Người Việt, nhìn từ cái chết của Chí Phèo

Thái Hạo - Thứ Hai, 17/10/2022 , 08:31 (GMT+7)

Chúng ta có thật sự hiểu Nam Cao khi đã đẩy câu chuyện vào vấn đề giai cấp? Chúng tôi cho rằng điều ấy là không chính yếu trong tư tưởng Nam Cao.

Chân dung Nam Cao

Chân dung Nam Cao. Tranh của Lê Huy.

Chúng ta có thật sự hiểu Nam Cao khi đã đẩy câu chuyện vào vấn đề giai cấp? 

1.

Vì sao Chí Phèo chết? Thoạt nhìn thì câu trả lời thật giản tiện, Chí Phèo tự tử. Nhưng tại sao Chí tự tử? Vì Chí đã đâm chết Bá Kiến, hắn không thể thoát khỏi sự trừng trị. Bá Kiến chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của Chí.

Anh Chí ban đầu vốn là một người “lương thiện”, một người đã từng có những ước mơ rất đỗi bình dị mà đẹp đẽ, giấc mơ “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”; một người không chấp nhận làm “con vật” trong tuổi 20 khi bị bà ba gọi lên bóp chân, “hai mươi tuổi người ta không phải là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt”, anh “chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì”. Lòng tự trọng của anh dân cày đã giữ anh lại bên bờ của vực thẳm sa đọa trước thói dâm dục của những mụ đàn bà “nhàn rỗi ngu si”. Nhưng cũng chính người đàn ông ấy đã trở nên một thằng nát rượu, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, một kẻ sống vật vờ trong sự sợ hãi và khinh bỉ của dân làng. Chí, từ một người hiền lành đáng yêu đã bị gạt ra khỏi đồng loại để chỉ còn lại “một thằng say rượu với ba con chó dữ”.

Bá Kiến, kẻ mà người ta gọi là thống trị, đã gây nên cơ sự ấy. Cụ Bá đã đẩy Chí vào tù để biến Chí thành một thằng lưu manh. Rồi cũng chính cụ đã “dùng” Chí như một công cụ đòi nợ và gây nên nỗi sợ hãi cho dân làng như một con quỷ kinh tởm.

Chí gặp Thị Nở, xác thịt và tình yêu đã đánh thức cả bản năng đàn ông lẫn khao khát hạnh phúc và giấc mơ làm người thủa trước. Chí đã hồi sinh trong bàn tay của một người đàn bà, dù thị xấu xí và dở hơi. Thế mới biết tình yêu/tình thương có phép màu cứu chuộc con người như sự màu nhiệm từ Chúa trời. Nhưng Chí đã phải khóc trong khi niềm hân hoan sung sướng mới lâng lâng được vài ngày. Chí quyết định giết Bá Kiến và kết liễu cuộc đời đã nát bét của mình khi biết cuộc đời ấy không thể trở lại để làm người được nữa.

Nhìn một mạch thì thấy Bá Kiến chính là nguyên nhân của bi kịch Chí Phèo: từ sự lưu manh, đến quỷ dữ rồi tự tử. Người ta sẽ đổ hết tội lỗi lên đầu kẻ thống trị lõi đời ấy như một bàn tay đã gieo rắc lên số phận con người tất cả cái bi thương ghê gớm của một kiếp sống. Bá kiến bị nguyền rủa, căm hờn và ghê tởm. Bá Kiến là địa ngục giam nhốt những linh hồn tội lỗi. Phê bình văn học theo tinh thần xã hội học đã cơ bản dừng lại ở đó như một kết luận để minh họa cho những lý luận về giai cấp.

2. 

Chúng ta phải nhớ lại rằng, người đầu tiên mang Chí tới cuộc đời này không phải là Bá Kiến, mà rất có thể lại là một người đàn bà “lương thiện” nào đó. Người đàn bà ấy đã chối bỏ hắn và ném vào một chiếc lò gạch cũ bỏ hoang. Rất có thể hắn đã phải chết vì người mẹ của mình nếu không gặp một người đi thả ống lươn nọ. Hắn đã được mang tới cuộc đời này bằng cách ấy. Và sau đó hắn đã được mang “cho”, không phải một người lành lặn, có “điều kiện” để nuôi dưỡng, mà là một bà góa mù, nói cách khác, có thể dân làng Vũ Đại không ai sẵn lòng nuôi hắn để hắn phải trôi vào một xó tối là người đàn bà khốn khổ kia. Và nữa, người đàn bà ấy đã lại bán hắn cho một bác phó cối. Người ta cứ nói rằng, sau này vì đã trở nên tha hóa nên Chí mới bị “cự tuyệt quyền làm người”. Nhưng hình như không phải thế. Dân làng Vũ Đại đã ngay từ ban đầu đã không coi hắn là người, hay ít nhất là cũng chỉ coi hắn như một thứ rơm rác, hay một món đồ có thể bán lấy tiền. Chí đã sinh ra trong một xã hội như thế. Làng Vũ Đại hiện lên bằng cái không khí khô khốc, vô cảm, cái vặn vẹo rời rạc như những ngày gió Lào. Nó gợi một cái gì vừa ảm đạm vừa vô luân trong sự bình yên giả tạo của một thế giới phi nhân và đáng sợ. Chí đã sinh ra và sống trong cái khí quyển ấy, thử hỏi, Con Người nào có thể lớn lên từ mảnh đất gai góc và hoang hóa ấy?

Ngày đầu Chí về làng sau mấy năm đi tù và sau khi uống rượu hắn tới nhà Bá Kiến để gây sự. Hãy xem dân làng Vũ Đại phản ứng ra sao: “trong bụng thì họ hả […] Phen này cha con thằng Kiến đố vác mặt đi đâu […] Người ta tuôn đến xem”. Nhưng khi thấy Bá Kiến về thì “người ta kính cẩn dãn ra”, “chỗ này lạy cụ”, “chỗ kia lạy cụ”. Rồi “người ta dần dần tản đi… vì nghĩ đến sự yên ổn của mình. Ai dại gì đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng”. Đấy là phản ứng của dân làng Vũ Đại, hiếu kì, hả hê, hai mặt (trong bụng thì sung sướng vì thấy nhà Bá Kiến bị chửi tung lên, một mặt “kính cẩn” giả tạo), lại thêm thói khôn vặt tiểu nông… Rõ ràng, Chí sinh ra ở làng Vũ Đại, lớn lên ở làng Vũ Đại, trước khi đi tù hắn hiền lành. Nhưng khi về làng dường như hắn chỉ đón nhận tất cả những thái độ như trên. Trong cái làng ấy, hắn không được coi là con người. Và chúng ta có thể đoán rằng, với bất cứ một kẻ nào khác nếu rơi vào những hoàn cảnh đại loại như thể thì cũng sẽ có một cuộc đời lạnh toát như Chí trong cái làng của những người “lương thiện” ấy.

Suốt từ khi sinh ra, lớn lên, đi tù về, dường như chưa bao giờ Chí nhận được tình thương của người làng. Cho đến ngày hắn chết thì… “Cả làng Vũ Đại nhao lên. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt […] Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không tiếc […] thằng ấy chết, thằng khác còn, chúng mình cũng chẳng được lợi tí gì đâu”. Hoàn toàn không có một chút cảm – xúc - người nào trong dân làng trước cái chết của đồng loại khốn khổ. Họ chỉ có 2 tâm trạng: hả hê và thất vọng. Hả hê vì “hai thằng ấy chết”, thất vọng vì “mình cũng chẳng được LỢI tí gì”. Phải thấy đáng sợ với cái tình trạng ráo hoảnh, vô cảm và phi nhân này trong một xã hội đã “bình yên” ngàn năm sau những lũy tre.

3. 

Tất cả những phân tích trên sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về mối tình Thị Nở - Chí Phèo. Tại sao Chí Phèo thức tỉnh và khao khát trở về với cuộc sống lương thiện sau khi gặp Thị Nở? Chuyện xác thịt không phải yếu tố quyết định. Chính bát cháo mà thị mang cho Chí mới xua đi cơn bệnh u ám trong lòng hắn, cơn bệnh đã ủ suốt hơn bốn mươi năm cuộc đời – Bệnh thiếu vắng tình người. Hãy xem cách Thị Nở chăm sóc hắn: “Thị bỏ vào một cái rổ mang ra cho hắn […] Thị Nở giục hắn ăn đi cho nóng […] Thị Nở đỡ lấy bát cháo và múc thêm bát nữa […] Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu thương hại […] Thị vẫn im lặng, cười tin cẩn”. Chính TÌNH THƯƠNG, lòng người và sự chăm sóc của Thị là cơn mưa tưới tẫm tâm hồn một kẻ suốt đời chưa từng biết đến tình người, đã cứu hắn. Bát cháo của Thị Nở là thứ đầu tiên trong cuộc đời mà hắn được “cho không” vì “xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì”. Một con người sống suốt cuộc đời bằng cách bị nhặt được, bị bán đi, bị đi ở hết nhà này đến nhà nọ rồi trở thành một thứ nô lệ trong tay kẻ khác, thử hỏi con người ấy có thể tự ái với cuộc đời?

Một xã hội mà tình người là thứ xa xỉ phẩm, vắng bặt; nó làm thành cái khí quyển khô rát của những cơn gió gió sa - mạc - người đến nỗi chỉ cần vài giọt mưa rớt xuống thì lập tức những hạt giống đã đợi sẵn trăm năm dưới lòng đất khô liền bung mầm lớn dậy. Tình yêu của Chí Phèo đối với Thị Nở đã phản ánh một xã hội đang sợ, cái xã hội mà một con quỷ cũng vụt dậy thành người chỉ cần con quỷ ấy được cho không một bát cháo từ tình thương. Chúng ta hãy nhớ lại, Thị Nở xấu xí đến thế nào, xấu ma chê quỷ hờn. Một “con vật rất tởm” như thế mà cũng khiến Chí Phèo “say” là lý gì? Nó chỉ có thể nói cho ta biết đến chỗ sâu nhất của cơn khát tình người trong một xã hội không có tình người. Một xã hội mà con người sẽ nhào ngay vào nhau, bất kể đó là một “con quỷ” và một “con vật”, khi chúng mang trong mình một chút tình thương dành cho đồng loại.

Chúng ta có thật sự hiểu Nam Cao khi đã đẩy câu chuyện vào vấn đề giai cấp? Không phủ nhận có yếu tố ấy, nhưng chúng tôi cho rằng điều ấy là không chính yếu trong tư tưởng Nam Cao. Ông xứng đáng là nhà giải phẫu học tâm tính Việt; và ông cũng chính là nhà nhân đạo lớn trong một tiếng khóc ròng rã nhưng lặn sâu vào bên trong trước một cộng đồng vô cảm không có chút bóng dáng của tình người. Nỗi khao khát của Nam Cao về một xã hội mà “kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”. Và chúng ta sẽ hiểu, tại sao trong truyện của ông, nước mắt lại nhiều đến thế!

Chúng ta hình dung, đến bây giờ, nếu Nam Cao vẫn còn sống và viết thì có lẽ truyện của ông cũng không tươi sáng hơn được. Thậm chí, trong khí quyển nhân tính này, có thể những câu chuyện ấy sẽ nhiều nước mắt hơn những gì ông đã viết cách nay 80 năm.

Thái Hạo
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ10

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?10

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.