Các lò bánh tráng đỏ lửa
Những ngày cận Tết Ất Tỵ 2025, về các làng nghề bún bánh An Thái (xã Nhơn Phúc), Trường Cửu (xã Nhơn Lộc) thuộc thị xã An Nhơn (Bình Định), đến đâu chúng tôi cũng thấy những vỉ bánh tráng, bún được phơi dày các khoảng đất trống. Không như những tháng mưa dầm, những ngày này không khí tại các làng nghề bún bánh trở nên náo nhiệt; tiếng cười nói, tiếng va đập của các dụng cụ sản xuất và hương vị đặc trưng của các làng nghề lan tỏa khắp nơi.
Theo anh Nguyễn Văn Đạt, chủ hộ tráng bánh tráng ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), thời gian giáp Tết mỗi ngày gia đình anh làm hơn 1 tạ gạo. Vì làm số lượng nhiều nên anh Đạt phải thuê thêm 7 nhân công để đẩy nhanh tiến độ, cho ra nhiều sản phẩm để đủ giao cho khách hàng. Những năm trước, gia đình anh Đạt sản xuất bằng phương pháp thủ công, vừa nhọc công vừa lời lãi chẳng được bao nhiêu. Nay anh Đạt đã sắm được dây chuyền làm bánh nên năng suất và lợi nhuận đạt cao hơn.
“Những ngày cận Tết thời tiết thuận lợi, nắng nhiều, nên bánh tráng phơi nhanh khô và ít bị hư hỏng nên lợi nhuận tăng lên. Nếu thời tiết bất thường, mang những vỉ bánh ra phơi mà gặp cơn mưa bất chợt, dù mưa nhỏ đến mấy coi như những vỉ bánh ấy hư hàng loạt, vì bánh còn ướt gặp mưa là rã hết”, anh Đạt chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Tân (64 tuổi) cũng ở thôn Trường Cửu cho biết: “Nghề bánh tráng làm quanh năm, nắng làm, mưa nghỉ, chạy hàng nhất trong năm là bánh tháng Chạp. Năm nay trời âm u và mưa dầm suốt mấy tháng cuối năm nên các lò bánh tráng đều nguội ngắt, chẳng thể sản xuất. Khoảng 10 ngày nay trời có nắng các lò bánh đồng loạt đỏ lửa trở lại, ai cũng ráng làm kiếm tiền tiêu Tết”.
Theo dõi dự báo thời tiết biết là trong tuần này trời liên tục có nắng, nên ngày nào vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang (64 tuổi) và bà Hồ Thị Bảy (62 tuổi) ở thôn Trường Cửu cũng thức dậy từ tờ mờ sáng để xay bột, nhóm lửa để tráng bánh, vì những ngày tháng Chạp lượng bánh tiêu thụ tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường.
“Vào vụ Tết lượng bánh tráng tiêu thụ rất mạnh. Bánh tráng tới đâu có bạn hàng thu mua đến đó. Bánh tráng Trường Cửu có nhiều loại, như bánh tráng mè để nướng, bánh tráng nhúng để cuốn nên giá bán cũng khác nhau”, bà Bảy chia sẻ.
Có nắng là có tiền
Bún Song Thằn là đặc sản của làng nghề bún bánh An Thái, xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định). Bún Song Thằn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi có vị thơm đặc biệt. Nguyên liệu làm bún Song Thằn là đậu xanh. Cứ 5kg đậu xanh hạt được xay thành bột, cho ra khoảng 1,2kg bột đậu xanh tinh chất; số bột này làm thành 1kg bún Song Thằn khô. Chất lượng bún Song Thằn rất ngon, dinh dưỡng cao, do đó có giá trên 200.000đ/kg. Những ngày cận Tết, bún Song Thằn bán chạy “như tôm tươi”, các nhà lò ở An Thái hầu như không còn dám nhận đặt hàng mới vì làm không kịp cung ứng cho những bạn hàng cũ.
Không chỉ có bún Song Thằn, bún gạo không ở An Thái cũng đang hút hàng. Thời gian gần đây, anh Lâm Hoàng Vũ mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất bún như máy xay xát, máy nghiền, máy đập bột… Nhờ đó, chất lượng bún và bánh phở của gia đình anh Vũ hiện nay đã ngày càng được nhiều người tiêu dùng và các quán ăn ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày lò bún của anh cung cấp thấp nhất cũng hơn 300-400kg bún khô. Vào dịp Tết mức tiêu thụ càng tăng cao, nên gia đình anh Vũ gia tăng sản xuất lên 500-700kg, tạo việc làm cho 8-10 lao động tại đại phương với thu nhập bình quân trên 7-8 triệu đồng/người/tháng, tăng 2 triệu đồng/người/tháng so với ngày thường. Sản phẩm bún của gia đình anh Vũ không chỉ tiêu thụ tại địa phương, mà còn được tiêu thụ các tỉnh Gia lai, Đắk Lắk…
Theo ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn), gia đình ông làm nghề sản xuất bánh tráng đã nhiều năm nay, ngày bình thường làm khoảng 300-400kg gạo, còn ngày Tết thì số lượng tăng lên gấp đôi.
"Làm bún bánh công đoạn nào cũng vất vả đều phải làm thủ công. Sau khi qua công đoạn làm bánh, bún tươi bằng máy, công đoạn phơi, thu hoạch thành phẩm chủ yếu vẫn dựa sức lao động", ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Kim Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, các tuyến đường dẫn vào Làng nghề bún bánh An Thái đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, thảm nhựa từ nhiều năm nay, giúp thương lái có thể đưa xe đến tận các cơ sở sản xuất để thu mua sản phẩm.
“Chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch 3ha đất dọc sông Kôn làm sân phơi cho người dân làng nghề và hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP địa phương, xây dựng thương hiệu, quảng bá nhằm hướng tới tiếp cận thị trường ngoài nước trong thời gian tới”, ông Nguyễn Kim Lân chia sẻ.