| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị Hoa Kỳ bổ sung biện pháp xử lý hơi nước nóng trên thanh long

Thứ Sáu 11/04/2025 , 16:25 (GMT+7)

Phương pháp xử lý này được Nhật Bản, Hàn Quốc chấp thuận đối với trái cây xuất khẩu, nhưng Hoa Kỳ còn lo lắng về việc không tiêu diệt hoàn toàn sinh vật gây hại.

Ngày 10/4, giờ Hoa Kỳ, Thứ trưởng Hoàng Trung cùng các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tổ chức liên quan đã làm việc với Cục Kiểm dịch Động thực vật (APHIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Mục đích nhằm rà soát tiến độ mở cửa thị trường cho trái cây tươi của mỗi nước.

Thứ trưởng Hoàng Trung dẫn đầu đoàn Việt Nam thảo luận với đại diện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Ảnh: Ngọc Quang.

Thứ trưởng Hoàng Trung dẫn đầu đoàn Việt Nam thảo luận với đại diện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Ảnh: Ngọc Quang.

Theo đó, đào và xuân đào của Hoa Kỳ đã được Việt Nam cấp phép nhập khẩu. Dự kiến cuối tháng 4/2025, cơ quan đầu mối là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá vùng trồng tại Hoa Kỳ về áp dụng biện pháp tiếp cận hệ thống (Systems Approach).

Biện pháp này được nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... chấp nhận, đặc biệt thông qua đàm phán kiểm dịch thực vật giữa cơ quan chức năng hai nước. 

Cách tiếp cận hệ thống sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp quản lý rủi ro sinh vật gây hại (sâu bệnh, dịch hại kiểm dịch, v.v...) trong toàn bộ chuỗi sản xuất, từ đồng ruộng đến xuất khẩu, thay vì chỉ dựa vào một biện pháp duy nhất (như xử lý kiểm dịch sau thu hoạch).

Ngoài ra, phía Việt Nam cam kết kiểm tra thực địa đối với quýt và chanh tươi của Hoa Kỳ vào vụ thu hoạch sắp tới, vào khoảng tháng 11/2025.

Về quả chanh leo của Việt Nam, APHIS thông báo đã hoàn tất đánh giá nguy cơ dịch hại và các biện pháp quản lý rủi ro. Cơ quan Hoa Kỳ đang tiến hành công bố thông báo lần đầu để lấy ý kiến rộng rãi.

Việt Nam cũng đề nghị APHIS bổ sung một số biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, trong đó ưu tiên xử lý hơi nước nóng trên thanh long nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là công nghệ đã được Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường khác chấp thuận.

Hiện Hoa Kỳ không chấp thuận phương pháp xử lý hơi nước nóng đối với thanh long Việt Nam vì lý do liên quan đến hiệu quả kiểm dịch và tiêu chuẩn an toàn sinh học. Hoa Kỳ cho rằng, xử lý hơi nước nóng có thể không tiêu diệt hoàn toàn các sinh vật gây hại như ruồi đục quả. Thay vào đó, phía bạn yêu cầu thanh long phải được xử lý bằng chiếu xạ.

Hoa Kỳ hiện chiếm gần 10% tổng lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam, xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu phía bạn chấp thuận phương pháp xử lý bằng hơi nước nóng, giá trị xuất khẩu mặt hàng này chắc chắn sẽ có bước tiến mạnh mẽ.

Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt tặng quà cho phía Hoa Kỳ nhân buổi gặp. Ảnh: Ngọc Quang.

Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt tặng quà cho phía Hoa Kỳ nhân buổi gặp. Ảnh: Ngọc Quang.

Tại cuộc trao đổi, Việt Nam và Hoa Kỳ thống nhất thúc đẩy hoàn tất phê duyệt tiếp cận thị trường đối với sản phẩm quýt của Hoa Kỳ và chanh leo của Việt Nam trong năm 2025. Nếu thành công, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu từ 50-100 triệu USD mỗi năm từ chanh leo xuất khẩu sang Hoa Kỳ, theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Hai bên cũng đề xuất các loại trái cây tiếp theo ưu tiên mở cửa thị trường tiếp theo là: mận, chanh vàng (Hoa Kỳ), chanh, ổi (Việt Nam).

Liên quan đến chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, APHIS cho biết sắp tổ chức các hội thảo chuyên đề về xử lý côn trùng bất dục, áp dụng chứng thư điện tử và phòng chống bệnh vàng lá trên các loại cây có múi như cam chanh.

Cùng với đó, cơ quan này sẽ thúc đẩy xây dựng Văn phòng chương trình tiền phê duyệt (pre-clearance) tại Việt Nam.

Phía Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ thêm về đào tạo phân tích nguy cơ dịch hại cho cán bộ kiểm dịch thực vật. Đồng thời, phối hợp xây dựng cẩm nang về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các loại trái cây đã được cấp phép tiếp cận thị trường.

Cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn thực vật và thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước, hướng tới hài hòa lợi ích thương mại, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng hai bên.

Dự kiến phiên họp kiểm dịch song phương tiếp theo sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2025. 

Xem thêm
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khóa XIII

Chiều 12/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khóa XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Báo Nông nghiệp và Môi trường xin trân trọng giới thiệu phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm.