Đến sáng 11/10, tại khu vực suối Tình Cảm, xã An Quang (huyện An Lão, Bình Định) tiếp tục bị sạt lở. Khu vực này bị sạt ta-luy âm hở hàm ếch, ăn sâu vào đường bê tông, đất đá ở ta-luy dương tràn xuống mặt đường, xe ô tô không thể đi lại được.
Đây là tuyến độc đạo kết nối thôn 3, thôn 5 xã An Quang và xã An Toàn với trung tâm huyện An Lão, nên việc đi lại của bà con bị ách tắc. Chính quyền xã An Quang đã bố trí lực lượng túc trực không cho phương tiện qua lại trên đoạn đường nói trên. Đến sáng 11/10, do thời tiết tiếp tục có mưal ớn, vị trí sạt lở địa hình khá phức tạp nên chính quyền địa phương chưa thể khắc phục hoàn toàn.
Cũng trên địa bàn huyện An Lão, theo ông Đinh Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh, mưa lớn cũng đã gây sạt lở đất tại 5 hộ dân ở thôn 1, thôn 4, thôn 2, thôn 5 thuộc xã An Vinh. Riêng hộ ông Đinh Văn Vinh và hộ ông La nằm phía dưới nhà ông Vinh ở thôn 5 (xã An Vinh) bị sạt lở ở cấp độ nguy hiểm, nên địa phương đang di dời người và tài sản của hộ dân này đến nơi an toàn.
Tuyến đường quanh hồ chứa nước Đồng Mít dẫn vào xã An Vinh đang xảy ra tình trạng đất, đá từ ta-luy dương sạt trượt xuống đường. Chính quyền xã An Vinh đã bố trí lực lượng chốt chặn tại khu vực cầu Hlong Hoai nằm trên địa bàn thôn 1 và khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trên tuyến đường này.
Còn ở Hoài Ân, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn xảy ra từ ngày 10 đến sáng ngày 11/10 nên mực nước sông An Lão và sông Kim Sơn dâng cao, gây thiệt hại cho người dân.
Đến trưa 11/10, huyện Hoài Ân ghi nhận có 250 nhà bị ngập, chủ yếu ở các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, Ân Nghĩa và xã Ân Tường Đông. Các lực lượng xung kích địa phương tập trung hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
Ngoài ra, mưa lũ đã khiến 220 giếng của người dân Hoài Ân bị ngập; 42 ha gồm chuối, đu đủ, rau dưa các loại bị hư hại; 9 ha dừa xiêm, bưởi bị đổ ngã; 150 ha cây dâu tằm bị thiệt hại; 12 ha rừng keo bị đổ ngã; 5,5 ha diện tích đất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá; 550 con gà, vịt bị cuốn trôi; 3 con trâu của người dân xã Đăk Mang và 2,5 tấn cá nuôi trong ao của nhiều hộ dân xã Ân Mỹ bị cuốn trôi. Ngoài ra, huyện Hoài Ân còn bị nhiều thiệt hại khác về công trình thủy lợi, giao thông, hệ thống nước tự chảy… ước tính thiệt hại khoảng 3,7 tỷ đồng.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, mưa lớn trong ngày 10 và sáng 11/10 đã gây lũ ở xã Vĩnh Kim. Tại thôn O5, nước lũ cuốn trôi 200m ống nước sinh hoạt, đoạn đường thôn từ làng O5 đến làng Kon Trú hàng chục mét khối đất đá sạt lở bồi lấp đường giao thông. Ngay trong đêm 10/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự xã Vĩnh Kim đã phân công lực lượng sơ tán các hộ dân sống gần sông Trinh đến tránh trú tại Nhà Văn hoá làng O5.
Sáng sớm ngày 11/10, đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra hiện trường sạt lở ở huyện An Lão. Qua kiểm tra, đoàn công tác đã đề nghị huyện An Lão tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lớn và khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo việc đi lại của người dân.