Thương em đừng để em lỡ học
Xuất phát từ Cần Thơ lúc 3 giờ sáng đoàn chúng tôi lên đường về huyện huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Theo kế hoạch khoảng cách các điểm trường đến trao học bổng cách khá xa nhau nên phải sắp xếp thời gian cho hợp lý. Các điểm trao học bổng là Trường tiểu học Cái Keo, Trường tiểu học Tân Hồng, Trường THCS Ngọc Chánh, Trường THCS Trần Văn Phán và Trường THCS Lương Thế Vinh. Thời gian di chuyển giữa các điểm trường này mất khá nhiều thời gian chứ cũng không như một số điểm trường mà chúng tôi đã đi trao ở các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL những ngày qua. Tại 5 điểm trường thuộc tỉnh Cà Mau, chương trình trao 80 suất học bổng cho học sinh cấp 1 và cấp 2, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.
Nói tới vùng cực Nam Tổ quốc nhiều người nhớ ngay bài hát nổi tiếng “Áo mới Cà Mau”. Trong bài hát này có đoạn lời làm chúng tôi vương vấn: “Về Cái Nước, Đầm Dơi nghe ai ru câu ơi hời thương em đừng để duyên lỡ thời tội nghiệp ghê nghe sắt se con tim tôi”. Dù so sánh có vẻ khập khiễng nhưng xin phép thay hai từ câu hát này khi đến với học sinh nơi đây hôm nay: “Thương em đừng để em lỡ học, tội nghiệp ghê nghe sắt se tim tôi”.
Trên đoạn đường chúng tôi đi chuyển ở huyện Đầm Dơi hai bên đường có nhiều căn nhà tường mới xây, nhưng cũng không ít nhà lá lụp sụp. Có nhiều cây cầu bê tông bắc qua sông mới làm nhưng cũng không ít cầu cũ kỹ sắp hư hỏng. Một anh trong đoàn thực hiện chương trình này chia sẻ, nghề nuôi tôm mau chóng trở thành đại gia nhưng cũng có người trắng tay nhanh lắm. Ranh giới giàu nghèo rất mong manh. Bởi vậy, câu nói kèm ảnh con tôm "vì mày mà tao đi Bình Dương" hay in sau lưng áo thỉnh thoảng gặp một vài người mặc đi trên đường cũng là như vậy.
Sáng 19/9, điểm đầu tiên chương trình thực hiện tại huyện Đầm Dơi là Trường tiểu học Cái Keo thuộc xã Quách Phẩm. Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng trường chia sẻ: Trường Cái Keo có 15 lớp với 557 học sinh, trong đó 75 em thuộc diện gia đình hoàn cảnh khó khăn, chiếm khoảng 10%. Hơn 1/3 học sinh nơi đây ở với ông bà vì cha mẹ đi làm ăn xa nhà. Đặc biệt là 30% học sinh hàng ngày phải đến trường bằng đò vì đường bộ còn cách trở, khó đi.
Tại Trường THCS Ngọc Chánh (xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), thầy Trần Đức Thắng - Hiệu trưởng cho biết: Trường có 445 em học sinh, trong đó 37 em hoàn cảnh khó khăn. Đa số phụ huynh ở đây đi làm ăn xa nên các em ở với ông bà. Dù cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn nhưng các em học sinh rất chăm ngoan và hiếu học.
Còn tại Trường tiểu học Tân Hồng (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), thầy Nguyễn Hoàng Nam, Hiệu trưởng trường cho biết: Hiện nay cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp và việc vận động hỗ trợ dụng cụ học tập, phương tiện đi lại các em có hoàn cảnh khó khăn cũng không được nhiều. Trường tiểu học Tân Hồng năm học mới này có 465 học sinh, trong đó có 79 em thuộc diện gia đình nghèo. Trường mong muốn ngày càng có nhiều nhà hảo tâm tiếp sức cùng chăm lo cho các em học tập.
Mỗi em học sinh nghèo là một cảnh
Ngày 19/9, tại tỉnh Long An đại diện Công ty TNHH Thức ăn thuỷ sản GrowMax và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao 35 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Trường tiểu học Long Hựu Đông 2 (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) và Trường tiểu học Phước Vĩnh Đông (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc).
Đến đây hỏi thăm về những hoàn cảnh các em học sinh được Quỹ khuyến học GrowMax trao tặng học bổng chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Theo Ban Giám hiệu các trường chia sẻ, hầu hết các em đều mồ côi cha hoặc mẹ. Có em còn mồ côi cha mẹ do dịch bệnh Covid-19 và có em cha mẹ ly hôn phải ở với ông bà.
Cụ Võ Thị Nghiêm (71 tuổi) ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Long Hựu Đông dẫn cháu Đặng Thiên Kim lớp 2, Trường tiểu học Long Hựu Đông đi bộ khoảng 3km đến trường nhận học bổng. Bà Nghiêm nói, cha bé Thiên Kim bị tai nạn giao thông nên không còn được tỉnh táo. Khi bé được mười mấy ngày tuổi thì mẹ cháu không chịu được cảnh nghèo khó của gia đình cũng bỏ đi.
Nhà nghèo, không có đất sản xuất nên hàng ngày bà Nghiêm phải đi đốn lá dừa nước ven kinh về trầm lá bán kiếm tiền mua gạo. Hàng ngày bé Thiên Kim phải đi bộ khoảng 3km để đến trường. Cụ bà 71 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, giọng run run nói: “Tui mừng lắm, những ngày tháng qua nhờ được các cô chú thương tình giúp đỡ nên bà cháu tui có cái ăn, giờ tôi chỉ mong được mạnh khỏe lo cho nó”.
Còn hoàn cảnh của em Trần Minh Dương, học sinh Trường tiểu học Long Hựu Đông 2 cũng vô cùng khó khăn. Cha mẹ bỏ nhau từ hồi em được mấy tháng tuổi để lại em cho ông bà nội nuôi. Gia đình nghèo, không có đất sản xuất nên hàng ngày bà Võ Thị Ngọt (trên 60 tuổi), bà nội em Dương nhận cạo hột điều để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Ông nội của em nay cũng gần 70 tuổi, mắc bệnh parkinson nên không còn khả năng lao động.
Thầy Huỳnh Văn Xưa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Long Hựu Đông 2, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết: Trường Long Hựu Đông 2 có 50 em học sinh hoàn cảnh khó khăn. Riêng 15 em học sinh được nhận học bổng hôm nay là những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Đa số là mồ côi cha mẹ, nhà nghèo hoặc cha mẹ ly hôn phải ở với ông bà.
Thời gian qua, bên cạnh những chính sách dành cho các em học sinh nghèo, nhà trường cũng vận động thêm các Mạnh Thường Quân để giúp đỡ cho các em có được sách vở, quần áo và bảo hiểm y tế. Thay mặt các em học sinh khó khăn, chúng tôi gửi lời cám ơn đến các nhà hảo tâm. Đặc biệt là Quỹ khuyến học GrowMax đã có những phần quà thiết thực động viên kịp thời đến các em đầu năm học.
"GrowMax ra đời 2 năm nay mang trên vai trọng trách và tâm huyết của hơn 200 cán bộ, kỹ sư lành nghề với mong ước đem đến cho người nuôi tôm Việt Nam một loại thức ăn thủy sản tốt nhất, giá cả hợp lý nhất. Hiện nay, trên thị thường thức ăn tôm Việt Nam đa số là của các Công ty nước ngoài nên GrowMax ra đời với vốn của người Việt, do người Việt làm chủ là một bước tiến. Là con em của cô bác nông dân chúng tôi thấu hiểu những khó khăn và tâm nguyện được chia sẻ trách nhiệm của mình thông qua Quỹ khuyến học GrowMax", ông Phùng Hoàng Huy, Trưởng đại diện khu vực tỉnh Cà Mau – Công ty GrowMax chia sẻ.