| Hotline: 0983.970.780

'Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế'

Thứ Tư 27/01/2021 , 15:32 (GMT+7)

Đó là nội dung quan trọng trong bài phát biểu tham luận của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại phiên thảo luận tại hội trường Đại hội XIII của Đảng chiều 27/1.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế

Tại hội trường Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam chiều 27/1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu tham luận về "Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế".

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, Bộ NN-PTNT đã chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, nhất là đối với các nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tham luận tại hội trường Đại hội XIII của Đảng vào chiều 27/1.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tham luận tại hội trường Đại hội XIII của Đảng vào chiều 27/1.

Năm năm qua, chúng ta triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong bối cảnh có nhiều cơ hội, thuận lợi; nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức mà báo cáo chính trị đã nêu rõ.

Riêng về nông nghiệp, nông thôn cũng không nằm ngoài các thách thức, khó khăn đó, thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn, như: Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19,...

Theo Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, định hướng lớn về nông nghiệp của Đại hội lần thứ XII là Đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân khoảng 2,5 - 3,0%/năm. Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn theo yêu cầu xuất khẩu, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là khi bối cảnh trong nước và quốc tế gặp khó khăn.

Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là khi bối cảnh trong nước và quốc tế gặp khó khăn.

Cùng với đó, nhiều giải pháp cho phát triển nông nghiệp được chỉ rõ tại các nội dung về phát triển công nghiệp chế biến, cơ khí, đất đai, môi trường... và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thường xuyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chính vì vậy, 5 năm qua phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đã được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ với nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, đột phá; nhiều mô hình mới, cách làm hay, các điển hình trong lao động sản xuất đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu.

Nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực "tam nông"

Tại diễn đàn Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật.

Trước tiên, với sự đồng lòng, chung sức phấn đấu của cả nước, nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới.

Đặc biệt khi kinh tế - xã hội khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Kạn tham dự Đại hội XIII của Đảng ngày 27/1. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Kạn tham dự Đại hội XIII của Đảng ngày 27/1. Ảnh: Minh Phúc.

Điều này thể hiện, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật là: (1) Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,62%/năm; (2) Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD; (3) Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; (4) Hết năm 2020 có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới; (5) Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.

Thứ hai, cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất, hiệu quả hơn, đạt nhiều kết quả quan trọng; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của toàn xã hội; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế từng vùng, miền để bảo đảm sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro phi khí hậu gây ra.

Đồng thời, tập trung đột phá tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, chính sách đất đai, tín dụng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển ngành.

Trong 5 năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 9 Nghị quyết/Kết luận/Chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, Quốc hội đã ban hành 6 Luật, Chính phủ ban hành 50 Nghị định trực tiếp về nông nghiệp, nông thôn, đã tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách quan trọng trong tổ chức thực hiện. Các cơ chế, chính sách đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tiễn, thúc đẩy đẩy tái cơ cấu nông nghiệp góp phần trực tiếp tăng sản lượng và chất lượng nông sản.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường bên hành lang Đại hội XIII của Đảng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường bên hành lang Đại hội XIII của Đảng.

Thứ ba, công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn, hiện đại được khởi công mới, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, tạo ra năng lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp. Hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả.

Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh với quy mô ngày càng lớn hơn; nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng.

Đến nay, cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt được kết quả rất tích cực, đã có trên 3.200 sản phẩm OCOP được công nhận, đánh dấu 1 bước phát triển về chất trong nhận thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại tất cả các vùng miền đất nước.

Thứ tư, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu với việc chuyển nhanh sang phương thức xuất khẩu chính ngạch.

Đến nay, nông sản Việt đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra, đưa Việt Nam vào nhóm nước đứng đầu  Đông Nam Á và có thứ hạng cao trên thế giới về xuất khẩu nông sản. Qua đó, khẳng định chất lượng nông sản Việt đã đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng.

Nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng.

Thứ năm, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm, đã thúc đẩy nông thôn “thay da đổi thịt” hàng ngày. Giai đoạn 2010 - 2020, cả nước đã huy động trên 3 triệu tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên mức 43 triệu đồng/người năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) và đến nay chỉ còn 4,2%,…

Hết năm 2020, có 62% số xã, 173/664 (26%) đơn vị cấp huyện, 12/63 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn. Chương trình nông thôn mới 10 năm qua thực sự là 1 dấu ấn lớn của Đảng trong chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Những bài học kinh nghiệm lớn, sâu sắc

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, bài học kinh nghiệm lớn, sâu sắc đúc rút cho toàn ngành nông nghiệp để có được thành tựu trên là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất cụ thể của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị; lựa chọn những giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt như: Mở cửa thị trường; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp toàn xã hội; thường xuyên quan tâm đời sống người dân, quán triệt tinh thần “phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau”.

Các thành quả to lớn và từ bài học kinh nghiệm nêu trên một lần nữa khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả và hợp lòng dân trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thay mặt Bộ NN-PTNT và bà con nông dân cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gửi lời cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức đoàn thể và các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp đã quan tâm, chung sức, đồng lòng cùng toàn ngành nông nghiệp và bà con nông dân vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được kết quả hết sức ý nghĩa đó.

"Năm năm tới, chúng ta triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy vậy, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu hướng chủ đạo, sẽ thúc đẩy các kênh đầu tư vào nông nghiệp; khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ số phát triển mạnh mẽ cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đem lại nhiều thay đổi trong tổ chức sản xuất; hiệu quả kinh doanh nông nghiệp. Ở trong nước, sự ổn định về chính trị, nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ cao đem lại môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Có thể khẳng định, Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của đất nước ta, đang và sẽ tiếp tục tạo sinh kế bền vững, việc làm, thu nhập cho người dân và số đông lao động; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và góp phần bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần nhận dạng rõ ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là: (1) Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn đang ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, phân tán và đây là nút thắt trong hội nhập quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành; (2) Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế - xã hội, trong đó những vùng trọng yếu về sản xuất nông nghiệp chịu tổn thương lớn nhất, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển; dịch bệnh xuyên biên giới trên cây trồng, vật nuôi đang diễn biến phức tạp và khó lường; (3) Quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với các hiệp định thương mại tự do mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều quy định khắt khe từ các quốc gia, thậm chí sự cạnh tranh thương mại nông sản gay gắt sẽ diễn ra ngay trên “sân nhà”.

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới; Bộ NN-PTNT thôn nhất trí cao với dự thảo các văn kiện, các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững đây là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, xuyên xuốt của ngành nông nghiệp.

Mục tiêu chính là tiếp tục phát triển bền vững theo 3 trụ cột “kinh tế, xã hội và môi trường”.  Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: (1) Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 - 3,0%/năm; (2) Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 50 tỷ USD vào năm 2025; (3) Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; (4) Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; (5) Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, nâng cao chất lượng rừng.

Tầm nhìn, định hướng phát triển tương lai

Trước bối cảnh và yêu cầu mới với các thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, thời gian tới rất cần sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương nhằm giải quyết một cách đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Thứ hai: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; trong đó tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư. Hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân; đi đôi với thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp cùng với các chế tài quản lý đồng bộ để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu một nền sản xuất lớn, hiện đại.

Thứ ba: Tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới. Định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, có chiến lược đàm phán mở cửa thị trường, phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, đi đôi với đẩy mạnh Chương trình Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị”. Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Thứ tư: Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo tăng trưởng đột phá. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, chuyển dịch đồng bộ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ với những điều kiện an sinh xã hội tốt hơn.

Thứ năm: Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình “chuyển đổi số, kinh tế số” trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Thứ sáu: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn theo hướng nông dân giàu có, văn minh và bảo đảm môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa vùng nông thôn Việt Nam.

Thứ bẩy: Huy động nguồn lực, đầu tư hạ tầng đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, bền vững, đảm bảo khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn; triển khai phong trào trồng mới 1 tỷ cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế là mục tiêu xuyên suốt, một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề hết sức hệ trọng nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta cùng tin tưởng rằng, nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII, phát triển nông nghiệp, nông thôn cả nước sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão hoạt động trên Biển Đông

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Nếu mạnh lên thành bão, thì đây là cơn bão số 10 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2024.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.