ động tấn công.

Chủ động phòng ngừa tức là thực hiện triệt để 5K, giãn cách, cách ly, truyền thông giáo dục ý thức cho người dân, bao gồm mọi thành phần, mọi giới cần nhận thức đúng các biện pháp phòng chống dịch và trách nhiệm của mình. Chủ động tấn công, tức là tập trung phát hiện kịp thời, dập dịch triệt để.

TP.HCM phải triển khai quyết liệt phòng chống dịch, ngăn được đợt dịch này, không để xuất hiện ổ dịch mới. TP.HCM cũng cần dự phòng được các tình huống xấu nhất".

Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý, trong tình huống giãn cách xã hội không có nghĩa là “ngăn sông cấm chợ”, mà TP.HCM cần chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho người dân, vẫn đảm bảo duy trì sản xuất. Bên cạnh chủ động xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện, cần phải đảm bảo các phương án cách ly những ca nghi ngờ.

Do đó, mỗi phòng cách ly chỉ nên tối đa 2 người, trừ những trường hợp cách ly cho gia đình thì có thể lên 4 người một phòng. Đồng thời, cần quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng người cách ly tụ tập, giao lưu giữa các phòng trong khu cách ly.

“Người cách ly người, phòng cách ly phòng, cách ly giữa các toà nhà, tuyệt đối không để lây nhiễm trong khu cách ly tập trung; trong khu cách ly phải có nội quy, quy chế, kỷ luật, xử phạt hành chính nếu người cách ly vi phạm ngay trong khu cách ly…".

Khu KTX A5-A6 Đại học Quốc Gia TP.HCM được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.

Khu KTX A5-A6 Đại học Quốc Gia TP.HCM được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần làm tốt công tác an ninh, trật tự; chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong công tác nhân sự không chỉ có bảo đảm đời sống mà còn cần bảo đảm cả về sức khỏe, tâm lý cho cán bộ, nhân viên làm việc tại khu cách ly.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM giao cho Đại học Quốc gia TP.HCM chuẩn bị phương án cách ly với công suất cao nhất đạt khoảng 19.000 giường, hỗ trợ kinh phí để nơi này lắp đặt hệ thống camera giám sát.

UBND TP.HCM ngày 30/5 đề nghị trưng dụng 7 ký túc xá của các đại học, cao đẳng tại TP Thủ Đức và quận 11, chuẩn bị cho tình huống 100-300 ca bệnh. Động thái này được nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu cách ly y tế của TP.HCM trong thời gian tới.

Trong 7 ký túc xá, có 6 khu ở TP Thủ Đức gồm Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Nông Lâm, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Cao đẳng Công thương, Công nghệ Thủ Đức tại TP Thủ Đức; ký túc xá Đại học Sư phạm TP.HCM ở quận 11.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.