Nhà báo Văn Hùng phát biểu tại họp báo Chính phủ đề nghị Chính phủ có Nghị định Quy định về mộ phần cho cán bộ, công chức, nhất là người có hàm từ Thứ trưởng trở lên sau khi mất. |
Có ý kiến cho rằng, không nghề nào nếm trải nhiều cung bậc và đón nhận nhiều thái độ xã hội như nghề báo. Một bước lên xe, một bước xuống ngựa, sáng đưa chiều đón. Nhưng chầu chực, chờ đợi lại cũng thường xuyên. Vinh quang có, cay đắng có. Bạn bè đông, kẻ thù nhiều. Người trân trọng, kẻ khinh khi. Được mang ơn, bị căm hận. Ân và oán luân phiên, triền miên. Lúc nhà hàng 5 sao, cao lương mỹ vị; khi nhịn đói giữa rừng, phải ăn bắp non, ổi già, uống nước lỗ chân trâu...
Vinh - nhục có đủ
Tôi muốn bắt đầu bằng những câu chuyện duyên nợ với mình. Có những chuyện được và mất đan xen, có những việc mình nhận lại chữ nhục để vinh cho người khác. Với nghề này, tôi tin, các đồng nghiệp cũng từng trải qua những cung bậc cảm xúc ấy.
7 năm trước, khi có hàng trăm tiểu thương chợ Bỉm Sơn kéo lên cổng UBND tỉnh Thanh Hóa đòi gặp ông Chủ tịch tỉnh để được đối thoại vì cán bộ cấp dưới làm cho họ mất niềm tin. Suốt mấy ngày liền, mặc cho dân chúng ăn chực nằm chờ dưới ngày nắng, đêm mưa nhưng Chủ tịch tỉnh vẫn không ra gặp dân.
Dân chúng tiếp tục ngóng đợi trong thất vọng. Tôi viết bài “Khi lòng dân chưa yên”. Sau bài viết này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mới nhìn nhận lại vấn đề. Bí thư Tỉnh ủy đang dự họp Hội nghị Trung ương ở Hà Nội đã tức tốc chạy về để đối thoại với dân và nút thắt được giải quyết. Nghĩa là cái người dân cần là được gặp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để phản ánh vụ việc và nghe một quyết định. Mọi việc với dân được giải quyết đúng với nguyện vọng.
Còn tôi, thời điểm đó, vợ mới sinh đang kỳ ở cữ. Tỉnh Thanh Hóa liên tục phát công văn ra Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT xử lý nghiêm Báo Nông nghiệp Việt Nam và tác giả bài báo. Cay đắng và tủi nhục của người làm báo trước ngày 21/6 là Giám đốc Sở TT - TT và Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh phát văn bản “trục xuất” phóng viên ra khỏi địa bàn. Việc chưa từng có trong đời sống báo chí.
Cùng thời gian này, Báo NNVN đăng bài viết “Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa” được xem là dậy sóng dư luận. VTV thực hiện liên tiếp các phóng sự phát trong chương trình Tiêu điểm cùng đồng hành với NNVN để phản ánh thực trạng bộ máy cơ sở phình quá to, cán bộ và người làm bán chuyên trách quá nhiều, ngân sách kham không nổi, trong khi thu của nông dân hàng chục thứ thuế, phí bổ đầu.
7 năm rồi, đọc lại bài báo này tham chiếu vào nội hàm Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về sắp xếp bộ máy hành chính thì mới thấy những gì NNVN cảnh báo trước đây là đúng đắn. Bây giờ triển khai Nghị quyết Trung ương, cùng với cả nước, Thanh Hóa đang vào cuộc quyết liệt sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố và có gần 100 xã sẽ sáp nhập.
Những vụ việc trên, tôi và Hoàng Anh - đồng nghiệp cùng cơ quan suýt nữa bị thu hồi thẻ nhà báo. Có lẽ cái may lớn nhất chính là chúng tôi nói lên tiếng nói của dân, làm tất cả những gì có thể tốt nhất cho nhân dân. Hơn hết và trên hết, ngoài mục tiêu lớn nhất là vì lợi ích người nông dân, báo NNVN và chúng tôi không có mục đích nào khác.
Kéo lại chút niềm tin
Trong đời làm báo, chúng tôi từng tiếp biết bao người nông dân chân lấm tay bùn, trên tay họ cầm những lá đơn mà từ ngữ dành cho công bộc hết sức nặng nề. Họ phải bức xúc lắm mới khiếu kiện vượt cấp nhiều như vậy. Câu chuyện lạm thu ở Can Lộc, Hà Tĩnh mà NNVN thực hiện trong loạt phóng sự điều tra “Gánh nặng quê nghèo” đoạt Giải báo chí Quốc gia năm 2015 là một ví dụ.
Trong câu chuyện này, cả người dân, chính quyền và chúng tôi đều được và mất, vinh nhục đan xen nhau. Nhưng dân là muôn đời, chính quyền là nhiệm kỳ còn chúng tôi thì mãi mãi.
Tôi nhận thức rằng, khi các cấp chính quyền ở cơ sở làm mất lòng tin của người dân thì việc khiếu kiện vượt cấp là tất yếu. Nếu chính quyền cấp cơ sở công minh, chính trực, dân chủ, công tâm, và công khai, giải quyết mọi việc ở địa phương như tuyên ngôn: của dân, do dân và vì dân thì sẽ không còn tình trạng ấy.
Việc khiếu kiện vượt cấp ngày càng nhiều, chứng tỏ có sự lung lay lòng tin của người dân vào chính quyền cấp cơ sở.
Các nhà báo tác nghiệp tại Quốc hội cùng Bộ trưởng Bộ TN – MT Trần Hồng Hà và các ĐBQH trong giờ giải lao. |
Với khát khao bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, làm cầu nối để nguyện vọng của họ được giải quyết thỏa đáng, chúng tôi sẵn sàng xách ba lô lên đường. Tất cả chỉ muốn kéo lại chút niềm tin cho những người nông dân chịu nhiều thiệt thòi.
Can Lộc, Hà Tĩnh là quê hương của tôi. Trong trái tim của mỗi người, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng. Mỗi người sinh ra, ai cũng có cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn, gắn bó tuổi thơ và mỗi khi nghĩ về… lại thấy ấm lòng! Tôi hiểu hơn ai hết, phê bình quê hương trong những việc cụ thể là điều cực chẳng đã, rất đau lòng nhưng từ thực tế đặt ra, một người cầm bút, chúng tôi không thể im lặng.
Giờ mỗi lần về quê, thấy cấp ủy, chính quyền và người dân có nhiều việc làm đồng thuận, khơi gợi được niềm tin trong dân, lấy lại được phong trào; những vi phạm khuyết điểm ngày trước không còn tái diễn, dân chúng thấy vui hơn. Yêu dân, thương dân, lo cho dân thì khi có việc gì dân sẵn sàng ra gánh vác. Đó mới là hồng phúc.
Nhà báo chân chính thường cô đơn
Hơn 10 năm trong nghề, từng làm phóng viên thường trú và khi làm việc ở tòa soạn được giao phụ trách mảng thời sự nội chính, tiếp xúc với nhiều giới, nhiều thành phần và nhiều đồng nghiệp, tôi tổng kết lại, nghề báo nghèo.
Hoạ hoằn lắm trong số cả vạn, mới có vài ba nhà báo giàu. Nhưng họ giàu vì họ giỏi ở lĩnh vực khác nào đó, ví dụ kinh doanh, chứ không phải từ thu nhập nghề báo.
Đằng sau mỗi tác phẩm, người làm báo mong muốn mang đến những vị ngọt cho người dân và bạn đọc. |
Phải chăng vì sợ nghèo mà có không ít nhà báo hình thành nên tư duy dọa nạt cơ sở, quát mắng cả những bà giáo già ở trường mầm non, tiểu học? Có nhà báo còn đếm tầng, ra giá. Và đương nhiên, cái gì cũng có giá của nó nên đã có những nhà báo bị bắt về tội tống tiền doanh nghiệp, gần đây nhất là vụ việc xảy ra trên địa bàn Yên Bái và Bắc Giang. Số tiền nhà báo đòi doanh nghiệp đưa gần cả trăm ngàn đô la. Thật khủng khiếp.
Nhưng nghề báo không thiếu những điều tốt đẹp. Vẫn có hàng ngàn người ngày đêm lăn lộn trên từng nẻo đường, từng ngõ ngách, tìm kiếm thông tin tốt nhất cho bạn đọc. Họ không quản khó khăn nguy hiểm, dấn thân vào chốn hang hùm nọc rắn, phanh phui, đưa ra ánh sáng những hành động, âm mưu hại nước hại dân, hại con người. Họ chịu đựng bất công thiệt thòi, nghèo khổ, để được sống hết mình với nghề, đem lại những giá trị cho nghề.
Nhà báo Văn Hùng nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhân dịp đoạt Giải B Giải Báo chí Trần Mai Ninh năm 2018. |
Có những đồng nghiệp của tôi đã đổ máu trên mặt trận thông tin, bị uy hiếp cả tinh thần, tính mạng. Cả gia đình, vợ con cùng gánh chịu sức ép nặng nề.
Câu chuyện nhà báo Đỗ Doãn Hoàng báo Lao động bị chặn đánh trên đường đưa con đi học đến nay vẫn không thấy thông tin lại, mặc dù vụ việc đã trôi qua mấy mùa 21/6. Tôi nhớ sau khi vụ việc xảy ra, tại hành lang Quốc hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng đã lên tiếng chỉ đạo xử lý nghiêm khắc vụ việc này. Vậy mà đến nay không thấy ai nhắc đến.
Hay vụ phóng viên Trần Quang Thế báo Tuổi trẻ bị Công an Hà Nội “quẹt má” trên cầu Thăng Long đến nay cũng không rõ hồi kết. Rồi việc ông Nguyễn Minh Mẫn ở Thanh tra Chính phủ lộng ngôn xúc phạm danh dự người làm báo một cách trắng trợn cũng chẳng thấy ai chấn chỉnh, xử lý.
Hôm 10 năm sau sự kiện nhà báo Nguyễn Việt Chiến ở báo Thanh niên bị bắt, nhiều đồng nghiệp một lần nữa lên tiếng và tất cả đều có chung một cảm nhận: Cay đắng!
Nhà báo cũng là con người bình thường như bao người khác, cũng có yêu có ghét, cũng có những nhu cầu thường ngày về ăn, mặc, ở, đi lại… Và như vậy, họ cũng có thể mắc những sai lầm. Vì thế, để trở thành một nhà báo chân chính là cả một chặng đường phấn đấu gian khổ với một đức hy sinh vô bờ bến.