| Hotline: 0983.970.780

Nhất sứ Giang Tây, nhất gốm Chu Đậu, nhất thế giới

Thứ Sáu 12/02/2021 , 13:10 (GMT+7)

Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trực tiếp viết lên một chiếc bình gốm Chu Đậu chín chữ: "Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam".

Gốm Chu Đậu - Kỷ lục thế giới. Ảnh :Gia Minh.

Gốm Chu Đậu - Kỷ lục thế giới. Ảnh :Gia Minh.

Mấy năm gần đây thấy trong những cuộc tiếp đón ngoại giao các phái đoàn nước ngoài hay những chuyến công cán quốc tế, nguyên thủ Việt Nam thường chọn những sản phẩm gốm Chu Đậu để làm tặng phẩm gửi đến khách quý.

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không chỉ là một người tiên phong lựa chọn gốm Chu Đậu làm tặng phẩm mà còn là người rất tích cực quảng bá, giới thiệu, thậm chí là “bán hàng” với mục đích giới thiệu sản phẩm Việt Nam bất cứ khi nào có dịp.

Trước mỗi chữ ký tặng, ngài Thủ tướng Việt Nam thường viết hai câu mà lâu nay ông vẫn hay dùng để nói về Chu Đậu: “Niềm tự hào của dân tộc” hoặc “Gốm Chu Đậu, bản sắc Việt tỏa sáng năm châu”.

Đó thực sự là những điều rất đáng mừng, rất đáng để tự hào, bởi lâu nay dường như chưa có một sản phẩm nào của chúng ta vừa mang giá trị thuần Việt lại vừa nổi danh thế giới được bạn quốc tế đánh giá cao đến như vậy.

Một học giả người Nhật sau nhiều năm nghiên cứu gốm Chu Đậu đã phải ngỡ ngàng đó là thứ gốm toát lên vẻ đẹp dung dị của người Việt Nam, mang bản sắc thuần Việt, những hoa văn trang trí trên gốm Chu Đậu khiến người xem cảm nhận được đạo giáo của người Việt, ngôn ngữ của người Việt, non sông gấm vóc người Việt Nam.

Càng mừng hơn nữa, sau nhiều thế kỷ truân chuyên, lận đận thì những sản phẩm thuần Việt đã ngày càng mang vị thế, tầm vóc mới. Vào những dịp tôn vinh tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho đất nước, xã hội, không khó để bắt gặp hình ảnh gốm Chu Đậu hiện diện ở đó như một niềm kiêu hãnh, một giá trị Việt đích thực.

Đồ rằng cái ngày gốm Chu Đậu đứng vào hàng ngũ những bảo vật quốc gia sẽ không còn xa nữa, như chính lời Thủ tướng nói trong chuyến thăm làng gốm Chu Đậu cách đây hai năm: Tại sao chúng ta không trân trọng sản phẩm của người Việt Nam làm, sản phẩm lịch sử mà cha ông chúng ta làm, tại sao chúng ta phải đi mua đồ nơi khác về, trong khi sản phẩm của chúng ta rất đẹp…

Tết Tân Sửu năm nay là tròn 40 năm kể từ thời điểm cái tên Chu Đậu được vẽ lại trên bản đồ nền thủ công mỹ nghệ nước nhà sau hơn ba trăm năm bị chôn vùi, biến mất, quên lãng hết sức bí ẩn.

Gốm Chu Đậu. Ảnh: Gia Minh.

Gốm Chu Đậu. Ảnh: Gia Minh.

I.

Trước hôm chúng tôi về Chu Đậu, những người hiểu biết mảnh đất này dặn về đó chỉ cần gặp hai người là ông Nguyễn Văn Lưu và ông Hạ Bá Định đã có thể xem như biết hết về làng gốm cổ giá trị bậc nhất Việt Nam.

Đó quả là những lời rất dễ khiến người ta nghi ngờ, bởi ông Hạ Bá Định, một ông lão ngoài tám mươi dù sớm nổi danh trong nghề gốm từ thuở lên mười, dù được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú thì cũng nghe đâu quê mạn bên Hà Bắc chứ không phải là bậc lão làng Chu Đậu.

Còn ông Lưu, bạn của sếp tôi, cũng người Nam Sách đấy, nhưng ở xã khác, nghe kể cả cuộc đời là thuyền trưởng hải quân sau đó chuyển sang kinh doanh xuất nhập khẩu tận đâu trong Sài Gòn, biết gì về gốm mà bảo là nhất định phải gặp.

Nhưng xét cho cùng những bậc tiền nhân đã dặn dò thường có căn nguyên. Một ngày rong ruổi với ông Lưu, ông Định giúp tôi nhận ra được gặp gỡ họ quả là điều may mắn. Không đến mức lỗi lạc gì nhưng dường như số phận kỳ lạ về mảnh đất Chu Đậu đã sắp đặt hai con người ấy “biết về Chu Đậu còn hơn người Chu Đậu”, theo cắt nghĩa của ông Lưu thì cốt lõi ở cái duyên trời định cũng như cái nghiệp, cái trách nhiệm của mỗi con người, có đủ những yếu tố đó thì nơi nào mà chả là quê hương.

Cuộc hành trình của đất và người Chu Đậu vốn rất dài, rất kỳ bí về một vùng châu thổ ven sông Thái Bình.

Viết về Chu Đậu, với giá trị văn hóa lịch sử, nhất là những câu chuyện thăng trầm của nó sợ rằng có đến cả một bộ sách xem chừng vẫn còn thiếu sót. Chỉ riêng số sách báo mà ông Lưu thu thập trong mấy mươi năm kể từ khi Chu Đậu được “khai quật” trở lại dễ cũng đến cả vạn trang.

Ấy thế mà đâu đó vẫn còn những góc khuất chưa thể lý giải, những bí quyết chưa thể tìm ra, cứ như thể những bậc tiền nhân nơi đây còn chút gì muốn phó thác, muốn gửi gắm trách nhiệm cho hậu thế.

Chu là thuyền, Đậu là bến. Làng xưa vốn là một xã thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, sát với Lục Đầu Giang, nơi hợp lưu của sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình.

Có biết bao công trình nghiên cứu, biết bao tài sức của những bậc trí thức văn hóa lịch sử, các nhà khảo cổ học hàng đầu đất nước vẫn chưa tìm được cột mốc chính xác nhất về nghề gốm hoa lam ở Chu Đậu có tự bao giờ.

Từ thế kỷ 15 - 16, thời Lê – Mạc thì chắc chắn rồi, là nhờ vào bộ sưu tập gốm Chu Đậu do cụ Đặng Huyền Thông sống vào thời kỳ này sưu tầm, hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Hải Dương, nhưng liệu rằng trước đó nữa thì gốm Chu Đậu gốc gác ra sao?

Có phải sự biến mất bí ẩn suốt hơn 300 năm của gốm Chu Đậu ngay thời kỳ hưng thịnh nhất có phải bắt nguồn từ việc nhà Lê Trung Hưng triệt phá nhà Mạc hay còn lý do nào khác? Và rồi liệu có phải sau những binh biến mạn sông Lục Đầu có phải một nhánh người Chu Đậu lên Bát Tràng lập nghiệp và gầy dựng làng gốm nức tiếng phía Gia Lâm đó hay không?

Thôi thì lịch sử nên để thời gian và khoa học lý giải, hiện tại cần phải nhớ, để có một Chu Đậu của hôm nay, một Chu Đậu “mất trí nhớ” trở thành tinh hoa nhất, thuần Việt nhất so với những Bát Tràng, những Thổ Hà hay nhiều vùng gốm lừng danh khác thì chắc chắn cần phải khắc ghi công trạng những người không được phép quên.

Người đầu tiên thiết nghĩ không thể không nhắc đến mỗi khi nói về gốm Chu Đậu là một người Nhật Bản - ông Makoto Anabuki, một Tùy viên văn hóa từng nhiều năm sống, làm việc, nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam.

Sau này đã có nhiều người tự hỏi, nếu mùa hạ năm 1980 ông Makoto Anabuki không có chuyến công du đến Thủ đô Istanbul của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, không đến thăm Bảo tàng Topkapi Saray để tận mắt nhìn thấy một chiếc bình “củ tỏi” đã được xếp vào hàng quốc bảo của đất nước này với số tiền bảo hiểm lên đến hơn một triệu đô la Mỹ thì liệu gốm Chu Đậu có được phục sinh như hôm nay hay không.

Không ai dám chắc, nhưng có thể khẳng định, chính nhờ vào lá thư ông Makoto Anabuki gửi Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng thời điểm đó là ông Ngô Duy Đông thì cuộc hành trình tìm lại Chu Đậu xưa mới được bắt đầu.

Bức thư ấy hiện vẫn còn đang được lưu giữ ở Bảo tàng Hải Dương, đại ý viết rằng ông Makoto Anabuki nhìn thấy trong Bảo tàng Topkapi Saray một chiếc bình dáng “củ tỏi” cao 54 cm, được trang trí hoa sen và cúc dây, trên đó có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, nghĩa là “Năm Thái Hòa thứ tám, thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi”.

Sau khi nghiên cứu kỹ, ông Makoto Anabuki chắc chắn rằng “Nam Sách châu” ở đây là minh chứng chiếc bình cổ xuất xứ từ Nam Sách, Việt Nam chứ không thể từ Trung Quốc như người Thổ đang nhầm lẫn. 

Lá thư ông Makoto Anabuki là khởi đầu của hành trình năm lần khai quật ròng rã và liên tục. Vốn dĩ ban đầu người ta xem đó là sự nhầm lẫn. Xứ Hải Dương đúng là nổi tiếng về sứ đấy nhưng gốm thì gần như chưa nghe thấy bao giờ.

Các nhà khảo cổ, văn hóa lịch sử ưu tú nhất được huy động, may rồi cũng tìm được dấu tích ở làng Chu Đậu. Cả Chu Đậu bị xới tung theo đúng nghĩa đen để mà tìm kiếm.

Phải đến năm lần khai quật thì vết tích làng gốm cổ là mái vòm và những đế lò cũ cùng vô số gốm sứ được tìm thấy ở trong vườn nhà dân. Đáng giá hơn đó là di chỉ về một công xưởng chế tác gốm được tìm thấy lớn nhất từ trước đến nay, ngay cả những vùng gốm nổi danh khác chưa hề có.

Gốm Chu Đậu hôm nay. Ảnh: Gia Minh.

Gốm Chu Đậu hôm nay. Ảnh: Gia Minh.

Cũng từ lá thư của ông Makoto Anabuki, từ những gian nan trong nhiều năm lần theo từng vết tích đã tìm ra bà tổ của nghề gốm Chu Đậu – bà Bùi Thị Hý.

Có khá nhiều truyền thuyết, thậm chí cả tranh cãi, nhưng dựa trên những minh chứng đã được tìm thấy thì bà tổ gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý là một doanh nhân kiệt xuất vào thế kỷ 15, vốn người mạn Gia Lộc bây giờ nhưng lại lấy chồng là ông Đặng Sĩ, một chủ lò gốm có tiếng ở làng Chu Đậu.

Nói bà tổ ở đây là để ghi nhớ công lao bà Bùi Thị Hý bởi căn cứ vào sử liệu và những cuộc khai quật mộ chí, gia phả dòng họ Bùi và những cuộc trục vớt các con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm và vùng biển Pandanan những năm 1993-1997 đã chứng minh bà Bùi Thị Hý là một doanh nhân tài hoa, không những trực tiếp “hý bút” mà còn đưa gốm Chu Đậu giao thương khắp nơi trên thế giới. Ở đình làng Chu Đậu bây giờ vẫn còn bia ghi công vợ chồng ông Đặng Sĩ và bà Bùi Thị Hý, năm 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã truy tặng cúp Bông Hồng Vàng cho bà Tổ nghề gốm sứ Chu Đậu.

Trở lại với câu chuyện những người như ông Nguyễn Văn Lưu, ông Hạ Bá Định, sẽ không hề quá nếu nói rằng không có tâm sức của họ thì e rằng Chu Đậu đến giờ này vẫn còn trầy trật chứ đừng nói đến chuyện vang danh năm châu bốn bể.

Ông Nguyễn Văn Lưu. Ảnh: Gia Minh.

Ông Nguyễn Văn Lưu. Ảnh: Gia Minh.

Đầu năm 2000, khi Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) lên kế hoạch phục hồi gốm Chu Đậu thì Nguyễn Văn Lưu đang còn là anh cán bộ xuất nhập khẩu ở Sài Gòn.

Chỉ vì một câu nói “anh cũng là người Nam Sách đấy” của ông Tổng Giám đốc Hapro mà rời ngôi nhà khang trang ở Quận 7, bỏ lại “ba phiếu chống” cùng với ngổn ngang những lo toan của vợ con để “bẻ ghi” về Chu Đậu làm gốm.

Kiến thức về gốm mù tịt lại bị ném xuống ngôi làng chỉ còn là cái tên với nghề dệt chiếu cói và lái xe, ngay cả những bậc cao niên nhất Chu Đậu cũng không còn bất cứ ký ức nào về thứ nghề đã từng giúp tổ tiên họ vang danh.

Tôi mường tượng hoàn cảnh ông Lưu lúc đó đã không chán nản mà bê tha cũng có thể xem là rất may mắn. Một mình cựu thuyền trưởng hải quân đã hết đi kiếm tìm thợ giỏi khắp các vùng gốm sứ Bát Tràng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Uông Bí lại lân la vào Chu Đậu vận động dân làng với hi vọng mã gen làm gốm của tổ tiên xưa vẫn còn sót lại chút ít trên những đôi tay đã quen với nghề dệt và cầm vô lăng.

Mất đâu khoảng dăm năm mới thành công bước đầu khi những chiếc bình củ tỏi sau khi nung đã không còn ngoẹo cổ, vài ba năm nữa gốm mới có màu trắng ngà đặc trưng của Chu Đậu, thứ màu ông Lưu dám thách cao tằng tổ tỷ những nơi khác có thể làm được như thế.

Rằng chúng mày chỉ là thứ hàng chợ, hàng bình dân, như ta đây mới là hàng hiệu cao cấp. Phải là thuần Việt, phải là men trắng ngà, phải là vẽ thủ công, phải hun đúc từ khí thiêng sông núi, không dùng bất cứ một loại hóa chất nào…

Bây giờ ở Chu Đậu đã có ba doanh nghiệp sản xuất gốm sứ bề thế khang trang với hàng trăm nghệ nhân là người làng. Hóa ra cái “mã gen” từ những bậc tiền nhân ở Chu Đậu vẫn còn di truyền trong từng tế bào lớp hậu thế.

Hai mươi năm sau cú “bẻ ghi” từ Sài Gòn ông Lưu giờ đây thường vỗ ngực xưng mình là chuyên gia gốm Chu Đậu, thỉnh thoảng thấy xuất hiện trên truyền hình nói về gốm không khác gì chuyên gia.

Nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định. Ảnh: Gia Minh.

Nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định. Ảnh: Gia Minh.

Riêng nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định thì lại khác. Ông ấy cho rằng gốm đối với bản thân mình vừa là nghiệp là duyên lại vừa là trách nhiệm với tổ tiên, dòng dõi. Quê ông ở Bắc Ninh với nghề vẽ gốm gia truyền, thuở lên mười đã cầm bút nhưng phải hơn nửa đời người sau đó ông mới thấy mình trong gốm Chu Đậu, loại gốm bác học, tinh hoa. Ông ấy luôn cho rằng nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ họa là những tiêu chí tạo nên giá trị gốm Chu Đậu.

Trong giới vẽ gốm đã chia ra ba trường phái là công bút, phóng bút và thần bút. Gốm Chu Đậu thường được vẽ theo lối phóng bút nên giá trị nằm ở cách tạo hình tự nhiên, mềm mại, vẽ khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống dân giã của người Việt, hoa sen, hoa cúc, những nét vẽ sóng nước hình thang tạo hình như vương miện vua Hùng đính những lông chim lạc việt... Đó là vẻ đẹp thuần khiết Việt Nam không thể nào lẫn được.

Vẽ gốm. Ảnh: Gia Minh.

Vẽ gốm. Ảnh: Gia Minh.

II.

Người Trung Quốc, xứ sở vốn tinh anh về gốm sứ từng đúc kết có năm tiêu chí đỉnh cao, mỏng như giấy, sáng như gương, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông. Họ khẳng định, nhất sứ Giang Tây, nhất gốm Chu Đậu, nhất thế giới, một sự thừa nhận rất đáng để tự hào.

Trở lại với mảnh đất Chu Đậu và thử lý giải vì sao gốm nơi đây được coi là gốm đạo, gốm bác học, là tinh hoa của dân tộc mình, những người hiểu biết nơi đây vẫn chọn cách giải thích Chu Đậu là dòng gốm được tạo nên bằng phù sa của các dòng sông chảy qua nhiều vùng rừng núi, châu thổ ở miền Bắc hàng triệu năm trước khi lắng đọng tại vùng Lục Đầu giáp mạn Côn Sơn, Kiếp Bạc, dưới chân dãy núi Chí Linh.

Tương truyền đất sét ở vùng này nhờ vào đó mà nổi danh không kém đất sét vùng Giang Tô, Trung Quốc, quê hương của chiếc ấm Tử Sa quốc bảo. Theo các nhà khoa học phân tích, trầm tích của Lục Đầu Giang tạo ra thứ đất rất mỏng lẩn khuất dưới mấy tầng đất mặt, thứ đất này rất ít tạp chất, chứa nhiều khoáng chất, có độ dẻo cao, khó tan trong nước và rất mịn, cứ như thể sứ mệnh nó sinh ra là để dành cho gốm vậy. Đất sét Chí Linh đã hòa quyện với nước sông Lục Đầu, hòa quyện với sinh khí của một vùng đất vốn đóng góp cho đất nước nhiều bậc hiền tài mà thành thứ gốm thượng hạng.

Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt Nam. Ảnh: Gia Minh.

Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt Nam. Ảnh: Gia Minh.

Nhưng điều tạo nên giá trị bản sắc nhất của gốm Chu Đậu là men, loại men ngà đặc trưng được làm từ bí kíp của riêng người Chu Đậu nhiều thế kỷ trước.

Nghe kể, thuở Chu Đậu mới khai quật, những nhà khảo cổ, những chuyên gia nghiên cứu đã mất rất nhiều công sức tìm hiểu nhưng vẫn không tài nào lý giải nổi bí quyết nào có thể giúp những nghệ nhân Chu Đậu xưa đã tạo ra thứ men trác tuyệt, thứ men ngọc ngà châu báu, vừa cao sang lại vừa thuần Việt đến như thế. Đó là thứ gốm đạo, gốm bác học với men ngọc hoa lam và những họa tiết thuần Việt, biết là trong thành phần men gốm có tro nhưng là tro gì, tỉ lệ như thế nào thì lại chịu.

Mãi sau này, qua rất nhiều cuộc thử nghiệm, tìm tòi, những người tâm huyết, nặng lòng với Chu Đậu như ông Lưu, ông Định mới bàn nhau, nếu là tro thì trong dòng tro chỉ có tro nếp cái hoa vàng là đỉnh nhất, nước vo gạo nếp cái hoa vàng cũng có màu trắng ngà rất đẹp, thế mà thành công.

Hóa ra thứ nếp ăn chơi khi trổ đòng có màu vàng, vốn dùng đồ xôi, làm cốm ấy lại là mảnh ghép cuối cùng để kết hợp với đất sét Chí Linh và nước sông Lục Đầu để tạo ra thứ gốm tinh hoa Việt. Tro trấu nếp cái hoa vàng đem ủ men đến độ phun trộn vào sản phẩm gốm cộng với mực vẽ là son được lấy từ các dòng chảy từ trên núi, trên đồi đã tạo ra thứ gốm hoàn toàn không hóa chất.

Có những doanh nhân làm gốm từ nơi khác đến sẵn sàng trả tiền tỷ để đổi lấy công thức phối trộn màu men ngà đều phải lủi thủi ra về sau khi nghe câu trả lời: Tôi là Lưu Chu Đậu, chỉ bán gốm chứ không bán thêm thứ gì.

Bây giờ thì dòng men đó đã được xác lập độc bản kỷ lục Việt Nam, nghĩa là nó mãi mãi là của Chu Đậu và chỉ riêng Chu Đậu mà thôi.

Nói về Chu Đậu cũng phải khẳng định chính sự vào cuộc của doanh nghiệp đã cùng với tâm sức của thầy, của thợ đã đưa gốm Chu Đậu lên một tầm cao mới, tinh hoa hơn, đẳng cấp hơn nhưng cũng thuần Việt hơn.

Với 500 lao động tại địa phương, doanh số ước đạt 400 tỷ đồng/năm cùng với sự kiện ra mắt Điểm du lịch làng nghề gốm Chu Đậu năm 2019, hoàn toàn có thể tin tưởng Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu, Hapro, Tập đoàn BRG trong việc phục hưng dòng gốm cổ, tiếp tục đưa Chu Đậu vươn tầm.

Theo thống kê hiện các tác phẩm gốm Chu Đậu đã được trân trọng bảo quản và trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng ở 32 quốc gia, trong đó có thủ đô Tokyo của Nhật Bản, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố New York của Mỹ... Những bình, những lọ từ Chu Đậu cũng từ làng này mà đi khắp hơn 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giấc mơ biển lớn là câu chuyện tất yếu nhưng sẽ không vì thế mà bỏ quên những giá trị cốt lõi.

Tôi theo chân một đám thợ lò để xem họ làm bột bộ gốm dùng cho việc thờ cúng. Đó có lẽ là những sản phẩm không thể nào thuần Việt hơn. Gốm Chu Đậu, họa tiết hoa cúc, hoa sen, họa tiết lông chim Lạc Việt thể hiện truyền thống con Lạc cháu Rồng. Những bậc nghệ nhân ở đây nói, đang có một sự chuyển biến rất lớn từ những điều tưởng chừng là nhỏ, thứ phải thuần Việt trước tiên là chỗ thờ phụng tổ tiên mình, dân tộc mình.

Nghe thế lại nhớ câu chuyện năm 2019. Ai đó đã rất tài tình khi đặt chiếc đĩa gốm Chu Đậu có viết một nghìn chữ Long tại không gian đẹp nhất Hà Nội, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ.

Đó là chiếc đĩa gốm đã được vinh danh Kỷ lục thế giới, được viết bằng thư pháp bởi nhà thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý, người đã sáng tạo ra hai lối viết thư pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”.

Theo lối viết ấy, Nhân diện thư - Chữ là người, mỗi chữ Long có thể là một dũng tướng bảo vệ thành Thăng Long, một nhà nho suy tư bên ngòi bút lông, anh bộ đội cầm súng bảo vệ Tổ quốc, anh hải quân với biển khơi lộng gió, em bé bên quyển sách, sinh viên thi đỗ thủ khoa… Vật điểu thư - Chữ là vật, là cây đàn, lá, hoa, con cá, con tôm, quyển sách, cây bút, lưỡng cực âm dương hay bình gốm.

Nhìn cả nghìn chữ “Long” được biến hóa khôn lường theo dáng rồng chầu, rồng ẩn, rồng múa, rồng bay và bản đồ Việt Nam có đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại được phủ dưới lớp men tro trấu đặc trưng của gốm Chu Đậu, những chữ Long chứa đựng cả hồn dân tộc, chứa trí tuệ và tài năng của người Việt Nam chợt nhận ra, không có một tác phẩm thủ công mỹ nghệ nào làm được điều như gốm Chu Đậu - gốm dân tộc Việt Nam.

Gốm Chu Đậu - Gốm Việt Nam. Ảnh: Gia Minh.

Gốm Chu Đậu - Gốm Việt Nam. Ảnh: Gia Minh.

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

Hơn 1.400 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực IV

13 đoàn với 1.468 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, khu vực IV năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.