Nông sản Việt cần thích ứng 'tiêu chuẩn xanh'. Giá mít Thái nhích lên khi cửa khẩu thông quan ổn định. Mưa lớn gây ảnh hưởng tới các tỉnh miền Trung. 86% tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc là giống chân trắng.
NÔNG SẢN VIỆT CẦN THÍCH ỨNG 'TIÊU CHUẨN XANH'
Xu hướng tiêu dùng xanh đang dần trở nên phổ biến tại Châu Âu và được dự báo sẽ sớm bùng nổ trên phạm vi toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản phải nhanh chóng thay đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, nhằm nắm bắt cơ hội không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay ở thị trường nội địa. Đồng thời, dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm qua cũng là quãng thời gian mà người tiêu dùng thế giới đã thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng xanh, sạch gắn với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc đón đầu xu hướng tiêu dùng mới đang là nhiệm vụ cho bất cứ doanh nghiệp nào. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng từng nhiều lần nhấn mạnh tới việc ngành nông nghiệp đang đứng trước 3 chữ biến: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Ngày nào đó, nông sản không chỉ phải đạt kiểm dịch an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải dán nhãn sinh thái vào sản phẩm, đây mới là khó khăn. Nông sản không chỉ ăn ngon, sạch mà phải được sản xuất không gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên. Để đón đầu cơ hội, một số doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh chuyển hướng sang phát triển xanh. Không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ, mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường.
GIÁ MÍT THÁI NHÍCH LÊN KHI CỬA KHẨU THÔNG QUAN ỔN ĐỊNH
Hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi nhiều cửa khẩu nối lại hoạt động, lượng xe thông quan tăng lên, kéo theo giá thu mua nông sản trong nước cũng có sự khởi sắc. Theo đó, từ đầu tháng 5 đến nay, mít thu mua tại các vựa ở Tiền Giang đã tăng 1.000 đồng mỗi ngày. Đến sáng nay, mít xuất khẩu loại 1 được thương lái thu mua giá 8.000 đồng/kg, mít chợ cũng tăng lên 5.000 đồng/kg. Dù vẫn chưa đạt kỳ vọng của các chủ vườn nhưng so với mức giá nằm đáy suốt 2 tháng nay thì diễn biến này giúp bà con không bi quan chặt bỏ vườn.
MƯA LỚN GÂY ẢNH HƯỞNG TỚI CÁC TỈNH MIỀN TRUNG
Đợt nghỉ lễ 30/5 – 1/5 vừa qua, mưa lớn lại gây thiệt hại tại nhiều địa phương tại khu vực miền Trung. Cụ thể, mưa lớn từ ngày 30/4 – 2/5 đã khiến hơn 10.000 ha lúa sản xuất vụ đông xuân 2021 – 2022 tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị đổ ngã. Còn tại Quảng Bình, mưa lớn liên tục mấy ngày qua đã khiến gần 3.000 ha lúa vụ Đông - Xuân sắp thu hoạch của nông dân bị đổ rạp. Từ ngày 1-2/5, mưa và gió lớn xuất hiện ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khiến 2.700 ha lúa bị ngã đổ, ước tính giảm năng suất 30-50%. Theo nhận định của Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2022, cường độ các cơn bão mạnh hơn, thời gian kéo dài, gây mưa nhiều hơn khi đổ bộ. Tuy nhiên, qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.
86% TÔM XUẤT KHẨU SANG HÀN QUỐC LÀ GIỐNG CHÂN TRẮNG
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, Quý I/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 104 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu tôm của nước ta sang quốc gia này, khi trong 3 năm vừa qua chỉ ghi nhận mức tăng trưởng thấp hoặc giảm. Trong cơ cấu các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang xứ sở kim chi, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chiếm hơn 86% trong khi tôm sú chiếm khoảng 3%. Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu tôm chân trắng lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Nhật Bản. Quý đầu năm nay, Hàn Quốc vẫn tiếp tục ưu tiên đặt hàng tôm chân trắng từ Việt Nam với những sản phẩm nổi bật như: Tôm chân trắng bỏ đầu, lột vỏ còn đuôi, tôm chân trắng Nobashi tươi, đông lạnh,…