| Hotline: 0983.970.780

Nem Lai Vung được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ Hai 22/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đồng Tháp Ngày 25/1/2024, nghề làm nem Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp sẽ chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mỗi chiếc nem là cả tình người Lai Vung

Nhắc đến huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, ngoài quýt hồng là loại nông sản có tiếng, du khách gần xa cũng trở nên quen thuộc với thương hiệu “Nem Lai Vung”. Hầu như ai một lần đến đây đều mong muốn tìm mua vài đùm nem về làm quà biếu.

Nghề làm nem Lai Vung là loại hình thủ công truyền thống, đã hình thành và phát triển tại vùng đất này trên 60 năm. Ảnh: Kim Anh.

Nghề làm nem Lai Vung là loại hình thủ công truyền thống, đã hình thành và phát triển tại vùng đất này trên 60 năm. Ảnh: Kim Anh.

Những người dân sống cố cựu trên vùng đất Lai Vung kể lại, đặc thù là vùng sông nước, nhưng đất đai nơi đây chỉ thích hợp cho việc làm vườn, người dân địa phương không tập trung trồng lúa.

Song song đó, do tiếp giáp với trung tâm kinh tế Sa Đéc đã hình thành lâu đời, cộng đồng người Hoa sinh sống khá đông. Người dân bắt đầu gói nem, bì hoặc gói bánh để bán. Trải qua thời gian, người dân Lai Vung nhận thấy nghề làm nem là phù hợp nhất, bởi có thể tận dụng được các nguyên phụ liệu sẵn có ở địa phương như lá vông, lá chuối, thịt heo…

Nem Lai Vung được gói bên ngoài bằng lá chuối, có hình vuông và buộc thành từng chục (10 chiếc). Ảnh: Kim Anh.

Nem Lai Vung được gói bên ngoài bằng lá chuối, có hình vuông và buộc thành từng chục (10 chiếc). Ảnh: Kim Anh.

Theo các nghệ nhân, nguyên vật liệu chính để chế biến món nem Lai Vung gồm thịt và da heo, lá chuối, dây chuối phối trộn cùng một số gia vị. Nem được lót bằng lá vông hoặc lá chùm ruột bên trong, gói bên ngoài bằng lá chuối, có hình vuông và buộc thành từng chục (10 chiếc). Ngày nay, lá vông trở nên khan hiếm, nhiều cơ sở thay bằng lá chùm ruột, buộc dây ni lông thay cho dây chuối. Lá chùm ruột giúp nem lên men nhanh, có vị chua đặc trưng mà không làm biến đổi hương vị.

“Lai Vung là xứ lạ lùng

Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say”

Nếu nem xứ Huế có vị chua và cay, nem Trà Vinh pha thêm chút vị ngọt, thì nem Lai Vung lại có sự hòa quyện giữa 4 hương vị chua, cay, mặn, ngọt, ăn vào có vị nồng, the. Mùi thơm từ lá, thịt và độ dai nhất định của thịt sau khi lên men đã tạo nên hương vị độc đáo cho nem Lai Vung. Hương vị này phù hợp với phổ rộng người tiêu dùng và dung hòa khẩu vị giữa các vùng.

Nem Lai Vung là sự hòa hợp của 4 hương vị chua, cay, mặn, ngọt tạo nên vị đặc trưng riêng không lẫn với các loại nem khác trên thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Nem Lai Vung là sự hòa hợp của 4 hương vị chua, cay, mặn, ngọt tạo nên vị đặc trưng riêng không lẫn với các loại nem khác trên thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt, mỗi chiếc nem Lai Vung được gói ra đều có sự đồng đều, cân đối về trọng lượng đi kèm với chất lượng. Người sản xuất phải tuân theo quy trình khá nghiêm ngặt về liều lượng, cân đo đong đếm rất chi li. Bởi mỗi chiếc nem không chỉ đơn thuần là hình thức mà còn cả tình người Lai Vung cần mẫn, chịu thương, chịu khó.

Đặc biệt, sau ngày miền Nam giải phóng, một số gia đình ở Lai Vung bắt đầu “tứ tán” nơi khác mưu sinh và mang theo cả nghề làm nem đến các địa phương khác. Riêng người thân, họ hàng, còn trụ ở lại tại Lai Vung đã tiếp nối. Nhiều thế hệ vẫn giữ nghề làm nem, người dân trong vùng cũng bắt đầu học nghề, từ đó ra đời nhiều cơ sở sản xuất. Và không biết từ bao giờ, thương hiệu nem Lai Vung đã được người tiêu dùng “thương” và đón nhận đến đến ngày nay.

Chị Đặng Thị Ngọc Thùy, chủ cơ sở nem Hoàng Khánh ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung là một trong số thế hệ đi sau, học nghề và quyết tâm giữ vững nghề làm nem của địa phương, thâm niên được khoảng 20 năm.

Biết đến nghề truyền thống này từ khi còn học lớp 9, ban đầu chị Thùy làm thuê cho một số cửa hàng sản xuất nem để học nghề, sau đó mua bán nhỏ lẻ tại gia đình. Dần dần nem Lai Vung chị chế biến ra được người tiêu dùng đón nhận, chị Thùy quyết định mở cơ sở sản xuất và nhân rộng quy mô kinh doanh.

Chị Đặng Thị Ngọc Thùy, chủ cơ sở nem Hoàng Khánh, đơn vị sở hữu 9 sản phẩm OCOP 3 sao như nem Lai Vung, nem đòn, nem chua quế, nem nướng, bì, chả lụa, giò thủ, chả bò… Ảnh: Kim Anh.

Chị Đặng Thị Ngọc Thùy, chủ cơ sở nem Hoàng Khánh, đơn vị sở hữu 9 sản phẩm OCOP 3 sao như nem Lai Vung, nem đòn, nem chua quế, nem nướng, bì, chả lụa, giò thủ, chả bò… Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, cơ sở cũng tạo việc làm với mức thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng cho khoảng 30 lao động chính và hàng chục lao động thời vụ tại địa phương.

Tùy theo nhu cầu của khách hàng, nem Lai Vung của cơ sở Hoàng Khánh đa dạng chủng loại và quy cách đóng gói, với mức giá dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/chục (10 chiếc).

Từ món ăn chơi được bán tại các chợ quê, được nhiều người ưa chuộng, món ăn này dần dần theo chân những tiểu thương thâm nhập vào cửa hàng đặt tại các bến xe, bến phà, trạm dừng chân và dần mở rộng ra khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông. Món ăn này cũng có mặt tại các cửa hàng đặc sản, phổ biến trong các bữa tiệc từ dân dã trong gia đình đến nhà hàng sang trọng.

Nghề truyền thống - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Từ năm 2012, nghề sản xuất kinh doanh nem đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa “Nem Lai Vung”.

Nhiều gia đình ban đầu chỉ làm nem bán nhằm đảm bảo cuộc sống hàng ngày, giờ đây đã trở nên khấm khá, giúp hàng trăm lao động địa phương có việc làm.

Nghề truyền thống nem Lai Vung đang trên đà phát triển nhanh, nhiều hộ sản xuất thủ công nhỏ lẻ có điều kiện phát triển thành cơ sở lớn, đầu tư máy móc hiện đại, quy trình sản xuất khép kín. Đặc biệt, các cơ sở phải đảm bảo sản xuất “sạch” từ nguồn nguyên liệu đến từng công đoạn. Người gói phải áp dụng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh.

Các cơ sở sản xuất nem đã tạo việc làm cho trên 300 lao động. Tổng sản lượng nem cung cấp ra thị trường hàng trăm ngàn chiếc mỗi ngày, giá trị đạt trên 60 tỷ đồng/năm. Ảnh: Kim Anh.

Các cơ sở sản xuất nem đã tạo việc làm cho trên 300 lao động. Tổng sản lượng nem cung cấp ra thị trường hàng trăm ngàn chiếc mỗi ngày, giá trị đạt trên 60 tỷ đồng/năm. Ảnh: Kim Anh.

Từ những giá trị vật chất và tinh thần đó, ngày 25/1 tới, nghề làm nem Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp sẽ chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Đảng bộ và chính quyền huyện Lai Vung mong muốn người dân, nhất là người trực tiếp làm ra chiếc nem phải nhận thức một cách đầy đủ về sản xuất nghề truyền thống trong bối cảnh mới. Do đó, phải nâng cao giá trị cho sản phẩm và được cấp có thẩm quyền công nhận, để người dân Lai Vung tự hào với nghề đã có gần thế kỷ qua.

Ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung bộc bạch, làm nem là nghề truyền thống, nếu không được giữ gìn và phát triển sẽ bị mai một và không bắt kịp yêu cầu phát triển của xã hội.

Ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung cũng bày tỏ, việc giữ gìn và phát triển nghề làm nem Lai Vung sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Không chỉ thu nhập của người sản xuất mà còn tạo việc làm cho lao động nông thôn và tiêu thụ một phần nguyên vật liệu địa phương.

Đến nay, toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, tập trung chủ yếu tại xã Tân Thành và thị trấn Lai Vung. Trong đó nhiều thương hiệu trở nên nổi tiếng gần xa như Giáo Thơ, Út Thẳng, Hoàng Khánh, Cô Hiệp…

Thời gian qua, thông qua các chương trình khuyến công, khuyến thương, huyện Lai Vung đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất nem đầu tư thiết bị máy móc, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, giới thiệu sản phẩm vào các không gian trưng bày, đưa thương hiệu nem Lai Vung ra khỏi phạm vi địa phương.

Đến nay, sản phẩm nem Lai Vung đã hiện diện ở hầu hết các vùng miền, sàn giao dịch lớn trong cả nước.

Các cơ sở sản xuất nem Lai Vung đã xây dựng thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến mẫu mã để đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Các cơ sở sản xuất nem Lai Vung đã xây dựng thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến mẫu mã để đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề truyền thống nem Lai Vung là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, huyện Lai Vung sẽ tổ chức tôn vinh những cơ sở sản xuất nem, động viên các gia đình giữ gìn nghề và phát triển ngang tầm với vị thế của thương hiệu.

“Nghị quyết Đảng bộ huyện đã xác định, xây dựng người Lai Vung nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Việc công nhận nghề làm nem Lai Vung là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương”, ông Cương nhấn mạnh.

Đến Lai Vung ngoài tham quan vườn quýt hồng, du khách còn có thể tham quan cơ sở sản xuất nem và trải nghiệm tự tay gói ra chiếc nem Lai Vung mang về làm quà, giao thoa văn hóa địa phương với tất cả du khách gần xa.

Xem thêm
Thủ tướng thăm Lào, chủ trì kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, thể hiện mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!