Một giờ khủng khiếp
Vừa cập cảng Kỳ Hà, xã Tam Quang đêm 7/3, ông Võ Quang Thái (50 tuổi, thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), chủ tàu QNa 91939, bàng hoàng kể: Ngày 4/3, tàu ông ra khơi, trên tàu có 10 người. Vừa mới đánh bắt được mẻ lưới gần 1 tấn cá thu. Khi tất cả các thuyền viên trên tàu đang tìm đàn cá để thả lưới thì bị tàu Hải cảnh Trung Quốc xua đuổi.
Vào thời điểm 12 giờ 30 phút ngày 6/3, tàu ông đang ở vị trí 15 độ 55 phút vĩ độ bắc - 111 độ 48 phút kinh độ đông, gần đảo Bạch Quy thuộc đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị 3 tàu Trung Quốc uy hiếp. Một tàu mang số hiệu 46101, một tàu có 6 chữ Trung Quốc, tiếp đến số 2 và phía sau 2 chữ Trung Quốc, còn một tàu không rõ số hiệu.
Ngay lập tức tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46101 thả xuống biển 1 chiếc ca nô với 13 lính. Ca nô này chạy đến cập mạn tàu ông Thái thì 11 lính nhảy lên tàu, trong đó có 7 người cầm roi điện trên tay để khống chế toàn bộ người trên tàu ông Thái.
Trong đám lính, có 1 người nói tiếng Việt và ngang ngược thông báo: “Chúng tôi là Cảnh sát biển Trung Quốc, các ông đã xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Chúng cho người vào nắm cổ áo ông Thái rồi đưa ra ngoài, đồng thời khống chế 9 người còn lại và đưa về mũi tàu.
“Người thì uy hiếp chúng tôi, người đập phá máy Icom và bộ đàm, cắt hệ thống dây điện trên tàu để cho các thành viên trên tàu không thể liên lạc về đất liền. Ngang ngược hơn, 11 tên lính cắt phá lưới, đập hai thuyền thúng vứt xuống biển. Người nói được tiếng Việt hỏi: Anh làm sản phẩm để ở đâu? Tôi nói, mới làm không có cá, mực gì nhiều.
Tấm lưới trị giá gần 1 tỷ đồng bị cứa đứt từng đoạn
Vừa nói xong, thì có một người mở hết các nắp hầm đựng cá lên, họ vứt hết toàn bộ đá để ướp cá xuống biển để lục tìm cá. Họ lấy sạch gần 1 tấn cá chúng tôi vừa đánh bắt được. Chúng khống chế tôi rồi đưa một văn bản bằng tiếng Trung Quốc, ép tôi ký vào, sau đó bắt tôi dơ để để chụp ảnh. Lúc đó chúng tôi bị khống chế hoàn toàn, không thể phản kháng được chi cả. Bọn chúng rất hung dữ, buộc tôi phải làm theo”, ông Thái cho hay.
Sau khi vào bờ, chính quyền xã, huyện, lực lượng biên phòng có mặt động viên, trấn an tinh thần, nhưng thuyền viên Đặng Viết Tiến, thuyền viên tàu Qna 91939 vẫn chưa hết bàng hoàng kể: Một đám người cầm roi điện uy hiếp, trong khi anh em chỉ tay không.
Bọn chúng ra sức đập phá, dùng dao cắt lưới từng khúc, từng đoạn một rách tươm. Đặc biệt, ngư cụ, nhu yếu phẩm bị cướp sạch. Một khoang để cá, chúng lấy không còn một con. Chúng còn bắt chạy vào phía đất liền, nếu chạy ra sẽ đâm chìm tàu.
“Chuyến biển này phí tổn bỏ ra hơn 100 triệu đồng nhưng nay mất trắng, không những thế, ngư lưới cụ có giá trị hơn 1 tỷ đồng, bị chúng phá hết. Sau một giờ uy hiếp, cướp bóc, bọn chúng mang xuống ca nô và chở đi. Cứ đà này, thuyền viên ra khơi chỉ trắng tay”, ông Tuyên chua chát.
Lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Nam ghi nhận thiệt hại tàu cá Qna 91939
Theo ông Tuyên, ngoài tàu QNa 91939 bị Trung Quốc cướp, đập phá thì cùng thời điểm có một tàu của ngư dân Lý Sơn và TP Quy Nhơn, Bình Định, cũng bị Cảnh sát biển Trung Quốc uy hiếp và cướp cá, phá ngư lưới cụ tương tự như tàu Qna 91939.
Không rời Hoàng Sa
Theo ông Thái, chủ tàu QNa 91939, con tàu này có công suất 630CV, được ông đóng cách đây 7 năm, tổng đầu tư hết 3,5 tỷ đồng để vươn khơi, bám biển. Trong 7 năm qua, thường bị tàu Trung Quốc xua đuổi nhưng lần nay bị uy hiếp cướp, đập phá thiệt hại lớn. Đây là chuyến biển đầu năm giờ coi như tiêu tan, chưa nói thiệt ngư cụ, mà còn gây tinh thần bất an khi hoạt động trên biển.
Trước những thiệt hại to lớn mà tàu Cảnh sát biển Trung Quốc gây ra nhưng ông Thái quả quyết không lo sợ, ông tiếp tục sửa chữa tàu, ngư lưới cụ để bám biển.
Hệ thống dây điện tàu Qna 91939 bị Cảnh sát biển Trung Quốc cắt đứt
“18 tuổi, tôi theo nghiệp ăn sóng nói gió, ngư trường truyền thống Hoàng Sa bao đời nay cha ông đã gắn bó, đó là vùng biển cùng mình. Tôi sẽ vay mượn tiền sửa chữa con tàu và mưa ngư lưới cụ, khoảng 1 tháng nữa anh em sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển”, ông Thái nói.
Tuy nhiên ông Thái kiến nghị, để ngư dân yên tâm sản xuất thì phải có cơ quan chức năng giúp đỡ. Chẳng hạn tàu thuyền của lực lượng chức năng đồng hành trên vùng biển mà ngư dân đang đánh bắt.
Sáng cùng ngày, chính quyền xã Tam Quang, UBND huyện Núi Thành và Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam cũng đã đến thăm, tặng quà động viên ngư dân vượt qua thời điểm khó khăn. Ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho rằng: Hành động của phía Trung Quốc là không thể chấp nhận được, ngang ngược đến vô nhân đạo. Tàu Trung Quốc đã ỷ mạnh, trang bị vũ khí, khống chế, thị uy, cắt phá ngư lưới cụ của ngư dân đang sản xuất trên vùng biển của Việt Nam mà lại còn tráo trở bảo rằng vùng biển Hoàng Sa do chúng quản lý là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Tỉnh sẽ báo cáo lên Trung ương, phản đối mạnh mẽ việc này.
“Chúng tôi luôn khuyến khích ngư dân bám biển, sản xuất trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Mong rằng, các ngành chức năng như lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư cũng luôn sát cánh cùng ngư dân, tiếp sức họ trong những tình huống khẩn cấp”, ông Ngô Tấn nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Búp, Đồn trưởng Đồn biên phòng Kỳ Hà cho biết: Ngay sau khi nhận thông báo về của ngư dân Võ Quang Thái, chúng tôi hướng dẫn anh em cho tàu quay về đất liền nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cùng ngư dân và để trình báo sự việc nhờ cơ quan chức năng vào cuộc.
“Sau khi tàu cập cảng Kỳ Hà, anh em ở đồn đã xuống thăm hỏi và động viên các thuyền viên. Sau đó, chúng tôi đã làm việc lấy lời khai của anh Võ Quang Thái trình bày toàn bộ sự việc về việc bị tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công. Qua kiểm tra trên tàu về thiệt hại nặng nhất là ngư lưới cụ đánh bắt, bị cắt đứt hư hỏng hết toàn bộ; 1 máy Icom; 2 thúng chai; một máy dò cá…, tổng thiệt hại về tài sản khoảng gần 300 triệu đồng. Đây chưa nói thiệt hại về cá, tổn hàng của anh em thuyền viên góp vào.
Thông qua báo chí, tôi kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền cần hỗ trợ ngay cho ngư dân để tiếp tục vươn khơi bám biển trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, các cơ quan thực thi trên biển như Cảnh sát biển Việt Nam, Kiểm ngư Việt Nam cần tăng cường hoạt động trên biển để bảo vệ chủ quyền và bảo vệ ngư dân để cho họ yên tâm đánh bắt hơn”, Thượng tá Búp nói.