| Hotline: 0983.970.780

Ngành mía đường trong cơn bĩ cực: Cứu hay buông?

Thứ Năm 12/04/2018 , 14:05 (GMT+7)

Chấp nhận chính sách thuế ATIGA theo đúng lộ trình cam kết hay tìm cách “câu giờ” lùi thời hạn vài năm để các doanh nghiệp mía đường có thêm thời gian thay đổi?

22-47-02_nh-my
Ngành mía đường trong nước đang nín thở chờ quyết định của Chính phủ về chính sách thuế theo ATIGA

Câu chuyện ngành mía đường đang khiến Chính phủ khó khăn trong việc đưa ra quyết định, bởi một bên là uy tín của đất nước cam kết với khu vực và một bên là hàng triệu nông dân và lao động ngành đường.
 

Cây trồng khó thay thế

Ở thời điểm này, ai cũng cũng nhìn rõ kết cục các NM mía đường trong nước, đặc biệt là những nhà máy công suất nhỏ lạc hậu sẽ bi thảm thế nào một khi hàng rào thuế quan với đường trong khối ASEAN được nới lỏng. Trong đó, chỉ có một số ít DN lớn là đủ sức tồn tại, số khác buộc phải chuyển sang nhập đường thô về tinh luyện và không ít NM buộc phải đóng cửa.

Nhưng vấn đề lo nhất hiện nay là hàng triệu lao động đã quen trồng mía cả chục năm qua có thể chuyển đổi hàng trăm ha sang trồng loại cây trồng khác trong trường hợp một số NM đường đóng cửa hoặc chuyển sang nhập đường thô để luyện hay không?

Theo số liệu thống kê, diện tích trồng mía của cả nước khoảng 260.000ha. Đặc thù của cây mía khác so với cây lúa là chủ yếu dựa vào nước trời. Vì vậy, những vùng mía nguyên liệu lớn tập trung chủ yếu tại khu vực miền núi như Thanh Hóa, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ông Phạm Quốc Doanh thẳng thắn nhìn nhận, bị rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan như ngày hôm nay lỗi đầu tiên chính do sự thay đổi thích nghi của ngành mía đường chưa đủ quyết liệt.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Doanh cũng một phần nguyên nhân khách quan đến từ lịch sử ngành mía đường nước ta khi quá trình đổi mới, cổ phần hóa, tái cơ cấu mất quá nhiều thời gian, đến lúc bắt đầu dễ thở một chút lại đối mặt với việc mở cửa thị trường.

Theo VSSA, hiện dự thảo chính sách thuế mới cho ngành mía đường theo Hiệp định ATIGA đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ trên tinh thần tạo cơ hội cuối cùng cho ngành đường tái cơ cấu bằng việc gia hạn thêm 2 năm, đến 2020. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ ngành vẫn đang trong quá trình xem xét, cân nhắc được mất bởi vụ việc còn liên quan tới chính sách ngoại giao, thương mại mà Việt Nam đã và đang ký kết tham gia.

Quả thực, ở thời điểm này hiếm có cây trồng nào tại Việt Nam mà việc gắn kết giữa vùng nguyên liệu và nhà máy tốt như mía đường và cũng chưa có loại cây trồng nào cho người nông dân tại những vùng khó khăn thu nhập ổn định hơn cây mía.
 

"Lấm lưng" vì đường Thái

Ông Phạm Quốc Doanh cho biết, ATIGA về danh nghĩa là thuế suất trong khối ASEAN, nhưng thực tế chỉ có Thái Lan là mối nguy lớn nhất với ngành đường Việt Nam khi bạn đang là cường quốc thứ hai trên thế giới về xuất khẩu đường, đa phần các nước ASEAN khác vẫn thiếu đường nên họ chỉ mong bỏ hạn ngạch thuế quan theo WTO để mua được đường giá rẻ.

Chỉ sau hai thập kỷ, từ xuất phát điểm không khác Việt Nam là mấy, Thái Lan vươn lên trở thành cường quốc đứng thứ 2 thế giới về mía đường (chỉ sau Brazil) với sản lượng trên 11 triệu tấn/năm. Không dừng lại ở đó, trong tương lai Thái Lan tham vọng đưa sản lượng đường lên khoảng 20 - 25 triệu tấn/năm, trở thành cường quốc số 1 chi phối thị trường đường thế giới.

Ở cạnh cường quốc mía đường Thái Lan, chúng ta lại thua toàn tập trong mọi công đoạn từ giống, thu hoạch đến công nghệ chế biến nên có thể thấy số phận của ngành mía đường Việt Nam giờ như “trứng để đầu gậy”, chỉ một cái "hắt hơi" của đường Thái Lan chắc chắn ngành đường trong nước sẽ tan tác.

Bằng chứng rõ nét nhất là dù có ngăn chặn quyết liệt đến đâu mỗi năm đường lậu Thái Lan cũng tràn vào được Việt Nam khoảng vài trăm nghìn tấn với giá bán đến tay người tiêu dùng chỉ xung quanh 11.000 đồng/kg. Do đó, nếu đường Thái Lan đàng hoàng đi vào nước ta với thuế suất trong hạn ngạch 5% theo ATIGA, chắc chắn rất nhiều NM đường công suất nhỏ trong nước chỉ còn phương án duy nhất là đóng cửa.

22-47-02_dong-bo-duong-ttc
Ngành mía đường trong nước gặp khó vì đường Thái Lan

Quay trở lại câu chuyên nên trao cơ hội cuối cùng cho ngành mía đường bằng việc gia hạn thêm thời gian áp dụng chính sách thuế mới theo ATIGA trong ASEAN hay thà đau một lần buộc ngành mía đường không được lui?

Hiện có hai luồng quan điểm, đứng về phía người tiêu dùng kiến nghị Nhà nước nên nhanh chóng áp dụng chính sách thuế mới để người dân được hưởng lợi. Đứng về phía người trồng mía và các NM đường lại có quan điểm thông cảm, là việc mỗi người dân một năm chịu chi phí tăng thêm khoảng 1.000 - 2.000 đồng do hạn ngạch thuế quan đường không đáng là bao nhưng lại giữ lại được cả một ngành đường đang hoạt động hoàn thiện từ vùng nguyên liệu đến NM chế biến, góp phần giúp Việt Nam chủ động được nhu cầu khoảng 1,5 - 2 triệu tấn đường/năm.

“Qua tìm hiểu tôi nhận thấy mọi quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều coi đường là mặt hàng nhạy cảm thậm chí rất nhạy cảm và luôn được bảo hộ tuyệt đối trong các cuộc đàm phán thương mại.

Mặc dù chuyện đã qua rồi nhưng tôi cũng không hiểu tại sao khi đàm phán ATIGA các chuyên gia thương mại của ta lại dễ dàng đồng ý đưa mặt hàng đường vào lộ trình cắt giảm thuế quan và hạn ngạch như vậy. Nói thẳng ra là chúng ta đã bị Thái Lan qua mặt ở trong hiệp định ATIGA một cách “lấm lưng trắng bụng”, Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh.

 

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.