Ngày 11/3, Nghiệp đoàn Nghề Cá Việt Nam cho biết, sau khi nhận được báo cáo của hội Nghề cá Quảng Nam, cơ quan này đã ra tuyên bố phản đối hành động cướp, phá tàu cá ngư dân Quảng Nam do Hải cảnh Trung Quốc gây ra.
“Đây là một trong những hành động nguy hiểm, có dụng ý của phía Trung Quốc nhằm đe dọa tinh thần, an toàn tính mạng và gây thiệt hại về kinh tế đối với ngư dân Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục thể hiện tinh thần thiếu thiện chí, lời nói không đi đôi với việc làm của phía Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông, ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân”, tuyên bố nêu.
Ngư lưới cụ bị Hải cảnh Trung Quốc cắt phá. Ngư dân Thái khẳng định sẽ tiếp tục bám biển Hoàng Sa. Ảnh: H.T
Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam trong các hoạt động trên biển. Cơ quan này cho hay các lực lượng chấp pháp cần kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân Việt Nam yên tâm vươn khơi bám biển lao động sản xuất.
Nghiệp đoàn Nghề cá cũng đề nghị ngư dân cần tăng cường tình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động.
Trước đó, trưa ngày 6/3, tàu cá do ông Võ Quang Thái (xã Tam Quang, huyện Núi Thành), làm thuyền trưởng cùng 9 ngư dân đang khai thác tại vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46101 cùng 2 tàu không rõ số hiệu cập mạn, khống chế. Sau khi mở bạt che súng trên tàu chĩa về phía ngư dân để uy hiếp, 11 người Trung Quốc xông lên tàu ngư dân cướp lương thực, nước uống, gần một tấn hải sản và cắt phá ngư lưới cụ. Trong nhóm này có 2 người nói được tiếng Việt, đe dọa tàu ông Thái phải quay trở lại đất liền, “nếu gặp lại một lần nữa sẽ đâm vỡ tàu”.
Thượng tá Nguyễn Văn Búp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà (đóng quân tại xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam), cho hay nhà chức trách đã hoàn tất việc kiểm tra thiệt hại, lấy lời khai của các ngư dân. “Thiệt hại của vụ cướp phá khoảng 300 triệu đồng. Lời khai của ngư dân về thủ phạm của vụ cướp là Hải cảnh Trung Quốc là có cơ sở”, thượng tá Búp nói.
Thượng tá Búp phủ nhận thông tin cho rằng, cùng thời điểm có nhiều tàu cá của Việt Nam cũng bị Hải cảnh Trung Quốc tấn công ở vùng biển này. “Thông tin đó không có cơ sở, gây hoang mang cho ngư dân ra khơi. Có một số vụ tương tự nhưng là trước đây”, thượng tá Búp nói.
Về phía chủ tàu Võ Quang Thái, dù vụ cướp phá gây tổn thất lớn về kinh tế và còn bị đe dọa "sẽ đâm vỡ tàu nếu gặp lại" nhưng ngư dân này khẳng định sẽ tiếp tục bám biển Hoàng Sa, sau khi tu sửa các thiết bị trên tàu. “Chuyến biển đầu năm anh em ai nấy cũng tràn trề hy vọng, niềm vui càng nhân đôi khi ra đến nơi, gặp luồng cá lớn. Vậy mà không ngờ tàu Hải cảnh Trung Quốc cướp phá hết. Tàn nhẫn quá”, ông Thái nói.
Ngư dân này từng được Chủ tịch tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen vì thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo khi Trung Quốc kéo dàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam năm 2014. Ông Thái có gia cảnh khó khăn, mang nợ hàng trăm triệu đồng đóng tàu nhiều năm chưa trả được. Ngư dân này bày tỏ muốn chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí sửa chữa, mua sắm thiết bị do vụ cướp phá gây ra để tiếp tục ra khơi sớm.