| Hotline: 0983.970.780

Một HTX đang 'kêu cứu' vì bị đối xử bất công

Thứ Hai 09/04/2018 , 07:15 (GMT+7)

Có những HTX dám đứng ra liên kết với người dân, tích tụ đất đai, phát triển sản xuất, chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Vai trò là thế, nhưng có HTX nhiều năm khổ sở đi gõ cửa khắp nơi “kêu cứu” vì bị đối xử bất công.

Kêu cứu khắp nơi

Câu chuyện chúng tôi nhắc tới xảy ra tại HTX DVNN Phát Lợi, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai), bà Hà Thị Thập, làm GĐ. HTX thành lập cuối năm 2012. Khi đó, phong trào sản xuất cũng như xây dựng NTM đang khởi động mạnh mẽ. Bà Thập đã đứng ra liên kết với người dân trồng rau, củ quả, cung ứng khắp huyện Sa Pa. Đến nay, HTX Phát Lợi có vùng nguyên liệu 30ha.

14-06-27_1
Bà Hà Thị Thập bên dây chuyền sấy khô su su

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ưu đãi nên ngày càng có nhiều người đầu tư làm nông nghiệp. Chính vì vậy, sản lượng nông sản tăng vọt, sau thì cung vượt cầu. “Có vụ quả su su trồng nhiều quá, cho không ai lấy, bán không ai ăn. Được mùa thì mất giá, chi phí sản xuất, nhân công cộng lại còn cao hơn số tiền bán được”, bà Thập nói.

Năm 2014, HTX đề xuất Phòng kinh tế huyện Sa Pa (nay là Phòng NN-PTNT) thu mua su su, tổ chức sấy khô rồi bán dần. Như gỡ được nút thắt, huyện đề xuất Sở KH- CN xây dựng phương án hỗ trợ. Sau khi khảo sát, lắng nghe HTX, huyện Sa Pa trình bày ý tưởng, Sở đồng ý.

“Sở cấp cho HTX một dây chuyền sấy khô nông sản trị giá 250 triệu đồng. Gia đình tôi gom góp, vay mượn thêm 150 triệu nữa. Sau đó, chúng tôi chuyển máy tới lắp đặt tại mảnh đất của gia đình ở xã Bản Khoang”, bà Thập nhớ lại. Nhưng cũng chính từ đây, bao rắc rối bắt đầu nảy sinh.

Mảnh đất kể trên, gia đình bà Thập mua lại của ông Lưu Quang Thiện, tổ 14, thị trấn Sa Pa, gần 3.000 m2 với 200 triệu đồng vào năm 2011. Theo giấy mua bán viết tay, đây là đất khai hoang từ những năm 90. Năm 1992, ông Thiện có nhu cầu dựng nhà và vườn tạm nên làm đơn xin phép UBND xã Bản Khoang.

14-06-27_2
Những gì còn sót lại là bộ khung bỏ hoen rỉ

Chủ tịch xã Bản Khoang khi đó là ông Lý Xài Xiên đã viết giấy xác nhận đồng ý, đóng dấu và ký tên. Năm 2011, khi bán lại đất cho bà Thập, ông Thiện cũng xin xác nhận của lãnh đạo UBND thị trấn Sa Pa.

Quay lại câu chuyện HTX Phát Lợi, sau khi đặt máy, năm 2015, đơn vị này dựng một nhà xưởng để sấy khô su su, cuốn hàng rào thép gai xung quanh. Tuy nhiên, vừa xây xong UBND xã lập biên bản cưỡng chế, đòi HTX tự tháo dỡ. Sau đó, mọi thứ bị phá bỏ tan tành.
 

Nhùng nhằng và lãng phí

Hậu quả là dây chuyền sấy khô su su bị phơi mưa phơi nắng, dự án cũng đổ bể. Những gì còn lại là mấy tấm tôn, mấy thanh sắt han gỉ. “Sau khi cưỡng chế, không có chỗ đặt máy nên chúng tôi để luôn đó. Về sau chiếc máy bị trộm cắp dần, trơ lại mỗi bộ khung”, bà Thập than thở.

HTX làm đơn gửi xã, thị trấn, huyện… xin làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được. Cùng cực, bà Thập lên tận phòng ông Lê Tấn Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa.

14-06-27_3
Gạch đá ngổn ngang nơi từng là nhà xưởng của HTX Phát Lợi

Ông Phong "sút bóng" cho một cán bộ Phòng TN- MT xử lý. Cán bộ tên Trung này cho biết, diện tích HTX đã làm nhà xưởng chuẩn bị được lấy để làm bãi rác thải của thị trấn, do Quỹ đất huyện Sa Pa bố trí. Bà Thập tiếp tục làm việc với Quỹ đất huyện Sa Pa nhưng không có câu trả lời.

Để hiểu rõ nguồn cơn sự việc oái oăm này, PV gặp ông Chảo Duần Chiêu, Chủ tịch UBND xã Bản Khoang, ông nói nguồn gốc mảnh đất HTX Phát Lợi đặt nhà xưởng không rõ ràng. Giấy xác nhận lãnh đạo xã ký thời kỳ 1992 không biết thật hay giả, vì ông Lý Xài Xiên đã mất.

“Chúng tôi đã nhờ Công an huyện Sa Pa giám định chữ ký của ông Xiên. Còn những người từng làm việc ở xã nói, đấy không phải là chữ ký ông Xiên. Vì khi ký, ông Xiên không bao giờ ghi đầy đủ họ và tên bên dưới. Trong khi, giấy mua bán giữa hai bên là viết tay, không có xác nhận của xã”, ông Chiêu khẳng định.

Sau khi cầm tờ “Giấy giới thiệu” với một mớ quy trình hành chính của Văn phòng UBND huyện Sa Pa, chúng tôi mới được sang làm việc với ông Trần Văn Hùng, Phó Trưởng phòng TN- MT huyện Sa Pa, ông cho biết, rất ngạc nhiên vì những thông tin PV cung cấp.

“Thú thực, tôi chưa nhận được bất kì đơn từ phản ánh, kiến nghị nào của HTX Phát Lợi. Có thể bà Thập lên làm việc trực tiếp với cán bộ của phòng, để tôi hỏi lại anh em đã”, ông Hùng nói.

14-06-27_4
Toàn cảnh mảnh đất bị cưỡng chế, sắp biến thành bãi rác

Như vậy, sau bao nhùng nhằng, đọng lại là sự lãng phí thời gian, đất đai và số tiền mấy trăm triệu từ ngân sách. Và đây, cũng như một giọt nước tràn ly trong bao bất cập, tồn tại của các HTX hiện nay.

Theo tìm hiểu của PV NNVN, ngày 22/12/2017, UBND huyện Sa Pa đã ra quyết định số 2138 về việc thu hồi đất để làm công trình bãi đổ thải vật liệu xây dựng. Trong đó, diện tích đất của bà Thập bị thu hồi là 2.101 m2.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.