| Hotline: 0983.970.780

Mùa Xuân là Tết trồng cây

Thứ Năm 18/02/2021 , 13:55 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp - PTNT cùng tỉnh Quảng Bình đã tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Tân Sửu tại xã Quang Phú…

Ngày 18/2, tại xã Quang Phú, TP Đồng Hới (Quảng Bình), Bộ Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu 2021”.

Đến dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành TW, tỉnh Quảng Bình và các tỉnh trong khu vực.

Hưởng ứng sáng kiến trồng một tỷ cây xanh

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh hồi trống phát động 'Tết trồng cây' tại Quảng Bình. Ảnh: N.Tâm

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh hồi trống phát động “Tết trồng cây” tại Quảng Bình. Ảnh: N.Tâm

Phát biểu tại lễ ra quân trồng cây đầu xuân Tân Sửu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường, Người căn dặn mọi người phải tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Xuân Canh Tý năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân ta lại nô nức tổ chức “Tết trồng cây” làm theo lời Bác.

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn (trái) trồng cây tại bờ biển Quảng Bình. Ảnh: N.Tâm

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn (trái) trồng cây tại bờ biển Quảng Bình. Ảnh: N.Tâm

Phó Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, những năm gần đây, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều vùng miền trên cả nước. Năm 2020, các tỉnh miền trung, trong đó có Quảng Bình đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra. “Do đó, việc trồng cây, trồng rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược to lớn và hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước”- Phó Chủ tịch nước nói.

Tại xã Quang Phú (TP Đồng Hới), hơn 50 năm về trước, cô thôn nữ miền biển Phạm Thị Nghèng đã thành lập tổ trồng rừng phụ nữ, trồng cây phi lao trên những đồi cát trắng để chống cát bay, cát lấp. Qua đó, hàng trăm ha rừng phi lao đã vươn lên trong gió cát để thành rừng phòng hộ. Những cánh rừng mà mẹ Nghèng đã trồng như tấm bình phong che chắn cho làng xóm trước thiên tai. Sau này, mẹ Nghèng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã nhắc đến công lao của mẹ Nghèng trong việc đi đầu phong trào trồng rừng chắn cát, bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí trong cả nước hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, “Cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng sáng kiến trồng mới một tỷ cây xanh trong năm năm tới của Thủ tướng Chính phủ phát động”- Phó Chủ tịch nước kêu gọi, động viên.

Lực lượng kiểm lâm Quảng Bình tham gia trồng cây sau buổi lễ. Ảnh: N. Tâm

Lực lượng kiểm lâm Quảng Bình tham gia trồng cây sau buổi lễ. Ảnh: N. Tâm

Tại lễ phát động, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp- PTNT Hà Công Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2020, cả nước trồng bình quân 227 ngàn ha rừng tập trung và 67 triệu cây phân tán mỗi năm.

Riêng năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai song nước ta vẫn trồng được hơn 230 nghìn ha rừng trồng tập trung và 80 triệu cây phân tán. Hiện, tỷ lệ độ che phủ rừng cả nước đạt 42 %; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 13,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019.

“Giai đoạn 2021-2025, ngành Lâm nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng và ổn định tỷ lệ che phủ rừng cả nước ở mức 42%. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 20 tỷ USD. Sản lượng gỗ rừng trồng tập trung 35 triệu m3 mỗi năm”- Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu cơ bản này, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về lâm nghiệp, làm cho pháp luật trở thành thói quen ứng xử trong xã hội.

Đặt công tác bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai là thành tố quan trọng  trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 làm cho đất nước ta ngày càng thêm xanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn nhấn mạnh: “Phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Làm cho đất nước ta ngày càng thêm xanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Qua đó, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Quảng Bình đẩy mạnh bảo vệ, phát triển rừng

Quảng Bình là tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ, có cảnh quan thiên nhiên đa dạng và giá trị nhân văn cao. Địa hình theo dải đất hẹp và dốc từ tây sang đông có  85% diện tích đồi núi và bờ biển dài 116 km.

Hàng năm, Quảng Bình chịu ảnh hưởng nhiều mặt của các hình thái thiên tai cực đoan. Bão lũ, thiên tai, biến đổi khí hậu đã gây cho địa phương nhiều thiệt hại nặng trong đời sống và sản xuất.

Các lực lượng tham gia lễ phát động trồng phi lao trên bờ biển. Ảnh: N. Tâm

Các lực lượng tham gia lễ phát động trồng phi lao trên bờ biển. Ảnh: N. Tâm

Trong những năm qua, Quảng Bình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, chú trọng công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Quảng Bình, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2020, các địa phương trong tỉnh đã trồng được 8,1 nghìn ha rừng tập trung, sản lượng gỗ khai thác đạt 450 nghìn m3.

“Chúng tôi cũng đã chú trọng công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng nên đã hạn chế được việc xâm hại đến rừng và vi phạm pháp luật trên địa bàn”- ông Mai Văn Minh cho hay.

Nhờ làm tốt các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng nên tỷ lệ che phủ rừng ở Quảng Bình ngày càng được nâng lên. Hiện nay,  tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Bình đạt 68%, đứng thứ nhì cả nước.

Trong những năm tiếp theo, Quảng Bình đã xác định các mục tiêu, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tăng 3,5- 4%/năm; phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng cường quản lý bảo vệ rừng gắn với dịch vụ môi trường rừng.

Chú trọng trồng rừng gỗ lớn; ổn định độ che phủ của rừng 68%. Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn hy vọng: “Quảng Bình sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khơi dậy tiềm năng lợi thế, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Rừng phi lao mẹ Nghèng trồng trên vùng cát trắng xã Quang Phú. Ảnh: N.Tâm

Rừng phi lao mẹ Nghèng trồng trên vùng cát trắng xã Quang Phú. Ảnh: N.Tâm

Sau lễ phát động “Tết trồng cây”, hàng trăm cán bộ chiến sỹ, nhân dân Quảng Bình đã thực hiện trồng phi lao trên bờ cát ven biển.

Ông Lê Văn Duẩn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình chỉ đạo mọi người trồng và buộc chống cây tránh gió lay gốc. “Mong muốn dọc các bãi biển của tỉnh sẽ có nhiều rừng phi lao chống cát bay, cá lấp và góp phần ổn định môi trường”.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.