| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu sản phẩm quốc gia cho kinh tế biển

Thứ Tư 02/04/2025 , 15:11 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo ngày 2/4.

Nghiên cứu phục vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật về biển, đảo 

Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo cho biết, Viện được thành lập theo Quyết định số 815/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Viện Khoa học môi trường và Viện Nghiên cứu biển và hải đảo. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển, hải đảo, đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ phục vụ quản lý nhà nước.

Trong giai đoạn 2020-2025, Viện đã thực hiện 47 nhiệm vụ khoa học công nghệ, các nghiên cứu của Viện đã góp phần vào việc hoạch định và hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo vệ môi trường biển, hỗ trợ phát triển kinh tế biển bền vững và nâng cao năng lực quản lý tài nguyên biển của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng cần gắn kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo vào phát triển nuôi trồng, thủy sản. Ảnh: Trường Giang.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng cần gắn kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo vào phát triển nuôi trồng, thủy sản. Ảnh: Trường Giang.

Trong đó, nhiều nghiên cứu đã có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản như: Cung cấp cơ sở khoa học và công cụ quản lý môi trường biển phục vụ nuôi trồng thủy sản; Hỗ trợ quản lý và kiểm soát rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường sống và nguồn lợi thủy sản; Đóng góp vào bảo tồn đa dạng sinh học biển và ứng phó biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài.

Cụ thể, các nghiên cứu điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường biển và xác định các khu vực nhận chìm đã giúp ngành thủy sản xác định rõ các vùng an toàn về mặt môi trường để quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, tránh các khu vực ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm cao.

Hay việc điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm ở các cửa sông, đầm phá và vùng ven biển, đặc biệt từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận, đã cung cấp thông tin khoa học cần thiết để xây dựng các giải pháp kiểm soát ô nhiễm, góp phần bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm ven biển…

Gắn nghiên cứu môi trường, biển đảo với phát triển bền vững thủy sản 

Về định hướng nghiên cứu khoa học của Viện trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết sẽ tập trung vào các nghiên cứu phục vụ cho thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và sửa Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phục vụ cho thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phục vụ cho thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám vào giám sát, quan trắc môi trường, khai thác bền vững tài nguyên biển và phát triển kinh tế biển bền vững; Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường trên đất liền và khai thác tài nguyên biển bền vững.

Để có những bước đột phá trong nghiên cứu, phục vụ công tác quản lý bảo vệ môi trường, biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó có ngành thủy sản, Viện đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét bố trí nguồn kinh phí sửa chữa trụ sở nhằm ổn định chỗ làm việc tại một địa điểm và phục vụ tiếp nhận trang thiết bị, vận hành và sử dụng có hiệu quả.

Đồng thời Viện kiến nghị Bộ quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp trang thiết bị để phục vụ nghiên cứu, với định hướng tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao; Hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện để cán bộ khoa học được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài, tham gia các hội thảo, khóa tập huấn quốc tế nhằm cập nhật thường xuyên các công nghệ tiên tiến trên thế giới phục vụ nghiên cứu...

Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, nhiều nghiên cứu của viện có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản. Ảnh: Trường Giang.

Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, nhiều nghiên cứu của viện có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản. Ảnh: Trường Giang.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo có vai trò, phạm vi nghiên cứu hết sức quan trọng trong việc trong phát triển kinh tế biển và ngành thủy sản.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Viện phối hợp với các Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Nuôi trồng thủy sản I và các đơn vị liên quan nghiên cứu có sản phẩm quốc gia cho kinh tế biển. Đồng thời, đưa vào vận hành thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương.

Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu sớm tổ chức hội thảo khoa học về nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường biển và hải đảo, nhằm định hướng phát triển bền vững.

Xem thêm
Phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý ở Tây Bắc

Trong quá trình triển khai Đề án Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phát hiện và đánh giá tài nguyên 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quan trọng.

Quan trắc chất lượng nước bằng năng lượng tái tạo

Sóc Trăng Tỉnh Sóc Trăng vừa tiếp nhận, vận hành thiết bị quan trắc chất lượng nước tại 9 công trình cấp nước tập trung nông thôn bằng năng lượng điện tái tạo.

Bình luận mới nhất