| Hotline: 0983.970.780

Nâng đỡ nhau vượt qua sự cố môi trường biển

Thứ Hai 16/10/2017 , 15:05 (GMT+7)

Sau sự cố môi trường biển đến nay người dân bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang từng bước khôi phục lại hoạt động SXKD. Nhiều tàu thuyền vươn khơi trúng đậm cá tôm; không ít cơ sở kinh doanh, nuôi trồng thủy sản thu lợi nhuận hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/năm...

Trong muôn vàn khó khăn đó, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Chi nhánh Hà Tĩnh đã chung tay nâng đỡ giúp người dân vượt qua sự cố môi trường biển.
 

Hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng

Những ngày đầu tháng 10 chúng tôi trở lại một số huyện ven biển Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh... ghi nhận hoạt động khôi phục SXKD sau sự cố môi trường biển. Điểm dừng chân đầu tiên là cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà. Trời mờ sáng cũng là lúc 2 chiếc tàu công suất trên 90CV cập cảng đổ hàng. Hàng chục lao động tỏa xuống tàu đội từng khay cá, mực lên nhập cho các kho đông lạnh đặt tại xã Thạch Kim. Sau hơn hai tiếng đồng hồ nhộn nhịp người lên kẻ xuống, cuối cùng hơn chục tấn hải sản được sắp xếp ngăn nắp, bảo quản an toàn.

Chị Nguyễn Thị Thủy (45 tuổi), xã Thạch Kim cho hay, sự cố môi trường biển ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm của hàng trăm người làm nghề bốc vác cá như chị. Thời điểm đó (tháng 5/2016) nhiều tàu thuyền phải nằm bờ vì cá đánh về không bán được dẫn đến thua lỗ. Tuy nhiên, dăm bảy tháng sau đó, ngư dân nhận được tiền bồi thường và các ngân hàng cho vay vốn khôi phục sản xuất nên hoạt động khai thác, kinh doanh thủy hải sản sôi động trở lại.

10-35-55_den_ny_kho_dong_lnh_ton_tu_hotdong_tro_li_binh_thuong
Đến nay kho đông lạnh Toàn Tứ hoạt động ổn định trở lại

“Mấy tháng gần đây công việc của tôi khá đều đặn nên thu nhập cũng được chừng 3 - 4 triệu đồng/tháng”, chị Thủy nói.

Bình quân mỗi tháng cơ sở đông lạnh Toàn Tứ xuất đi nước ngoài khoảng 50 tấn cá các loại; cung ứng thị trường trong nước 30 - 40 tấn; tổng doanh thu ước từ 20 - 30 tỷ đồng. Giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 50 -70 người thời vụ.

Được chia sẻ kịp thời của chính quyền địa phương và Agribank Lộc Hà nên cơ sở đông lạnh Toàn Tứ nhanh chóng khôi phục hoạt động SXKD. Bà Trần Thị Tứ cho hay, khi sự cố xảy ra, ngoài cơ quan nhà nước, cán bộ, nhân viên Agribank Lộc Hà đã mang áo mưa, rọi đèn pin vào từng kho đông lạnh kiểm đếm cụ thể lượng hàng tồn kho, thiệt hại để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân.

“Ngân hàng đã hỗ trợ chúng tôi 1 tháng lãi; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, khi chúng tôi có nhu cầu vay thêm tiền mở rộng hoạt động kinh doanh Agribank Lộc Hà cũng tạo điều kiện cho vay thêm”, bà Tứ nhấn mạnh.

“Chúng tôi xác định ngân hàng và khách hàng là một, cùng đồng hành, cùng ngồi trên một chiếc thuyền khi gặp khó khăn nên ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra Agribank Lộc Hà kịp thời hỗ trợ 1 tháng lãi cho 14 kho đông lạnh với tổng số tiền hơn 250 triệu đồng; điều chỉnh giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại. Đồng thời, điều tra, khảo sát, tính toán lại các dự án cho để cơ cấu lại thời hạn trả nợ sao cho phù hợp”. -Ông Nguyễn Hữu Sửu, Giám đốc Agribank Lộc Hà.

Theo số liệu ông Nguyễn Hữu Sửu, Giám đốc Agribank Lộc Hà cung cấp, thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển tổng dư nợ của cơ sở Toàn Tứ là 2,6 tỷ đồng nhưng sau đó cơ sở này có nhu cầu vay thêm để khắc phục sự cố, ngân hàng đã tạo điều kiện giải ngân thêm 1 tỷ đồng. Hiện cơ sở này thực hiện rất tốt trách nhiệm thanh toán nợ gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký.

Ông Nguyễn Văn Mại, một hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Hộ Độ cho hay, ông là khách hàng thân thiết của Agribank Lộc Hà nhiều năm qua. Trước khi xảy ra sự cố môi trường ông đã vay vốn của ngân hàng này để đầu tư sản xuất. Sau khi sự cố xảy ra, ngoài được hỗ trợ 1 tháng lãi suất, ông còn được Agribank tạo điều kiện cho vay thêm nếu có nhu cầu.

“Tính đến cuối năm 2016 gia đình tôi nợ ngân hàng Agribank 3,2 tỷ đồng. Mới đây tôi gom số tiền bán tôm và tiền chi trả bồi thường trả hết nợ cho ngân hàng rồi”, ông Mại thông tin.

Tại thị xã Kỳ Anh, người dân ven biển bị ảnh hưởng cũng đang từng bước ổn định cuộc sống với sự hỗ trợ đắc lực của “bà đỡ” Agribank thị xã Kỳ Anh. Theo đó, ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các khách hàng vay vốn tại ngân hàng, Agribank Hà Tĩnh và Agribank thị xã Kỳ Anh còn trao 150 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các em học sinh là con em của những gia đình khó khăn thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Trao đổi với NNVN, lãnh đạo Agribank Hà Tĩnh cho biết, sau sự cố môi trường biển, ngân hàng đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn đồng hành hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống.

Theo đó, đơn vị hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại gần 5 tỷ đồng và 32 tấn gạo. Thực hiện cho vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi ngành nghề 1.167 khách hàng, với doanh số cho vay hơn 131 tỷ đồng. Miễn giảm lãi cho 164 khách hàng, số tiền miễn giảm 595 triệu đồng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 73 khách hàng, với tổng dư nợ được cơ cấu hơn 60 tỷ. Ngoài ra, cho vay hỗ trợ lãi suất để đóng tàu, mua ngư lưới cụ theo Quyết định của UBND tỉnh với doanh số cho vay hơn 10,3 tỷ đồng, số tiền lãi vay được hỗ trợ 437 triệu đồng.
 

Cần sự chia sẻ của khách hàng

Thời điểm người dân lâm nguy, Agribank Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách động viên, hỗ trợ kịp thời nhưng ít ai biết rằng, đó cũng là lúc môi trường đầu tư của ngân hàng gặp nhiều khó khăn nhất. Nhu cầu vay vốn của người dân giảm sâu trong thời gian khá dài. Đơn cử, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cho vay tại Agribank Lộc Hà bình quân các năm trước 2016 từ 120 – 150 tỷ đồng/năm; tuy nhiên năm 2016 tăng trưởng được 115 tỷ đồng, thậm chí năm 2017 dự kiến chỉ tăng được khoảng 20 tỷ đồng.

10-35-55_cc_ho_sxkd_thuy_hi_sn_cung_dnglm_n_hieu_qu
Các hộ nuôi trồng thủy sản cũng đang hoạt động hiệu quả

Ông Nguyễn Hữu Sửu, Giám đốc Agribank Lộc Hà cho rằng, thế mạnh của huyện Lộc Hà là trồng trọt, khai thác, kinh doanh thủy hải sản và dịch vụ du lịch. Sự cố môi trường gây thiệt hại nặng nề cho người dân cũng đồng nghĩa gây thiệt hại cho hệ thống các ngân hàng.

“Hiện dư nợ cho vay tại 14 kho đông lạnh ở xã Thạch Kim, Thạch Bằng khá lớn. Hầu hết các hộ phối hợp rất tốt trong việc trả gốc, lãi cho ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có một số hộ đang trông chờ bồi thường nên cố tình chây ì, thiếu hợp tác dẫn đến phát sinh nợ quá hạn, thậm chí là nợ xấu”, ông Sửu nói.

Theo lãnh đạo Agribank Lộc Hà, để khắc phục những khó khăn hiện nay trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với các ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước cần trả lời dứt điểm cho người dân biết về công tác bồi thường sự cố môi trường biển để người dân tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại vào nguồn hỗ trợ, bồi thường; thiếu hợp tác với ngân hàng dẫn đến nợ quá hạn – nợ xấu phát sinh.

Ngày 6/1/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 12/QĐ-TTg, trong đó có nhiều biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân như hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay mới khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề, khoanh nợ không tính lãi, hỗ trợ đóng mới tàu cá để chuyển từ khai thác hải sản vùng biển gần bờ ra vùng biển xa bờ. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn việc hạch toán, hồ sơ, thủ tục hỗ trợ lãi suất nên các Tổ chức tín dụng vẫn chưa thể triển khai thực hiện.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.