| Hotline: 0983.970.780

Nắm chắc dữ liệu nông sản trước khi đưa ra thị trường

Chủ Nhật 08/05/2022 , 19:15 (GMT+7)

Qua khảo sát tại địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá nhiều nơi còn lơ là, chủ quan trong công tác dự tính, dự báo về tổ chức sản xuất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự chủ động vào cuộc từ các bên liên quan khi tiêu thụ nông sản. Ảnh: Đức Minh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự chủ động vào cuộc từ các bên liên quan khi tiêu thụ nông sản. Ảnh: Đức Minh.

Xây dựng tư duy tiếp thị chính sách

Tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày 8/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, đây là giai đoạn mà cả ngành nông nghiệp lẫn các Bộ, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt để xây dựng một chương trình tiêu thụ nông sản bài bản.

Trước mắt, ông chỉ đạo các đơn vị dành nguồn lực tối đa cho những trái cây sắp vào kỳ thu hoạch như mít, xoài, sầu riêng.

“Để đạt lợi nhuận cao nhất khi bán sản phẩm, chúng ta phải nắm chắc trong tay mình có gì. Muốn vậy, mọi dữ liệu về năng suất, sản lượng, chi phí, mùa vụ, mã vùng trồng đều cần thông suốt", Bộ trưởng phát biểu khai mạc.

Hội nghị trực tuyến tới hơn 40 tỉnh, thành phố này cũng là dịp để ngành nông nghiệp đưa ra những dự tính, dự báo cho việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản trong quý II/2022, trước khi kích hoạt hành động như tổ chức Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - một hình thức giao thương giữa người bán và người mua được vận hành xuyên suốt những tháng cuối năm 2021.

Bên cạnh các biện pháp tăng cường thông tin, truyền thông, người đứng đầu Bộ NN-PTNT yêu cầu mỗi cán bộ ngành nông nghiệp sớm hình thành tư duy "tiếp thị chính sách".

Khái niệm này được ông cắt nghĩa, là mỗi chính sách khi xây dựng phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm. Thay vì để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đi hỏi, tìm hiểu về các văn bản quy phạm pháp luật, người làm chính sách phải đưa những quy định mới đến với càng nhiều người càng tốt, thay vì chỉ "gửi công văn đi".

"Chúng ta đã nói nhiều đến kinh tế nông nghiệp, nhưng hình như, sự chuyển dịch mới chỉ nằm ở phía người sản xuất. Để quá trình đi nhanh hơn, xa hơn, hệ sinh thái bao trùm cũng phải được xây dựng theo cơ chế thị trường, trong đó bao gồm cả những cơ chế, chính sách", Bộ trưởng gợi mở.

Làm rõ hơn về tư tưởng này, tư lệnh ngành nông nghiệp lấy ví dụ về cách Thái Lan triển khai việc hướng dẫn doanh nghiệp, người dân thích ứng với Lệnh 248, Lệnh 249 mà Trung Quốc ban hành. Theo đó, nước này chủ trương hỗ trợ các cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến tự nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên khung chính sách mới - vốn được điều chỉnh để đáp ứng những yêu cầu từ phía Trung Quốc.

Cách làm theo kiểu "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” ấy hiện còn xa lạ ở nước ta, đặc biệt là những vùng nông sản trọng điểm, theo Bộ trưởng. Trăn trở về vấn đề nhiều công văn, chỉ đạo từ Trung ương thường dừng lại trên bàn lãnh đạo địa phương, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định "cần sớm chấm dứt tình trạng mù mờ thông tin về thị trường", và "xây dựng thói quen sản xuất theo tín hiệu thị trường".

Trong quý II/2022, áp lực điều chỉnh với ngành nông nghiệp chưa đột biến. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, sản lượng các mặt hàng nông sản năm nay hầu như tương đương mọi năm, với duy nhất quả nhãn là tăng đột biến.

Dù vậy, nếu không có biện pháp kịp thời, quá trình tiêu thụ nông sản có thể đi theo lối mòn, giống như việc xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2022 giảm khoảng 18% so với cùng kỳ. Nguyên nhân bởi Trung Quốc đóng nhiều cửa khẩu biên giới để duy trì chính sách "Zero Covid".

Người dân xã Mỹ Lợi A, Huyện Cái Bè, Tỉnh Tiền Giang có thu nhập ổn định nhiều năm qua nhờ cây mít.

Người dân xã Mỹ Lợi A, Huyện Cái Bè, Tỉnh Tiền Giang có thu nhập ổn định nhiều năm qua nhờ cây mít.

Tránh chủ quan, lơ là

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam năm 2021 đạt mức kỷ lục 48,6 tỷ USD. Trong đó, 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 6,44 tỷ USD. Giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp đạt khoảng 2,85 - 2,9%.

Một loạt những thống kê tích cực, nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan vẫn "tâm tư" bởi sự phát triển ấy có dấu hiệu thiếu bền vững. Lý do nằm ở sự chủ quan, lơ là từ địa phương, doanh nghiệp.

Về phía địa phương, Bộ trưởng chỉ rõ, dù đang năm 2022, nhưng các tỉnh, thành phố vẫn chỉ thống kê tình hình chỉ đạo sản xuất dựa trên diện tích vùng trồng, sản lượng dự kiến. Một loạt các yếu tố liên quan đến lợi nhuận kinh tế như chi phí sản xuất ra thành phẩm, bản đồ vùng nguyên liệu, hay thời điểm mùa vụ... hầu hết đều "áng chừng", "khoảng", hoặc "có thể là".

“Tôi rất trăn trở khi thấy những người gần gũi bà con nông dân nhất lại không thể khẳng định chất lượng nguyên liệu đầu vào khi mời gọi doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo quá trình thu mua cả vụ. Nếu không thể chuẩn hóa toàn bộ từ HTX, vùng nguyên liệu, các chính sách hỗ trợ và tính liên kết vùng, lời nguyền "được mùa mất giá" sẽ không thể giải được", Bộ trưởng bày tỏ.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản hôm 8/5, Bộ trưởng chất vấn lãnh đạo một số Sở NN-PTNT về giá mít, giá xoài, giá sầu riêng vì "nghe nói giá xuống lắm". Cụ thể, giá mít loại 1 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện khoảng 6.000 đồng/kg; loại 2 khoảng 4.000 đồng/kg. Lật ngược vấn đề, Bộ trưởng hỏi "Tại sao người dân vẫn trồng?" - Câu trả lời, là dù giá thấp nhưng chừng đó vẫn đủ để bù đắp chi phí sản xuất.

“Giá xuống thì không ai vui. Nhưng trên con đường chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chúng ta phải quan tâm đến lợi nhuận. Giá xuống là do thị trường điều chỉnh, bởi rủi ro về logistics, dịch bệnh, cũng như thị trường xuất khẩu. Không thể thấy giá bán xuống thấp mà chúng ta kêu khó. Thay vào đó, cần định hình rõ chi phí sản xuất, từ đó cắt giảm những thứ không cần thiết", Bộ trưởng nêu giải pháp.

Sầu riêng Việt Nam sắp được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Việt Nam sắp được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Dẫn chứng về trái xoài Đài Loan, người dân chỉ cần quay vòng vài ba vụ là thu đủ vốn lẫn lãi, Bộ trưởng nhắn nhủ địa phương: "Hãy thử suy nghĩ giản đơn một chút. Có khi chính bà con lại đang tư duy kinh tế nông nghiệp hơn chúng ta. Đó là cái gì cho lợi nhuận thì họ làm".

Tại một số vùng nguyên liệu, tình trạng chặt bỏ những cây trồng chủ lực như thanh long, xoài... xảy ra. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận định, đây là cách "thị trường tự điều tiết". Nhiệm vụ của người làm nông nghiệp là không bi kịch hóa, trầm trọng hóa vấn đề bởi làm kinh tế sẽ theo chu kỳ, có lúc lãi thì sẽ có lúc lỗ.

Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra, rằng một số đơn vị lớn nhưng vẫn giữ tâm lý chủ quan trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, không chịu lắng nghe tín hiệu từ thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, một số chỗ còn xem nhẹ vấn đề phòng chống Covid-19 trên bao bì hoặc khi đóng gói, gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo với người sản xuất.

Về phía người dân, Bộ trưởng kêu gọi gia nhập nhiều hơn nữa vào HTX. Ông chỉ rõ, nếu người dân không hợp tác thì rất dễ dẫn đến cạnh tranh. Trên quan điểm ấy, HTX không đơn thuần là một mô hình kinh tế mà là một tư tưởng, một ý thức hệ cần vun đắp từ cơ sở.

"Trước khi nghĩ bán đi đâu, cần phải xem mình bán cái gì. Đó cũng là nhiệm vụ mà địa phương cần phối hợp doanh nghiệp, HTX triển khai. Chỉ khi có một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về nông sản theo khu vực hoặc liên vùng, chúng ta mới hết nỗi lo trái cây nhà hàng xóm bán được bao nhiêu", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT làm ngay 4 việc. Một, là giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp các đơn vị liên quan, doanh nghiệp để sớm tổ chức hội nghị xúc tiến trái cây trước mùa vụ mới.

Hai, là giao Văn phòng SPS Việt Nam triển khai ngay các kế hoạch phối hợp địa phương, đặc biệt là những vùng nguyên liệu lớn để hướng dẫn những nội dung mới trong quy định xuất khẩu tại một số thị trường trọng điểm, đặc biệt là Lệnh 248, Lệnh 249 tại Trung Quốc. 

Ba, là những đơn vị quản lý, cấp mới mã số vùng trồng, vùng nuôi, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu cần tăng cường quản lý, kiểm tra, rà soát, đồng thời phát huy tối đa vai trò và sự chủ động của địa phương.

Bốn, là lên sẵn kịch bản cho một số nông sản sắp vào mùa vụ như chuối, mít, lúa gạo xuất khẩu để có kế hoạch tiêu thụ phù hợp.

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm