| Hotline: 0983.970.780

'Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp'

Thứ Sáu 29/01/2021 , 21:50 (GMT+7)

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, muốn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh thì trước tiên chúng ta phải tri thức, chuyên nghiệp hóa người nông dân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Đại hội XIII. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Đại hội XIII. Ảnh: Minh Phúc.

Tại Đại hội XIII, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ với báo chí những định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp thể hiện trong dự thảo Văn kiện Đại hội.

Ông Lê Minh Hoan nói về bất cứ chủ đề gì, hình ảnh người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều hiện diện trong đó.

Giải pháp để vượt qua "lời nguyền" sản xuất nhỏ

Thưa ông, Dự thảo Báo cáo chính trị của Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng đã đặt vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp ở đâu trong nhiệm kỳ tới?

Dự thảo văn kiện của Đại hội XIII xác định mục tiêu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đồng thời xác định 3 định hướng chủ đạo: một là nông nghiệp sinh thái; hai là nông thôn hiện đại và thứ ba là nông dân thông minh.

Như vậy chúng ta đã định vị một quỹ đạo cho quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp từ lượng sang chất, coi trọng giá trị gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, nền nông nghiệp sẽ phải tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng để tương thích với quy luật thị trường.

Chúng ta đã có những mô hình nông nghiệp hiệu quả. Vấn đề là làm sao để lan tỏa rộng hơn và có chính sách đồng bộ hơn, từ đó kích hoạt nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ. Những mô hình đó sẽ tạo ra giá trị trên từng đơn vị diện tích.

Nền nông nghiệp không chỉ được coi trọng ở quá trình sản xuất, mà cần phải ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ 4.0 trong các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì, thương mại điện tử.

Qua đó, với từng sản phẩm, chúng ta sẽ phân ra từng phân khúc khác nhau để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường, từng hiệp định thương mại mà chúng ta tham gia.

Đông đảo phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng phỏng vấn Thứ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Minh Phúc.

Đông đảo phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng phỏng vấn Thứ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Minh Phúc.

Vấn đề cốt lõi là chúng ta phải phát huy những thành tựu của 5 năm qua, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để tạo ra những điểm nhấn, những cú hích mới, bằng những tư duy mới như tôi đã nói ở trên để cùng nhau theo đuổi mục tiêu là tạo ra giá trị gia tăng đột biến.

Khi nói đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến tư duy sản xuất nhỏ lẻ; người dân xa rời, thậm chí là bỏ ruộng. Vậy từ dấu mốc của Đại hội lần này, những Văn kiện của Đại hội và các tham luận của nhiều đại biểu tại hội trường, chúng ta sẽ đưa ra định hướng như thế nào để phát triển lĩnh vực “tam nông”?

Từ nội dung của Văn kiện, chúng ta thấy rõ “lời nguyền” sản xuất nhỏ, manh mún đã kéo dài mấy chục năm rồi. Và trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi phải chia sẻ quỹ đất để phát triển hạ tầng, dịch vụ và đô thị.

Như vậy, đất đai đã nhỏ lại càng tiếp tục nhỏ. Để khắc phục điều đó, dự thảo đã đưa ra giải pháp để khắc phục “nút thắt” đó bằng cách tăng cường nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác.

Cho nên, chúng ta đã định vị vai trò của hợp tác xã ở một vị trí cao hơn trong tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp. Bởi, chính hợp tác xã là mảnh ghép của kinh tế hộ, cầu nối giữa người sản xuất nhỏ lẻ với thị trường thông qua doanh nghiệp.

Một hợp tác xã trồng hoa ở Đan Phượng (Hà Nội) đã chuyển đổi thành công nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Ảnh: Minh Phúc.

Một hợp tác xã trồng hoa ở Đan Phượng (Hà Nội) đã chuyển đổi thành công nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Ảnh: Minh Phúc.

Với những gì hệ thống hợp tác xã ở Sơn La, Đồng Tháp hay Gia Lai, Kon Tum đang làm, tôi tin rằng phong trào thành lập hợp tác xã kiểu mới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

Cho nên, Nhà nước không nên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ cá thể mà hỗ trợ thông qua các hợp tác xã, như vậy mới kích hoạt được một chuỗi hợp tác của nông dân với nhau. Từ sự hợp tác của những người nông dân với nhau sẽ tạo ra một sự liên kết giữa người nông dân, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.

Muốn làm được điều đó thì phải xác định lại thị trường. Bởi thị trường sẽ quyết định đến sản xuất từ quy mô đến chất lượng và những tiêu chuẩn kỹ thuật. Đó là những vấn đề trong Văn kiện Đại hội XIII đã xác định rõ.

Nông nghiệp sinh thái sẽ tạo nên thương hiệu và giá trị cao cho nông sản Việt

Trong nội dung của Văn kiện, chúng ta hướng tới một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và tuần hoàn. Vậy thưa ông, đến thời điểm nào thì sẽ chấm dứt được cảnh trong hộ nông dân có hai luống rau, hai chuồng lợn?

Quán tính và tập quán của người nông dân mà truyền thông hay đề cập, đó là việc lạm dụng yếu tố đầu vào, nhất là thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng đối với ngành NN-PTNT cần phải nhận thức rõ được mục tiêu.

Chúng ta không thể đánh đổi tăng trưởng để dẫn đến mất cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học, thậm chí là mất uy tín hoặc thương hiệu của nông sản Việt Nam. Bởi vì, thương hiệu nông sản xuất phát từ chất lượng.

'Một câu nông nghiệp sinh thái thôi sẽ tạo được thương hiệu cho nông sản Việt và tạo ra giá trị cao hơn', Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói. Ảnh: Minh Phúc.

"Một câu nông nghiệp sinh thái thôi sẽ tạo được thương hiệu cho nông sản Việt và tạo ra giá trị cao hơn", Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói. Ảnh: Minh Phúc.

Sắp tới chúng ta sẽ có một chương trình để làm sao có thể cân, đo, đong, đếm được sự chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc sinh học.

Chúng ta sẽ chứng minh với người sản xuất rằng mỗi sự thay đổi từ tập quán sản xuất lâu đời sang tư duy sản xuất mới sẽ có thời điểm gặp khó khăn, thậm chí là năng suất sẽ giảm xuống. Nhưng tôi tin rằng nếu chất lượng nông sản được nâng lên, chúng ta sẽ bán được giá cao hơn. Chúng ta cần thuyết phục người nông dân hãy kiên nhẫn, kiên trì để thay đổi theo hướng tốt hơn.

Đúng như câu trong Văn kiện Đại hội XIII đã nói, chúng ta sẽ chuyển đổi nền nông nghiệp thành nông nghiệp sinh thái. Một câu nông nghiệp sinh thái thôi sẽ tạo được thương hiệu cho nông sản Việt và tạo ra giá trị cao hơn.

Ông đánh giá thế nào về việc thời gian vừa rồi các tập đoàn tư nhân lớn đã tham gia vào sản xuất nông nghiệp?

Một số tín hiệu rất vui là hiện nay các tập đoàn ngoài ngành đã rót vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Người ta nhận ra rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực có thể sinh lợi ngay và nó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng tôi đọc nhiều tài liệu và thấy rằng, doanh nghiệp rất tâm huyết với nông nghiệp.

Họ muốn quay trở lại để không phải chỉ làm giàu cho doanh nghiệp mình mà muốn tạo ra một cú hích cho sự thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam. Đó mới chính là giá trị cao nhất của các doanh nghiệp.

'Chúng ta muốn có nhiều đại bàng để dẫn dắt, nhưng chúng ta cũng cần những chim sẻ, đó là những hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương', Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói. Ảnh: Minh Phúc.

"Chúng ta muốn có nhiều đại bàng để dẫn dắt, nhưng chúng ta cũng cần những chim sẻ, đó là những hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương", Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói. Ảnh: Minh Phúc.

Từ nhận thức đó, các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã tạo ra được một thế đứng trên thị trường, đưa nông sản ra nước ngoài. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, vì cơ cấu lại nông nghiệp thì phải có người dẫn dắt, mà người dẫn dắt trong kinh doanh chính là doanh nghiệp.

Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng, bất kể trong môi trường tự nhiên hay xã hội, đều có những con đại bàng và bầy chim sẻ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Chúng ta muốn có nhiều đại bàng để dẫn dắt, nhưng chúng ta cũng cần những chim sẻ, đó là những hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương, mặc dù giá trị không cao. Đặc biệt, lực lượng của loài chim sẻ rất đông, cần phải hợp lực họ lại để tạo ra sức mạnh.

Đó là những bạn trẻ trở về từ các đô thị, hấp thu được hàm lượng tri thức sẽ trở về khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, thương mại điện tử. Tôi nghĩ rằng nó sẽ tác động có tính lan tỏa ở cộng đồng không kém gì các con đại bàng, những doanh nghiệp lớn.

Nếu thu hút được công nghiệp và công nghệ về làng, chúng ta sẽ tạo ra sức hút để đưa tri thức trẻ về làng, nơi mà các em, các cháu sinh ra. Như vậy đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn ca cẩm rằng tuổi trẻ, thanh niên cứ lần lượt bỏ ruộng, bỏ quê đi Đồng Nai, đi Bình Dương, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Tất nhiên sự chuyển dịch đó thì nước nào cũng có, nhưng sẽ có một bộ phận ở lại với ruộng đồng.

Ở nước phát triển, nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép

Thưa ông, mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp của Việt Nam sẽ đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế? Và chúng ta có thể học tập mô hình thành công của những quốc gia nào trên thế giới?

Thực ra thì những đất nước xung quanh chúng ta cũng đã và đang có giao thoa, giao lưu để chắt lọc trong tiến trình phát triển nông nghiệp, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, gần hơn là Thái Lan và Malaysia.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhưng rõ ràng khi chúng ta chắt lọc những giá trị đó thì phải tìm được từ khóa cũng như những giá trị riêng. Vì mỗi đất nước mỗi quốc gia, mỗi điều kiện lịch sử, mỗi nền văn hóa sẽ có sự khác nhau.

Nhưng nó đều có chung một con đường, đó là chúng ta phải tạo thành một chuỗi giá trị. Bây giờ chúng ta phải kích hoạt đầu ra để chúng ta tạo ra được một thị trường ổn định. Khi đầu ra đã được kích hoạt, được thông suốt thì đầu vào, tức là đầu sản xuất sẽ tự động điều chỉnh theo, sẽ co giãn theo thị trường.

Lúc đó Việt Nam chúng ta không chỉ trở thành một đất nước xuất khẩu nông sản tươi tốp đầu thế giới mà chúng ta còn xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp từ nông sản của chúng ta. Đó mới là hình ảnh nền nông nghiệp của Việt Nam trong tương lai.

Thường thường mình nhận xét là nông dân chạy theo đám đông, thấy người ta làm thì làm theo. Thực ra, mình nói như vậy cũng hơi oan cho người nông dân. Vì họ đâu có biết thị trường nằm ở chỗ nào? Họ chỉ thấy ông nông dân bên cạnh năm vừa rồi ông trúng quá, mắc mớ gì mình không theo mà đốn cây nọ trồng cây kia. Như vậy còn lỗ hổng ở trong thông tin thị trường, những khuyến cáo của các cơ quan quản lý nhà nước.

Hình mẫu nông dân hiện đại có vai trò như thế nào trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thưa ông?

Người nông dân luôn là người đầu tiên xuất phát trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Hay nói cách khác, sự thay đổi của người nông dân sẽ tác động trực tiếp tới kết quả của mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp.

Do đó, tôi hay nói câu là “muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp, muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh”.

Như thì làm sao để cho người nông dân trở nên chuyên nghiệp, làm sao trở nên thông minh? Cần phải có những quyết sách, đề án cụ thể để chuyển đổi tư duy, nhận thức của người nông dân trước.

Bởi vì nếu không thay đổi nhận thức, bà con vẫn sản xuất theo tập quán, quán tính, đánh đổi bằng sự may rủi của mùa vụ như thời gian qua thì vẫn là một nền nông nghiệp bấp bênh.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan trò chuyện với các phóng viên. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan trò chuyện với các phóng viên. Ảnh: Minh Phúc.

Còn khi người ta hợp tác với nhau, người ta thấy rằng mình phải tự thay đổi trước, mình phải hợp tác với nhau. Họ sẽ biết kiến thức cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường, biết canh tác bền vững để hết đời ông cha mình, đến đời con cháu mình đất đai không bị bạc màu do bị lạm dụng quá nhiều chất kích thích, chất tăng trưởng, chất tăng trọng.

Bộ NN-PTNT sẽ cùng cơ quan có liên quan, dần dần đi theo mô hình ở nước ngoài, là những người nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép. Phải coi nông nghiệp là một nghề.

Một nền nông nghiệp để người dốt đi làm nông nghiệp thì làm sao được, chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chúng ta phải chuyên nghiệp hóa người nông dân. Giống như một nghề nào đó, giống như những quốc gia tiên tiến, họ xem nông nghiệp là một nghề và được cấp chứng chỉ ngành nghề hẳn hoi, chứ không phải câu chuyện không biết làm gì thì ra làm ruộng. Đó là câu chuyện tôi ước ao.

Không ai vô can trong chuyện để mất an toàn trong thời gian qua

Thưa ông, quan điểm đó rất là hay nhưng nó có xa vời quá không ạ?

Tại sao chúng ta lại nghĩ là không làm được? Chúng ta đã thấy là hay thì chúng ta phải làm. Chúng ta bắt đầu từ việc dễ làm trước. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng nó xa vời quá, chúng ta ngại làm, mà ngại làm thì lại bỏ qua.

Nhưng chúng ta thấy rằng đó là con đường phổ quát, con đường của những đất nước tiên tiến đã đi rồi, và bắt buộc nó phải như vậy.

Cho nên bắt đầu chúng ta phải hành động, tất cả chúng ta đều làm được, mỗi người ở đây có thể bắt tay vào cùng với ngành chuyên môn để làm được.

Phóng viên Báo NNVN chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng Lê Minh Hoan tại Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng.

Phóng viên Báo NNVN chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng Lê Minh Hoan tại Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng.

Ông đánh giá như thế nào khi trong thời gian qua người dân vẫn bức xúc về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Quốc hội hay nói rằng, đặc điểm của người Việt Nam mình là hơi dễ dãi. Sản xuất dễ dãi mà ăn uống cũng dễ dãi. Nhiều khi chính mình cũng dễ dãi. Cho nên chuyện sạch từ bờ ao, đồng ruộng ra bàn ăn thì ai cũng biết.

Nhưng đó là một mặt của vấn đề nhận thức xã hội. Tôi thấy rằng bản thân chúng ta đây cũng đang thay đổi dần rồi. Để giải quyết vấn đề này một cách cốt loi, Nhà nước cần hoạch định mục tiêu rõ ràng về an ninh lương thực quốc gia, mục tiêu dinh dưỡng, mục tiêu an toàn thực phẩm cho hơn 100 triệu dân.

Tôi nghĩ rằng cả một xã hội cần phải kích hoạt một hệ sinh thái về phát triển nông nghiệp an toàn. Trong đó, người tiêu dùng cần từ chối sử dụng nông sản phẩm không được truy xuất nguồn gốc.

Hiện tượng rau hai luống, lợn hai chuồng ngày càng giảm. Ảnh: Minh Phúc.

Hiện tượng rau hai luống, lợn hai chuồng ngày càng giảm. Ảnh: Minh Phúc.

Chúng ta phải bắt đầu hành động từ đây, chứ chúng ta cứ khuyến cáo không thôi thì rất khó. Nhiều khi mấy ông nông dân cũng hỏi ngược lại rằng, tại sao các anh khuyến cáo chúng tôi trồng rau sạch mà mấy ông lại ra chợ mua những sản phẩm không sạch, mấy ông có mâu thuẫn với chính mình không?

Tôi nói như vậy rất có thể dư luận sẽ nói rằng cơ quan quản lý nhà nước đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng, nhưng tất cả chúng ta không ai vô can trong chuyện để mất an toàn trong thời gian qua.

Xem thêm
ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhộn nhịp trên công trình hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1

Hàng trăm công nhân cùng máy móc đang tập trung hoàn thiện hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1 theo tiến độ của chủ đầu tư đưa ra.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...