| Hotline: 0983.970.780

Một niềm trăn trở cho Tây Nguyên

Thứ Ba 07/12/2021 , 08:52 (GMT+7)

Rừng Tây Nguyên bây giờ chỉ còn chút ít ở những nơi được dán mác 'Vườn quốc gia', 'Khu bảo tồn thiên nhiên' mà thôi.

Bây giờ nhiều đêm tôi thường khó ngủ và hay nghĩ về những năm tháng đã đi qua. Có lẽ đó là một thứ bệnh thông thường của những người đã bén tuổi “cổ lai hy” như tôi. Càng nghĩ, càng thấy khó ngủ. Bởi ký ức cứ tràn về như lũ.

Ánh mắt già làng Tây Nguyên. Ảnh: Đặng Bá Tiến.

Ánh mắt già làng Tây Nguyên. Ảnh: Đặng Bá Tiến.

Nhiều đêm đã một, hai giờ sáng mà con mắt cứ ráo hoảnh, phải dậy bật đèn, pha cà phê, ngồi nhấm nháp một mình giữa đêm vắng; và càng thấm câu nói của một triết gia nào đó: Người ta sống trên đời không ai có thể xây vạn lý trường thành ngăn cách đường về quá khứ. Quá khứ có thể làm cho ta dày vò, trăn trở, sống hôm nay mà không thể yên vì chuyện ngày qua; hoặc ngược lại, cho ta sự thanh thản của tâm hồn, cho ta niềm vui, niềm tự hào mỗi khi nghĩ tới.

Với tôi, quá khứ về Tây Nguyên cho cả hai chiều: Vui và buồn. Vui vì mình đã chọn đúng vùng đất Tây Nguyên, hợp với tạng mình để sống gần 40 năm nay và đã sống thật lòng, không lươn lẹo, không cúi đầu, đã đóng góp được một chút sức lực trí tuệ cho vùng đất này bớt đi cái xấu, thêm phần cái đẹp và nhờ thế có nhiều bạn bè, có nhiều người yêu mến.

Còn buồn, ngoài cái buồn riêng tư ai cũng có (không nhiều thì ít), cái buồn mang “tính công dân” của tôi là sự đau đáu về vùng đất này đã không phát triển xứng với tiềm năng của nó. Trong đó, buồn nhất là chuyện rừng bị tàn phá đến mức suy kiệt, buồn nhì là chuyện văn hóa của các tộc người Tây Nguyên – một nền văn hóa đặc sắc, độc đáo nổi tiếng – chỉ mới ba bốn chục năm thôi đã bị mai một và biến dạng khủng khiếp, đến mức có những tập tục văn hóa đã thành... “xác chết” vô hồn, vô cảm.

Khi xuân sang người ta thường ca ngợi vẻ đẹp của trăm hoa khoe sắc, lộc nõn, chồi non, chim trời véo von ca hát, nhưng nhiều vùng đất ở Tây Nguyên bây giờ còn đâu cây, còn đâu rừng, đến cả gốc người ta cũng tận thu, đào lấy bằng hết thì trăm hoa khoe sắc, lộc nõn, chồi non ở những vùng đất ấy chỉ còn trong tưởng tượng. Và vì vậy từ cách đây khá lâu tôi đã viết bài thơ “Trở lại rừng xưa”, trong đó có đoạn:

Giờ tôi như lạc giữa chiều

Rừng đà khuất bóng… Bao điều ngẩn ngơ:

Cây thành mây khói bao giờ

Suối: gương, nay đã đục mờ, lặng trôi

Nai, công hồn đã về trời

Người đời hóa kiếp cả lời chim ca…

Cũng vì yêu rừng, thương tiếc những cánh rừng đã mãi mãi “khuất bóng” mà năm 2012 tôi viết trường ca “Rừng cổ tích” (tác phẩm đã được trao giải nhất Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài công nhân giai đoạn 2010 - 2014 do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức). Trong trường ca này có đoạn tôi vạch mặt, lên án những kẻ bất lương phá rừng, chúng không chỉ là lâm tặc phá rừng bằng dao, búa, mà phá rừng bằng cả những chữ ký đầy quyền uy:

“chúng ngấu nghiến ăn rừng trong bóng tối

ăn rừng giữa bạch nhật, thanh thiên

chúng nuốt cả cây gỗ dài như sợi bún

chúng ngủ mơ cũng thấy gỗ chập chờn

chúng bán, mua cả rừng gỗ giản đơn

bằng những dự án đỏ lòm con dấu

và bầm tím những mưu đồ ẩn náu

chúng nháy mắt nhau là rừng đổ ào ào

những cánh rừng đẫm máu thương đau

voi phơi xác cho quạ diều mở tiệc

hổ báo cũng cùng đường mạt kiếp

chúng biến cẩm, hương thành những đống vàng mười

thành đô-la xanh cho chúng đổi đời”

Chính vì vậy hết cánh rừng này đến cánh rừng khác ở Tây Nguyên đã phải lần lượt “đội nón ra đi”. Cho đến nay thì Tây Nguyên đã “cơ bản hoàn thành việc phá rừng”.

Đây là nỗi buồn vô bờ bến. Buồn đến mức đau xót. Bởi mất rừng đối với đồng bào Tây Nguyên là… gần như mất tất cả. Nhà văn Nguyên Ngọc tác giả của "Đất nước đứng lên", "Rừng xà nu"... người từng sống gắn bó với đồng bào Tây Nguyên hàng chục năm trời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả những năm gần đây, là người hiểu sâu sắc đời sống, phong tục tập quán của các tộc người Tây Nguyên đã khẳng định: “Với Tây Nguyên rừng hoàn toàn không chỉ là vật chất, là tài nguyên, là môi trường theo nghĩa hẹp. Rừng là tâm linh.

Vì vậy nó là cội nguồn của văn hóa ở đây. Đố ai có thể tìm ra được một biểu hiện văn hóa nào ở đây mà không liên quan đến rừng, hay đúng hơn, không có mối quan hệ sâu xa thăm thẳm của con người với rừng làm cơ sở. Ở đây nếu không giữ được rừng, nếu tiếp tục tàn phá rừng, tiêu diệt rừng như nó đã và đang tiếp tục bị tiêu diệt thì đừng nói gì đến văn hóa, bảo vệ văn hóa, mọi thứ lễ hội ồn ào và diêm dúa sẽ chỉ là diễn, là giả”.

Đưa voi vào khai thác du lịch ở Tây Nguyên. Ảnh: Đặng Bá Tiến.

Đưa voi vào khai thác du lịch ở Tây Nguyên. Ảnh: Đặng Bá Tiến.

Nhưng than ôi, những lời cảnh báo đó đã bị bỏ ngoài tai. Rừng Tây Nguyên đã gần như bị xóa sổ. Nói chính xác là: Rừng Tây Nguyên giờ chỉ còn chút ít ở những nơi được dán mác “Vườn quốc gia”, “Khu bảo tồn thiên nhiên” mà thôi.

Nhưng “Vườn quốc gia”, “Khu bảo tồn” thực chất cũng chỉ còn cái tên gọi và cái vỏ ngoài đèm đẹp, đánh lừa người “cưỡi ngựa xem hoa”, còn bên trong đã bị chặt phá đến rỗng ruột. Ví như Vườn quốc gia Yốk Đôn - Vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam (115.000ha), đến nay các loại gỗ quý như cà te, cẩm lai đã bị xóa sổ, giáng hương cũng sắp hết, bây giờ lâm tặc đã phải chặt trộm cả cam xe, cà chít. Ít năm nữa hết giáng hương, cam xe, cà chít... chúng sẽ chặt tới gỗ dầu và các loại gỗ tạp khác. Vườn quốc gia cũng sẽ “đi đời nhà ma”, nếu cung cách quản lý vẫn kiểu “ăn xổi ở thì” như bấy lâu nay.

Tây Nguyên không còn rừng thì “đừng nói gì đến văn hóa, bảo vệ văn hóa, mọi thứ lễ hội ồn ào và diêm dúa sẽ chỉ là diễn, là giả” (Nguyên Ngọc). Đấy là sự thật không thể phủ nhận. “Không có rừng lời khan ngơ ngác/ lời khan như cũng lạc quê hương/ Đam San về tìm lại suối ngàn thương/ đâu còn bóng kơ- nia trên bến nước/ đâu còn thác tung bờm như ngựa thần sải bước/ đâu còn đàn voi đi rung chuyển đại ngàn/ người kể khan ngồi trước cửa nhà sàn/ thì thầm kể khan/ cho chính mình nghe/ rồi khóc”. Không gian, môi trường của sử thi (khan) không còn, nghĩa là sử thi cũng không còn đất sống.

Đáng buồn hơn là có những địa phương, có những người có chức có quyền ở Tây Nguyên luôn miệng hô hào bảo vệ văn hóa Tây Nguyên, tổ chức hết hội diễn này đến festival kia, nhưng thực chất chỉ là “diễn trò” để thực hiện “dự án A, B, C”. Và nhà nước đã phải chi hàng đống tiền thuế của dân cho cái gọi là “bảo tồn và phát huy” văn hóa Tây Nguyên, nhưng hiệu quả mang lại chỉ là thứ văn hóa Tây Nguyên giả cầy mà người dân bản địa từng sống bạc đầu trên mảnh đất này không biết, không hiểu. Người dân không hiểu được vì sao cồng chiêng là phương tiện giao tiếp với thần linh, nó chỉ được tấu lên khi tổ chức một lễ cúng nào đó của buôn làng, bây giờ lại được đưa lên sân khấu biểu diễn (?!).

Đó là những bất thường trong đời sống văn hóa ở Tây Nguyên, là những mất mát của Tây Nguyên không dễ gì lấy lại được. Và vì thế bất cứ ai có chút tâm huyết với Tây Nguyên đều trăn trở! Trăn trở và buồn!

Người ta cũng không hiểu “Lễ dâng cà phê của người Tây Nguyên xưa” trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là gì? Lễ này có từ bao giờ? ở đâu? của dân tộc nào? Và vì vậy trong bài thơ “Lời chiêng từ đất”, tôi đã viết: “Họ kéo ta về từ trăm năm trước/ bắt ta ngân lên những lời chiêng linh thiêng trong ánh đèn điện tử chói lòa biến hóa như lũ ma rừng/ bắt tiếng chiêng ta va vào những bức tường xi măng vô hồn khô khốc/ bắt những đôi tai vểnh lên dù nó muốn cụp xuống/ bắt những cái miệng phải cười, dù nó đang muốn khóc/ bắt những cái bụng phải vui dù nó đã lên váng nỗi buồn/ và dù chán chường đã duềnh lên như lũ lụt”...

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.