Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Tiếng Thu - sự đâu sóng gió bất kỳ

Tiếng Thu - sự đâu sóng gió bất kỳ

Xuất hiện trở lại gần đây trên mạng xã hội, thông tin cho rằng bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư là 'đạo' của nhà thơ người Nhật tên là Sarumaru Dafu.

LTS: Mượn ý Nguyễn Du, văn chương không có số mệnh mà lắm lúc cũng phải chịu liên lụy, đọa đày. Nếu không giữ được lòng hiếu tri, nỗi quan hoài và sự bình tâm khi đứng trước những nghi vấn thì đôi khi tình yêu văn chương lại vô tình trở thành “dây oan” thắt chặt những trái ngang. Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư dường như cũng đang ở vào tình cảnh đó. Với tinh thần tìm kiếm và tôn vinh sự thật, chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Thái Hạo, hòng rộng đường dư luận.

Đang có thông tin tưởng chừng như đã cũ, nay bỗng được chia sẻ trở lại trên mạng xã hội, cho rằng bài thơ Tiếng Thu nổi tiếng của Lưu Trọng Lư là “đạo” của một nhà thơ người Nhật tên là Sarumaru Dafu.

Tôi rất bất ngờ với chuyện này, và cố gắng đi tìm câu trả lời. Dưới đây là một số quan điểm và tài liệu mà tôi tìm thấy, cung cấp thêm cho người đọc để tham khảo, từ đó mà có cái nhìn đa dạng, nhiều chiều và khách quan hơn.

Đầu tiên là thông tin về việc “đạo thơ”:

Trong “Văn thi sĩ tiền chiến”, Nxb Khai Trí, 1969, Nguyễn Vỹ viết:

“Về bài thơ Tiếng Thu: của Lư hay của Sarumaru?

Có một lần ở tại nhà trọ của Lư phố Hàm Long tôi cười hỏi Lưu Trọng Lư:

Lư ơi, bài thơ Tiếng Thu có phải thật của cậu không?

Có Nguyễn Xuân Huy ngồi đấy, Lư “cười như nắc nẻ”:

- Thằng này mơ mộng thật! Mi tưởng bài đó của Thế Lữ à?

- Thế Lữ làm gì nổi một bài thơ như thế.

- Nhưng tao có đọc một bài thơ của một thi sĩ Nhật Bản, giống hệt bài thơ của mày, và bài thơ Nhật cũng tựa đề là Tiếng Thu.

Lưu Trọng Lư ngó Xuân Huy:

- Huy, mầy thấy thằng Vỹ nó điên không?

Huy bảo tôi:    

- Bài thơ Nhật như thế nào?

- Mày muốn chép, tao đọc cho chép. Đây là một bài tanka nổi tiếng:

Oku yama ni

Momoji fumi wake

Naku shika no

Koe kiku toki zo

Aki wa kanashiki

Tác giả là Sarumaru, thế kỉ VIII.

Bài thơ này, Michel Revon có dịch ra Pháp văn trong quyển Anthologie des poètes japonais - (Ed. Hachette):

Combien triste est l’automne

Quand j’entends la voix

Du cerf qui brame

En foulant et dispersant les feuuilles des érables

Dans les profondeurs de la Montagne.

- Karl Petit, trong quyển La poésie japonaise (Ed. Seghers) lại dịch đảo ngược lại, nhưng đúng theo nguyên văn bài thơ Nhật:

Aux profondeurs de la Montagne

Ecartant et foulant les feuilles d’érable

Le cerf brame

Et à l’entendre ainsi,

Ah! que l’automne m’est lourdement triste!

Dịch đúng nghĩa ra Việt văn:

Trong núi rừng sâu

Ta nghe tiếng xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô

Ôi buồn làm sao!

Bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư!

Em không nghe mùa thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô.

Lưu Trọng Lư cãi liền:

- Bài của tao còn đoạn trên:

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ.

Tôi cười:

- Cậu làm bài thơ này hồi năm nào?

- Mới đây.

- Mới đây, và mấy năm nay trong nước mình làm gì có chiến tranh, có “kẻ chinh phu” có “người cô phụ”? Tôi cho rằng cậu ghép thêm ba bốn câu đó vào bài thơ của Saramaru để tương đối đôi chút, nhưng cậu lấy trọn vẹn bản chính của Saramaru.

Lưu Trọng Lư không cãi nữa, nhưng Nguyễn Xuân Huy cười:

- Kết luận: les grands esprits se rencontrent! (Những trí óc vĩ đại thường gặp nhau!)

Lưu Trọng Lư cũng biết rằng Lư nổi tiếng là nhờ bài này, nên anh lấy tựa đề bài thơ Tiếng Thu làm nhan đề cho quyển thơ của anh. (Hết trích)

Trước thông tin này, ngày 15/2/2021, giáo sư Trần Văn Thọ ở Nhật có bài “Thu về với Tiếng Thu” nhằm “minh oan” cho Lưu Trọng Lư đăng trên báo Đà Nẵng, có đoạn:

“Và đây là bài thơ cổ tanka, viết năm 893, được cho là của Sarumaru Dafu (không rõ năm sinh, năm mất):

奥山に(Oku yama ni)

紅葉踏み分け(Momiji fumi wake)

鳴く鹿の(Naku shika no)

こえ聞く時ぞ(Koe kiku toki zo)

秋は悲しき(Aki wa kanashiki)

Có thể dịch nghĩa như sau: “Nghe tiếng nai kêu và đạp trên lá phong rẽ lối đi trong rừng sâu, mùa thu buồn làm sao!”.

(Bài thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng, ít nhất tôi thấy có hai bản tiếng Pháp và một bản tiếng Anh)

Ở đây có rừng thu, có con nai đạp trên lá vàng và trong bài Tiếng Thu cũng có những hình ảnh này. Nhưng cảm nhận về con nai của hai thi sĩ thì khác. Lưu Trọng Lư nghe tiếng nai ngơ ngác đạp trên lá vàng, trong khi Sarumaru Dafu nghe tiếng kêu của con nai trong mùa gọi tình, vang vọng từ rừng sâu. Nguyễn Vỹ trong cuốn sách nói trên cứ khăng khăng rằng, Lưu Trọng Lư đã bắt chước bài thơ tanka của Nhật và nói như thế trước mặt tác giả cùng người bạn chung (Nguyễn Xuân Huy) tại nhà trọ của Lưu Trọng Lư ở phố Hàm Long. Cũng theo Nguyễn Vỹ, hôm đó Lưu Trọng Lư đã phản luận rằng, bài thơ của mình có phần đầu (hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ) nên không thể nói là giống hoàn toàn. Tôi nghĩ tác giả Tiếng Thu chỉ trả lời cho qua chuyện vì cách đặt vấn đề của Nguyễn Vỹ trong buổi gặp của 3 người bạn không có vẻ gì nghiêm túc.

Nhân dịp đọc lại Tiếng Thu và tìm hiểu bài tanka của Sarumaru, tôi lại đọc được các bình luận liên quan của các nhà thơ hoặc phê bình thơ: Nguyễn Nam Trân (Tiếng Thu, 4-2004), Nguyễn Quảng Tuân (Về nghi vấn chung quanh bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, Tạp chí Hồn Việt, 7/10/2016), Trần Đăng Khoa (Bình thơ: Lưu Trọng Lư với bài thơ Tiếng Thu, không rõ ngày phát hành) và một bài khác của Trần Đăng Khoa nói ở trên. Các tác giả giống nhau một điểm, đều cho rằng bài Tiếng Thu không giống bài tanka của Nhật và là một trong những đỉnh cao của thi ca Việt Nam”.

Giáo sư Thọ quan niệm: “Theo tôi, nếu Lưu Trọng Lư đọc được bài tanka của Sarumaru (qua bản tiếng Pháp) và mượn hình ảnh “rừng thu, con nai vàng” để sáng tác thì bài thơ của ông vẫn là một kiệt tác trong văn chương Việt Nam. Trong âm nhạc hay thơ văn, người sau lấy cảm hứng từ người xưa để làm nên những tác phẩm mới có giá trị mới là chuyện thường thấy”. (Thu về với Tiếng Thu, báo Đà Nẵng Xuân 2021)

Bài thơ này của Sarumaru Dafu cũng được dịch giả Vương Trung Hiếu dịch là:

“Mùa thu buồn nhất

Xào xạc qua lá

và đi một mình

vào sâu trong núi,

Tôi nghe tiếng con nai cô đơn đang kêu gọi bạn tình”.

Tôi không rành tiếng Pháp, nên khi đọc được câu chuyện ồn ào trên kia thì liền gửi cho thầy tôi là một nhà ngôn ngữ học. Thầy nói “chuyện này xưa lắm rồi”. Và cho biết thêm: bản tiếng Pháp có sai lệch đôi chỗ, phần dịch từ Pháp sang Việt cũng không sát, dịch “Le cerf brame” thành “con nai vàng ngơ ngác” là cố tình nhét mấy chữ “vàng” và “ngơ ngác” vào, cốt sao cho giống bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư.

 

Trên đây là một số thông tin và nhìn nhận để tham khảo. Có thể chúng ta còn cần xem xét thêm cả bối cảnh thời đại, bối cảnh văn học, những chuyện liên quan đến quan niệm về sở hữu trí tuệ hồi đầu thế kỷ, những ảnh hưởng và vay mượn vốn phổ biến trong văn học, thậm chí cả những trùng hợp ngẫu nhiên… Tinh thần ở đây là cần hết sức cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ một nhận định hay kết luận nào; phải so sánh, đối chiếu, tìm hiểu cặn kẽ, tránh những phát ngôn vội vã.

Đi sâu hơn vào nội dung của hai bài thơ thì chúng ta thấy rằng, ngoài sự giống nhau về đề tài (mùa thu) và hình ảnh (con nai trong rừng) thì nhịp điệu, tiết tấu, âm hưởng, cảm hứng, chủ đề… của hai bài là rất khác nhau. Một bên là những lời thầm thì của nhân vật trữ tình với “em” như những lời tỏ tình sâu lắng miên man; bên kia là hình ảnh của “tôi” lạc lối trong rừng sâu nơi con nai kêu tìm bạn tình. Một bên là cái hồn thu mơ màng, tĩnh sáng, diệu vợi; bên kia là lòng hối thúc kiếm tìm. Mùa thu của Lưu Trọng Lư là mùa tình tự, mùa bình yên ngơ ngẩn và ngọt ngào sâu lắng; mùa thu của Sarumaru Dafu là mùa của nỗi khao khao khát, thúc giục, mê mải. Thu của Tiếng Thu là mùa của hòa điệu, giao cảm; thu của bài tanka gợi nỗi cô đơn vây bủa…

Văn học không phải là sự sao chép đời sống một cách giản đơn và thô thiển. Ngay cả dưới ống kính nghệ thuật của nhiếp ảnh gia hay nhà quay phim thì cuộc sống bao giờ cũng được khúc xạ, tạo ra một sự gián cách lớn với hiện thực, từ đó làm nên “khoảng cách thẩm mỹ” bắt buộc - chứ huống gì là thi ca! Những phong hoa tuyết nguyệt trong thơ ca trung đại Việt Nam vốn khá xa lạ với cảnh sắc đất nước, nhưng không phải vì thế mà nó trở nên phi lý, lại càng không thể vì thế mà có thể suy diễn rằng những Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, những Đoàn Thị Điểm đã “đạo thơ” của Tàu!

Đạo, dịch, phóng tác, vay mượn, ảnh hưởng, lấy cảm hứng hay “thoát ý” (như cách nói của Kiều Thanh)… là những nấc thang khác nhau, không thể quy gộp vào một rồi đi đến một kết luận vội vã được.

 

Hơn nữa, trong ngôn ngữ sinh hoạt cũng như ngôn ngữ thi ca, ngoài sự sáng tạo mang tính cá thể thì có những biểu tượng vốn đã thành di sản chung của cả một cộng đồng, thậm chí của cả nhân loại. Những hình ảnh có tính kết tinh cao đã vượt qua các khoảng cách địa lý và vượt qua sự hiện hữu trong thực tế để trở nên một thứ ngôn ngữ chung cho cả loài người. Cái cân là biểu tượng của công lý, hoa sen là biểu tượng cho sự thanh khiết, bồ câu là biểu tượng của hòa bình, cho đến những tùng - cúc - trúc - mai vốn đã thành biểu tượng trong văn hóa Á đông. Hình ảnh con nai trong rừng thu có lẽ cũng đã đạt đến mức độ kết tinh và mang tính biểu tượng như thế. Nếu chỉ vì sử dụng một hình ảnh có tính “di sản” như vậy mà kết luận rằng đạo thơ thì e quá vội vàng và không kém phần nông nổi.

Trên đây là chưa hề nhắc gì tới “chủ nghĩa Freud” trong sáng tạo nghệ thuật. Có những hình ảnh, những tứ thơ, những ngôn từ bỗng từ đâu đó trong sâu thẳm tiềm thức, vô thức vụt hiện ra trong một trạng thái kỳ lạ mà nếu không phải là người cầm bút thì khó mà kinh nghiệm được. Câu chuyện Hoàng Cầm viết “Bên kia sông Đuống” là một ví dụ quen thuộc cho trường hợp này. Theo chính lời ông kể thì như có ai đó đã đọc, và ông phải tốc ký để ghi lại! Điều này không phải là hoang đường, nếu không nói rằng nó phổ biến ở cấp độ của việc dùng chữ, phát hiện hình ảnh và các chi tiết độc đáo trong quá trình viết. Viết là một tình trạng “mất kiểm soát”; thậm chí nếu không có những lúc mất kiểm soát như thế thì khó mà hứa hẹn điều gì đột sáng cho một tác phẩm nghệ thuật…

Hi vọng rằng những chia sẻ này vắn tắt này của chúng tôi có thể sẽ khơi lên động cơ tìm kiếm tiếp tục nơi độc giả. Và đồng thời xin để ngỏ kết luận cho mỗi người sau khi đã bình tâm soi xét cặn kẽ mọi mặt của vấn đề.

Chân dung Lưu Trọng Lưu qua nét vẽ tài hoa của nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (1919-2001) lúc sinh thời từng tâm sự: 'Không hiểu sao, cứ nghĩ đến nhà thơ Lưu Trọng Lư là tôi liên tưởng đến hình ảnh con nai vàng ngơ ngác trên những chiếc lá khô. Vì vậy, tôi vẽ chân dung anh với sắc vàng đặc trưng của mùa thu, tóc anh bay cùng lá vàng mùa thu'.

Chân dung Lưu Trọng Lưu qua nét vẽ tài hoa của nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (1919-2001) lúc sinh thời từng tâm sự: “Không hiểu sao, cứ nghĩ đến nhà thơ Lưu Trọng Lư là tôi liên tưởng đến hình ảnh con nai vàng ngơ ngác trên những chiếc lá khô. Vì vậy, tôi vẽ chân dung anh với sắc vàng đặc trưng của mùa thu, tóc anh bay cùng lá vàng mùa thu”.

Thái Hạo

Tin khác

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/04/2024
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/04/2024
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 08/04/2024
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 31/03/2024
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Hà Giang hút khách

Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24/03/2024
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/03/2024
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/03/2024
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/03/2024