| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ghi bên phá Tam Giang: [Bài 2] Cuộc đổi đời sau 'cơn bão 85'

Thứ Ba 14/05/2024 , 08:00 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Đối với nhiều cư dân vùng sông nước ven đầm phá Tam Giang, cơn bão năm Ất Sửu (1985) vẫn vẹn nguyên nỗi kinh hoàng cho đến tận bây giờ.

Những nhà chồ trên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Những nhà chồ trên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Ký ức "bão 85”

“Cơn bão 85” là cách gọi của người dân thôn 14 (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) và những người dân vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai khi nhắc đến cơn bão nhiệt đới kinh hoàng vào năm 1985, có tên quốc tế Cecil (hay cơn bão số 8, theo cách gọi của Việt Nam).

Thấm thoắt đã gần 40 năm trôi qua, đối với phần lớn cư dân sinh sống ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, ký ức mưa bão xảy ra vào đêm 15 rạng sáng ngày 16 tháng 10 năm 1985 vẫn còn vẹn.

Bài liên quan

Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, với sức gió lên đến 185km/giờ, "cơn bão 85" đã càn quét cả một dải đất miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hầu như mọi thứ trên đường đi của nó đều bị san phẳng.

Nếu như các vùng nằm sâu trong nội địa, nhà cửa kiên cố hơn, mức thiệt hại có thể giảm bớt. Nhưng đối với cư dân thủy diện sinh sống trên các ghe đò, nhà chồ tạm bợ ven phá Tam Giang là một cơn ác mộng. 

Trong căn nhà gạch đã bạc phếch vì ảnh hưởng lâu ngày của muối biển ở thôn 14 (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền), ông Nguyễn Bằng đang thoăn thoắt đan lại tấm lưới bén để kịp buổi đánh bắt trên phá Tam Giang vào đầu giờ chiều.

Ông Nguyễn Bằng chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi làm nghề đánh bắt trên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Ông Nguyễn Bằng chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi làm nghề đánh bắt trên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Ở thôn 14 này, ông Bằng là thế hệ thứ 2 của 30 hộ dân thủy diện đầu tiên lên đất liền, trong chương trình tái định cư được thực hiện sau cơn bão kinh hoàng năm 1985. Thời điểm đó, mặc dù chỉ mới 15 tuổi nhưng những ký ức về "cơn bão 85" vẫn còn phảng phất như chỉ vừa mới xảy ra chưa lâu.

Bên ly nước chè có vị mặn mòi đặc trưng của xứ đầm phá, ông Bằng chậm rãi kể, ngày đó, nghe tin bão tới, bố mẹ ông đã đưa cả gia đình di chuyển kịp thời lên những đụn cát ven biển để tránh trú. Nằm trong nhà mà cứ nghe tiếng gió rít lên từng hồi với những âm thanh ghê rợn.

Từ đụn cát ven biển nhìn về hướng phá Tam Giang là cả một màu trắng toát của nước mưa, thỉnh thoảng vọng những tiếng kêu ai oán giữa đêm khuya từ những người chưa kịp di chuyển lên bờ tránh bão.

Môt góc thôn 14 hôm nay. Ảnh: Công Điền.

Môt góc thôn 14 hôm nay. Ảnh: Công Điền.

"Bão tan, cả vùng đầm phá là một màu tang tóc với hàng trăm xác người chết dạt vào ven phá, trong đó chủ yếu là cộng đồng cư dân thủy diện, nhà chồ sinh sống nhiều đời trên phá Tam Giang”, ông Bằng xúc động nhớ lại.

Theo ông Bằng, những năm đó không có điện đài, thông tin liên lạc gì hết. Nửa đêm bão vào, gia đình ai người nấy lo, cứ trực chỉ đụn cát cao ven biển chạy nhanh để thoát thân. "Cũng may, nhờ tình đoàn kết, tấm lòng cưu mang của những người dân nông nghiệp trong những ngày mưa bão, cư dân thủy diện mới không bị đói rét", ông Bằng nói.

Còn đối với ông Nguyễn Hữu Truyền, đương kim Chủ tịch xã Quảng Công, cơn "bão 85” lại nhắc nhớ về một thời nhiều kỷ niệm của những ngày quân ngũ. Ngày đó, nhập ngũ chưa được bao lâu thì ở quê nhà xảy ra cơn bão lớn. Là anh cả trong gia đình gồm có người cha già và 3 đứa em nên vừa nhận thông tin lòng ông Truyền không khỏi âu lo.

“Khi cơn bão ập vào tôi đang đi bộ đội. Đơn vị đóng quân ở xa, trong khi phương tiện liên lạc thời điểm đó rất khó khăn nên mọi thông tin gần như mù tịt. Thú thực lúc đó lòng tôi như lửa đốt, cứ nghĩ đến những trường hợp xấu nhất dù không bao giờ mong muốn”, ông Truyền chia sẻ.

Những năm 1985, đất nước còn thiếu thốn trăm bề, cả khu vực các xã phía đông phá Tam Giang gồm Quảng Công, Quảng Ngạn, Hải Dương, Điền Hải… chỉ có một bưu cục duy nhất nằm ở chợ Cồn Gai. Mọi thông tin liên lạc từ các địa phương này với bên ngoài đều xuất phát từ bưu cục này.

Một 'ô bàu' nuôi tôm lấn phá. Ảnh: Công Điền.

Một "ô bàu" nuôi tôm lấn phá. Ảnh: Công Điền.

Nhắc chuyện cũ, ông Truyền kể, những ngày sau bão, bưu cục Cồn Gai chật cứng người chờ đến lượt để được nghe điện thoại hỏi thăm nhau từ người thân ở xa. Tiếng thì thầm nhỏ to chia sẻ thương đau, tiếng khóc nghẹn ngào của ai đó hay tiếng động viên, hỏi thăm nhau khi may mắn không phải là nạn nhân của cơn bão... Khung cảnh thật xúc động khi mọi người vừa trải qua một biến cố lớn trong cuộc đời.

Cũng như nhiều người, bão vừa tan, ông Truyền xin phép dùng điện thoại của đơn vị để gọi về thăm nhà. Sau nhiều cuộc điện thoại liên tục, may mắn mới kết nối được với người thân và nhận thông tin mọi người đều an toàn.

“Tôi thở phào nhẹ nhõm khi hay tin người thân đều bình an, chỉ có mấy tạ lúa là hư hỏng do thấm nước do lo nhà dột, nước mưa thấm nhiều ngày nên phải bỏ mà thôi”, ông Truyền nhớ lại.

40 năm lên bờ và câu chuyện thoát nghèo

Đối với những cư dân thủy diện vốn lênh đênh trên sóng nước Tam Giang từ nhiều đời nay, cơn "bão 85” khắc ghi những ký ức đau thương nhưng đây là cột mốc đáng nhớ. Trước những tàn phá quá sức tưởng tượng của mưa bão, Nhà nước phải tức khắc có hành động.

Bão tan chưa lâu, một chương trình tái định cư lớn với mục tiêu đưa toàn bộ những cư dân thủy diện “lên bờ” để tạo lập nên nhiều làng tái định cư ven phá Tam Giang ngày nay đã khẩn trương thực hiện.

Những làng tái định cư sau sự kiện "bão 85" có thể kể ra như thôn 14 (xã Quảng Công); thôn 13 dưới, thôn 13 trên (xã Quảng Ngạn); thôn 8 (xã Điền Hải); thôn Vĩnh Trị (xã Hải Dương); thôn Ngư Mỹ Thạch (xã Quảng Lợi); thôn Quán Cửa (xã Quảng Thành); thôn Phước Lập (xã Quảng Phước)...

Âu thuyền ở thôn 14 bị bồi lấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo. Ảnh: Công Điền.

Âu thuyền ở thôn 14 bị bồi lấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo. Ảnh: Công Điền.

Điểm chung của những thôn tái định cư này là người dân chủ yếu theo nghề ngư nghiệp từ bao đời nay. Từ gia đình đơn lẻ lênh đênh trên sóng nước Tam Giang, khi lên bờ họ được quây quần về một cộng đồng cùng địa giới hành chính và nghề nghiệp.

Từ gần 40 năm nay kể từ ngày lên bờ, dù sống bên "vựa" thủy sản nước lợ lớn bậc nhất Đông Nam Á nhưng cuộc sống của người dân tái định cư vẫn chưa mấy khởi sắc. Đến nay, phần lớn dân cư vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nghề đánh bắt tôm, cá với thu nhập không cao. Trong khi đó, nghề nuôi tôm sau thời kỳ hoàng kim nay đã bắt đầu bước vào thời kỳ thoái trào.

Ngày nào cũng thế, ông Nguyễn Hà cùng những cư dân của thôn 14 (xã Quảng Công) lại thả lừ, vớt nò sáo ngay trên vùng đầm phá. Ngày trước, ông Hà sống trên nhà chồ ven đầm phá Tam Giang. Sau cơn "bão 1985", thực hiện chủ trương của Nhà nước, cũng như hàng ngàn ngư dân khác, ông Hà lên bờ tái định cư. Theo ông Hà, ngày đó khi mới lên bờ, ông được Nhà nước cấp cho 370m2 đất ở còn kinh phí tự làm nhà phải tự bỏ ra. Một âu thuyền nhỏ để ngư dân có thể di chuyển đi làm nghề hằng ngày và vào tránh trú những lúc mưa bão cũng được đầu tư xây dựng.

Hàng ngày, cứ ngày 2 buổi sáng và chiều, ông Hà cùng vợ dong duổi trên chiếc ghe nhỏ thẳng ra phá Tam Giang để thả lừ, buông lưới kiếm kế sinh nhai. "Mỗi chuyến đi thả lưới, sau khi trừ chi phí xăng dầu tui kiếm được 200 - 300 ngàn đồng. Còn ngày nào may mắn gặp luồng tôm cá thì được thu nhập 500 ngàn đồng. Nhưng cũng có ngày đi về lỗ tiền dầu bởi bây giờ cá tôm ít dần, đánh bắt khó hơn xưa nhiều", ông Hà nói.

Vợ một ngư dân ở phá Tam Giang tranh thủ thời gian chồng đi bủa lưới bày bán các loại trái cây để cải thiện thu nhập. Ảnh: Công Điền.

Vợ một ngư dân ở phá Tam Giang tranh thủ thời gian chồng đi bủa lưới bày bán các loại trái cây để cải thiện thu nhập. Ảnh: Công Điền.

Tôi hỏi, sau gần 40 năm lên bờ tái định cư, cuộc sống của cư dân thủy diện năm xưa nay có gì khác hơn không. Vẻ mặt đượm buồn, ông Hà nói, tất nhiên cuộc sống trên bờ phải có nhiều đổi thay khi nhà cửa được xây dựng khang trang, vững chãi hơn. Con cái được đến trường, đường sá, cầu cống được đầu tư xây dựng...

Nhưng theo ông Hà, để người dân tái định cư thôn 14 này bứt phá thoát nghèo là cả một câu chuyện dài. Nói đâu xa, cái âu thuyền nơi cập bến cho hàng chục ghe đò của người dân được đầu tư xây dựng đã gần 40 năm, có tuổi thọ ngang với thời gian lên bờ của người dân nhưng vẫn chưa một lần Nhà nước cho đầu tư nâng cấp, cải tạo.

"Âu thuyền đối với ngư dân cũng như con đường để giao thương hàng hóa. Nếu bị ách tắc thì công việc làm ăn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Cơ hội phát triển kinh tế cũng giảm xuống theo", ông Hà khẳng định.

Sau gần 40 năm lên bờ, cuộc sống của phần lớn người dân tái định cư vẫn gắn bó với nghề sông nước. Ảnh: Công Điền.

Sau gần 40 năm lên bờ, cuộc sống của phần lớn người dân tái định cư vẫn gắn bó với nghề sông nước. Ảnh: Công Điền.

Còn theo ông Nguyễn Bằng, cư dân thôn 14 nỗi lo lớn nhất của những người làm nghề ngư nghiệp như ông là tình trạng cạn kiệt nguồn thuỷ sản là do ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, nạn khai thác theo hình thức tận diệt làm cho mọi sinh vật trên phá đều suy giảm nghiêm trọng. "Người đánh bắt ngày càng đông, tôm cá đẻ mô cho kịp? Rồi ô bàu nuôi tôm cứ ngày càng lấn ra mặt phá, nước ứ đọng lại, rác thải xả thẳng xuống nước thì tôm cá cạn kiệt cũng phải thôi”, ông Bằng nói.

Chỉ chưa đầy 1 năm nữa là người dân thôn 14 và các làng chài ven đầm phá Tam Giang kỷ niệm 40 năm ngày "lên bờ". Như cách ví von dí dỏm của một ngư dân, đây là một "cuộc đổi đời vỹ đại” đối với hàng ngàn cư dân chài lưới đầm phá Tam Giang. Nhưng làm gì để cuộc đổi đời “vĩ đại” đó thực sự có ý nghĩa, vẫn rất cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời và trọng tâm của những nhà hoạch định chính sách từ chính địa phương cho tới cấp Trung ương.

Tôi hỏi lão ngư Nguyễn Hà, nguyện vọng lớn nhất trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày "lên bờ" tới đây của ông là gì? Không ngần ngại, ông Hà kiến nghị ngay: "Âu thuyền ở thôn 14 được làm từ năm 1985 đến nay đã gần 40 năm rồi, lâu ngày bị bồi lấp, luồng lạch cạn trơ đáy, ghe đò không thể di chuyển được. Mong muốn của tui là Nhà nước cần sớm đầu tư cải tạo để người dân thuận tiện trong làm ăn, phát triển kinh tế".

Xem thêm
Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

Kiên Giang Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE giúp ngư dân hạn chế rủi ro, nâng cao sản lượng, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ/lồng nuôi.

Xử lý triệt để tàu cá mất kết nối giám sát hành trình

TP Đà Nẵng cần xác minh, xử lý triệt để tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, tàu cá vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.

Cá ngừ Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Sau 10 năm liên tục phát triển, ngành hàng cá ngừ Việt Nam hiện đã đứng trong tốp 5 những nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới với kim ngạch tỷ đô.