| Hotline: 0983.970.780

Nhân chứng lịch sử và thời khắc lịch sử 30/4/1975

Chủ Nhật 30/04/2023 , 07:57 (GMT+7)

Nhân chứng lịch sử từ nhiều phía khác nhau đã có những hồi ức chân thật, giúp thế hệ sau có cái nhìn toàn diện hơn về thời khắc lịch sử 30/4/1975.

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập hôm nay.

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập hôm nay.

Nhân chứng lịch sử phía đoàn quân giải phóng mà nhiều người đã biết, chính là đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 - 2002). Trong hồi ký “Đại thắng mùa xuân” xuất bản năm 1977, đại tướng Văn Tiến Dũng chia sẻ về quyết định đi đến thời khắc lịch sử 30/4/1975: “Sài Gòn là sào huyệt cuối cùng của địch, là chỗ co cụm về lực lượng của chúng, là nơi phòng thủ cuối cùng của một kẻ địch hết sức ngoan cố và phản động. Đây lại là chiến trường và trận đánh cuối cùng quyết định thắng bại giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa nhân dân ta và chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Trận đọ sức quyết liệt ấy, không cho phép chúng ta chủ quan và những thắng lợi dồn dập vừa qua cũng không cho phép chúng ta say sưa, coi kẻ địch một cách đơn giản như khi chúng đã hỗn loạn tháo chạy”.

Nhân chứng lịch sử khác là nhà báo Tiziano Terzani, phóng viên báo Tấm Gương của Đức, có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử 30/4/1975, cũng ghi chép tỉ mỉ: “Ở Gia Định, từ những nhà mà trên cửa vẫn còn khẩu hiệu viết bằng chữ sơn đỏ do Chính phủ cũ bắt buộc viết lên: “Gia đình này sẽ không bao giờ sống dưới chế độ cộng sản”, nhân dân đã chạy ra đường phố hát bài ca cách mạng “Sài Gòn vùng dậy” mà họ chỉ có thể học được qua đài Hà Nội và đài Giải phóng trong những năm nghe trộm các đài này.

Những đơn vị quân cộng sản đầu tiên đã vào Sài Gòn không đầy mấy giờ sau khi chiếc máy bay lên thẳng cuối cùng của Mỹ cất cánh khỏi nhà sứ quán Mỹ với toán lính thủy đánh bộ canh gác sứ quán cuối cùng. Chiếc máy bay lên thẳng đã bị chặn lại trên mái bằng bởi hỏa lực của một đám tàn binh đã lên tầng gác hai của ngôi nhà sứ quán lấy đi bất cứ cái gì có thể lấy được.

Chiếc máy bay lên thẳng đã cất cánh lúc 7 giờ 45 sáng, trong đám hơi màu đỏ và trắng làm chảy nước mắt, do những lính thủy đánh bộ Mỹ cuối cùng bắn ra để làm cho đám người đó phải bó tay.

Đại lộ chạy qua trước sứ quán Mỹ, mà những chiếc cổng sắt đã bị sức mạnh của hàng ngàn người phá tan, đầy rẫy những sách báo, những tủ ngăn bị phá vỡ và những cái màn bị giật xuống vứt bừa bãi. Khi đó sứ quán đã bị đốt cháy từng phần. Vụ đập phá sứ quán Mỹ đã bắt đầu sớm hơn một ngày (29/4) khi mật lệnh về việc di sản người Mỹ được công bố. Đài Mỹ ở Sài Gòn nhắc lại nhiều lần tin “Mẹ muốn các con về nhà, Mẹ muốn các con về nhà” và đoàn người Mỹ trông bi đát, bối rối, với những cái xắc nhỏ trên lưng, kéo đến những địa điểm tập trung hẹn trước, đã bắt đầu xuất hiện trên những phố vắng tanh của Sài Gòn”.

Đại tướng Văn Tiến Dũng. 

Đại tướng Văn Tiến Dũng. 

Nhân chứng lịch sử phía chính quyền Sài Gòn là trung tướng Trần Văn Đôn (1917 - 1998). Trước khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa được Tổng thống Trần Văn Hương (1903 - 1982) chuyển sang Tổng thống Dương Văn Minh (1916 - 2001) thì ông Trần Văn Đôn là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng.

Trong hồi ký “Việt Nam nhân chứng” xuất bản tại Mỹ năm 1989, nhân chứng lịch sử Trần Văn Đôn kể lại tình hình sáng 30/4/1975: “Một số cán bộ nằm vùng tại Sài Gòn lúc đó ra mặt, họ mặc thường phục, lấy miếng vải đỏ đính trên túi áo hoặc cột băng tay, cầm súng lục ra vài ngã tư dường như đi yểm trợ cho đoàn xe vào. Một vài chiếc xe jeep của quân đội Việt Nam Cộng hòa đang sử dụng bị những người ấy chặn lại, phải bỏ xe xuống đi bộ. Những bộ quân phục của quân đội Việt Nam Cộng hòa bị vất đầy mấy góc phố.

Gần chợ Trương Minh Giảng, một bộ quân phục sĩ quan mà người cởi ra không nỡ quăng xuống đất, nên treo ngay ngắn trên cây bên đường, cạnh bên để một cái kết sĩ quan làm cho người nào đi ngang qua đều cảm thấy xót thương kẻ thua cuộc.

Khoảng 9 giờ, đoàn xe Việt Cộng từ miệt Lăng Cha Cả xuống nhà thờ Ba Chuông thẳng đường Trương Minh Giảng vào trung tâm Sài Gòn. Đoàn xe đến mấy chục chiếc, đi đầu là xe tăng rồi đến xe GMC chở bộ đội, đa số là dân miền Bắc. Xe chạy chầm chậm, trên có cờ của Mặt trận Giải phóng nửa xanh nửa đỏ. Dân chúng kẻ ra đường nhìn, người mở cửa đứng ngó thẫn thờ và ngơ ngác.

Thời khắc lịch sử 30/4/1975.

Thời khắc lịch sử 30/4/1975.

Lúc quân Bắc Việt sắp tràn vào Dinh Độc Lập, ông Dương Văn Minh đã đứng đó cùng với một số Tổng trưởng trong nội các. Ông Dương Văn Minh nói với ký giả Pháp: “Chúng tôi trao lại quyền lãnh đạo miền Nam cho những người xứng đáng hơn chúng tôi”. Khi Việt Cộng vào, ông Dương Văn Minh nói với một sĩ quan Việt Cộng: “Tôi trao lại quyền lãnh đạo Miền Nam cho các anh”. Người đó trả lời: “Anh không có gì để trao hết. Anh chỉ đầu hàng”.

Sau đó họ mời ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và một người nữa lên xe jeep đi. Sau này tôi biết họ trở lại gặp tướng Trần Văn Trà. Ông Trần Văn Trà nói: “Tôi mời mấy ông về đây để uống trà với tôi. Tôi là Trà. Chiến tranh đã kết thúc rồi. Không có ai thắng ai bại”. Chiều đó, họ đưa các ông ấy về nhà”.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.