Năm nay thời tiết bất thuận đã gây “khó dễ” không ít cho làng nghề bún bánh An Thái, xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định).
Theo ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, hiện xã này có khoảng 50 cơ sở sản xuất bánh tráng và 30 cơ sở sản xuất bún. Trước đây, người làm nghề sản xuất bún bánh ở Nhơn Phúc hầu hết đều làm thủ công, nên sản lượng không cao. Những năm gần đây, nhiều hộ làm nghề bún bánh ở đây đã đầu tư máy móc, nên các loại bún Song Thằn, bún gạo, bún mì vàng, bún phở… và bánh tráng được sản xuất ra hàng loạt, sản lượng tăng cao để cung ứng cho thị trường cả nước.
Tuy nhiên, tráng bánh bằng máy chủ yếu chỉ sản xuất loại bánh tráng mỏng dùng để nhúng ăn, bánh tráng dày dùng để nướng hiện chủ yếu do các lò tráng bánh thủ công sản xuất. Những tháng trong năm, các cơ sở sản xuất bún bánh ở Nhơn Phúc hoạt động hàng ngày, đủ cung ứng cho bạn hàng cả nước, nhiều nhất là thị trường Tây Nguyên. Đến tháng Chạp âm lịch, các cơ sở sản xuất bún bánh bắt đầu tăng tốc để tăng sản lượng, nhằm đáp ứng cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Năm nay, ngay từ đầu tháng Chạp bầu trời Bình Định đã “sụt sùi”, mưa dầm kéo dài, những hộ làm nghề bún bánh đành “treo lò” chịu cảnh thất nghiệp. Bởi, nghề làm bún bánh cần phải có nắng mới phơi được sản phẩm. Ngoài trời mưa rơi thì trong lòng các chủ cơ sở sản xuất bún bánh cũng héo hắt.
Mưa kéo dài suốt 20 ngày, đến ngày 20 tháng Chạp (nhằm ngày 11/1/2023) trời mới bắt đầu ráo tạnh. Bước sang ngày 21 tháng Chạp trời bừng nắng, những lò bún bánh ở Bình Định nô nức nổi lửa, sản xuất hết công suất để có sản phẩm cung ứng cho thị trường, làng nghề bún bánh An Thái ở xã Nhơn Phúc không ngoại lệ.
Thế nhưng nắng chỉ được mấy ngày, đến ngày 26 tháng Chạp bầu trời Bình Định lại mù mịt, mưa lất phất, các lò bún bánh lại phải tắt lửa im ỉm, trong khi nhu cầu về bún bánh của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang "nóng" hừng hực.
Theo ông Võ Văn Tâm (70 tuổi) ở xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định), hằng ngày, bắt đầu từ 23 giờ 30 là gia đình ông phải hoàn thiện các công đoạn để chuẩn bị sơ chế bún. Để làm ra 1kg bún Song Thằn thì cần phải sử dụng 1,2kg nguyên liệu bột đậu xanh. Nếu trời nắng thì bình quân mỗi ngày gia đình ông sản xuất được hơn 1 tạ bún. Vào vụ Tết, ngoài nhân công trong nhà, gia đình ông Tâm phải thuê thêm người phụ giúp mới đáp ứng được sự tăng tốc của nghề nhằm đáp ứng kịp cho nhu cầu của thị trường. Hiện bún song thằn được ông bỏ sỉ cho bạn hàng là 200.000đ/kg nhưng không có bán.
“Nghề này làm quanh năm, nắng ngày nào làm ngày đó. Bắt đầu từ đầu tháng Chạp là phải tăng công suất để có hàng cung ứng cho thị trường. Năm nay mưa thường xuyên xảy ra trong năm nên lượng hàng sản xuất hàng ngày đủ bán chứ không có để dự trữ. Đầu tháng Chạp lại mưa kéo dài nên Tết năm nay hàng càng khan. Cả bún lẫn bánh tráng đang rất hút hàng. Người làm nghề thì không có tiền tiêu Tết, người tiêu dùng thì không có bún bánh ăn Tết”, ông Tâm than thở.
“Các cơ sở sản xuất bún bánh trên địa bàn giải quyết cơ bản lao động tại địa phương, nhất là lao động nông nhàn. Lao động tham gia làm việc tại các cơ sở sản xuất bún bánh thu nhập bình quân từ 6-8 triệu/tháng. Xã có những chính sách hỗ trợ sân phơi và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở yên tâm sản xuất phục vụ thị trường”, ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định), cho hay.