| Hotline: 0983.970.780

Ngắm những sản phẩm 5 sao ở ngôi làng tỉ phú

Thứ Sáu 05/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Tôi lom khom lách người vào trong lòng chiếc lò bầu duy nhất của Bát Tràng, thử tưởng tượng ra cảnh lúc nó còn đỏ lửa hơn 20 năm về trước với 1.300 độ C.

Chiếc lò bầu cổ hơn 100 tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chiếc lò bầu cổ hơn 100 tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ra ngõ gặp tỉ phú

Trong lịch sử hơn 500 năm của nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) có 5 thế hệ lò gồm: lò ếch có hình dạng con ếch với một bầu nung sản lượng thấp, đốt bằng củi; lò đàn hình vuông sản lượng cao hơn tí chút, đốt bằng củi; lò bầu gồm nhiều bầu tạo ra sản lượng nhiều, chất lượng cao cũng đốt bằng củi; từ năm 1986 có lò hộp đốt bằng than công suất cao nhưng gây ô nhiễm môi trường nặng; từ năm 2002 là lò ga, lò điện.

Lò bầu từng là cả một gia tài thủa trước, là niềm tự hào của không chỉ chủ nhân mà cả dòng họ đến mức được trân trọng đặt tên. Lò được xây bằng gạch Bát Tràng với mạch đắp bằng đất sét đặc biệt để có thể chịu được nhiệt độ cao tới 1.300 độ C- thuộc loại top trong những thế hệ lò thủ công ở Việt Nam.

Các bầu đều thông nhau nên khi đốt bầu trước, bầu sau vẫn hưởng nhiệt truyền, giúp tiết kiệm củi. Người làng đến tận bây giờ vẫn còn truyền nhau giai thoại về nghệ nhân Phạm Ngọc Ẩm đang đốt lò, bỗng nhiên hết củi, tiếc mẻ gốm đang có nguy cơ hỏng ông liền hối vợ con giỡ cả cột nhà ra bỏ vào để giữ lửa.

Từ mấy chục chiếc thủa hoàng kim, hiện nay cái lò bầu cuối cùng của làng có tên gọi Sông Hồng B với 5 bầu thuộc về tài sản của khu du lịch Lò Bầu Cổ. Lò Sông Hồng A rất to với 12 bầu án ngữ ở phía trước nó đã bị phá dỡ để lấy mặt bằng.

Gốm được xếp trong lò bầu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gốm được xếp trong lò bầu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hà Văn Lâm- Phó ban đại diện của làng bảo với tôi rằng từ xưa Bát Tràng tuy không có một tấc đất làm nông, hiếm đến nỗi chôn người cũng phải sang táng nhờ làng khác nhưng vẫn giàu có nhất vùng nhờ vào nghề gốm.

Giàu đến mức khiến nhiều thủy tặc thường xuyên nhòm ngó nên dân làng phải làm những bức tường rào cao cỡ 3m, trên đó để những cái âu, cái liễn trồng dứa dại, hễ có động cái là đóng chặt cổng, ở bên trong đẩy liễn ra ngoài. Hơn nữa đường làng chật hẹp, nhiều ngóc ngách, ngõ cụt làm cho lũ cướp có đường vào mà không có đường ra.        

Nét độc đáo của gốm Bát Tràng hôm nay là sự kết hợp kinh nghiệm của con người trong việc phối trộn các nguyên liệu để tôi luyện qua lửa tạo ra 8 màu men đặc trưng gồm khô nổ cổ chảy, lục lam chàm tía…và đặc biệt nhất là men hỏa biến.

Nó được tạo ra trong môi trường rất nghèo ôxi. Trước đây nung trong lò bầu, đốt bằng củi khi đến nhiệt độ khoảng 1.300 độ C, men đang chảy ra người làm sẽ cấp tập lao củi vào lò để rút kiệt ôxi, ngọn lửa tối lại, tạo ra môi trường lửa khử, men bị hỏa biến thành nhiều màu…

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (áo trắng) đang xem một sản phẩm gốm thấu quang độc đáo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (áo trắng) đang xem một sản phẩm gốm thấu quang độc đáo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trên giấy tờ, xã có doanh thu 2.000 tỉ mỗi năm từ nghề gốm nhưng đó là con số chưa đầy đủ bởi chỉ tập hợp các doanh nghiệp, các hộ có đăng ký kinh doanh còn các lò nhỏ lẻ chưa thống kê được hết.

Thứ nữa, đó chỉ là giá trị trực tiếp của nghề gốm còn các dịch vụ đi theo cũng khó đo đếm. Bát Tràng có 8.500 khẩu nhưng đã có hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ trong đó có 140 nghệ nhân và hàng ngàn thợ giỏi.

Nghề gốm tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm. Có thể nói ra đường thấy tỉ phú, ra ngõ va vào nghệ nhân cũng không ngoa tiêu biểu như ông Trần Đức Tân, Phạm Thế Anh, xưởng gốm Tú Thu, công ty Quang Vinh.

Mỗi tác phẩm là độc nhất bởi sự “đột biến” của chất men được tạo ra từ công thức phối trộn men cũng như nhiệt độ trong lò mỗi lần một khác.

Xưởng lớn có hàng trăm thợ, xưởng nhỏ cũng cả chục thợ, công vẽ cao nhất có thể đến cả 1 triệu/ngày. Sản phẩm đắt nhất của làng Bát Tràng là đôi chóe tứ linh lớn nhất Việt Nam cao 2,3m, đường kính 1,3m, đắp nổi thủ công vô cùng tinh xảo đang chào giá 9 tỉ của nghệ nhân khiếm thính Phạm Anh Đạo.

Đèn gốm thấu quang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đèn gốm thấu quang. Ảnh: Dương Đình Tường.

5 sản phẩm tiềm năng 5 sao OCOP

Ông Nguyễn Văn Chí- Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội cho tôi hay, đợt bình xét cho chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2019, Hà Nội có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao thì riêng Bát Tràng đã có 5 sản phẩm.

Thang điểm 100 được chia ra ba nhóm. Thứ nhất là sức mạnh cộng đồng tức có nhiều người dân địa phương tham gia vào, được hưởng lợi, chiếm 35 điểm. Thứ hai là khả năng tiếp thị sản phẩm chiếm 25 điểm. Điều cuối cùng, quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm, chiếm 40 điểm.

Những sản phẩm của Bát Tràng tham gia vào OCOP đều đã xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Nhật, Châu Âu, Mỹ, Úc, do bàn tay, trí óc, tâm hồn của những nghệ dân giỏi nhất sáng tạo nên…Dự kiến trong tháng 6 này mọi thủ tục sẽ hoàn tất để chuyển hồ sơ lên Trung ương công nhận.

Tinh hoa người thợ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tinh hoa người thợ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đánh giá cao những gì mà Bát Tràng đang làm, ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Vừa qua chúng tôi đã tham mưu với Chính phủ cho phép Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng đề án bảo tồn, phát triển các làng nghề Việt Nam.

Để triển khai đề án, chúng tôi phải đi khảo sát nhiều làng nghề mà hôm nay là đến Bát Tràng. Có nhiều câu hỏi đặt ra là làm sao để khơi dậy hết các tiềm năng của đất, nước, lửa và trí tuệ con người nơi đây để tạo ra những sản phẩm gốm giá trị hơn nữa?

Cận cảnh một bông hoa hướng dương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh một bông hoa hướng dương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để phát triển ngành nghề ở nông thôn, vai trò chính vẫn là doanh nghiệp và các HTX bởi chỉ có họ mới làm tốt việc ươm trồng các ý tưởng sáng tạo, đầu tư, phát triển thị trường ở tầm quốc gia và quốc tế.

Không chỉ có thế, trong chương trình OCOP, Bộ còn ban hành bộ tiêu chí đánh giá về dịch vụ du lịch cộng đồng, giúp khơi dậy các tiềm năng, lợi thế để gia tăng giá trị cho các làng nghề.

Vừa qua Bộ đã tổ chức lớp tập huấn tại Quảng Trị, trong tháng 6 này sẽ mở 3 lớp ở 3 vùng Bắc, Nam và Tây Nguyên để phổ biến các quan điểm cụ thể về OCOP đến các cán bộ quản lý ở địa phương, từ đó họ triển khai đến các cơ sở như xã và các chủ thể.

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phú Thọ thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng do mưa dông

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi hàng trăm ha lúa, ngô, chuối, rau màu... bị đổ ngã và không thể phục hồi.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm