| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ - Sức bật cho đam mê nông nghiệp

Nhiệt Đới Farm & chuyện cải tạo công nghệ trồng rau tiên tiến

Thứ Tư 06/04/2022 , 08:20 (GMT+7)

Không bằng lòng với công nghệ từ Israel, Nhiệt Đới Farm đã mạnh dạn cải tiến cách làm và trang thiết bị phù hợp với thực tế địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đoàn công tác của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai khảo sát mô hình trồng rau thủy canh Nhiệt Đới Farm của chị Cao Diễm Thúy. Ảnh: Trần Trung.

Đoàn công tác của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai khảo sát mô hình trồng rau thủy canh Nhiệt Đới Farm của chị Cao Diễm Thúy. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình rau thủy canh “siêu chuẩn”

Nằm giữa trung tâm TP. Biên Hòa đầy sôi động, nông trại trồng rau thủy canh Nhiệt Đới Farm của chị Cao Diễm Thúy tại KP.4A, phường Trảng Dài là mô hình rau công nghệ cao Israel đầu tiên được thực hiện tại địa phương. Với việc được đầu tư quy mô, bài bản, khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, sản phẩm của Nhiệt Đới Farm đang được cung ứng cho những siêu thị uy tín trong khu vực, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất.

Chúng tôi có dịp theo chân ông Nguyễn Chí Hiền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đến thăm mô hình trồng rau thủy canh của chị Thúy đúng vào lúc vườn rau quả sắp cho thu hoạch. Đáng chú ý, với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ phương pháp trồng thủy canh chỉ dành cho các loại rau có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bằng một góc nhìn khác biệt, để phục vụ mọi đối tượng khách hàng, bên cạnh các loại rau cao cấp, những loại rau quen thuộc như muống, mồng tơi cũng được nông trại đưa vào sản xuất. Và điều đáng ngạc nhiên hơn, chủ trang trại ấy là một cô gái trẻ ở thế hệ 9x.

Bên cạnh các loại rau cao cấp, những loại rau quen thuộc như rau muống cũng được chị Thúy đưa vào canh tác nhằm phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh các loại rau cao cấp, những loại rau quen thuộc như rau muống cũng được chị Thúy đưa vào canh tác nhằm phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. Ảnh: Trần Trung.

Đứng bên cạnh những luống rau muống, mồng tơi, rau cải xanh mướt trông thật ngon mắt, chị Thúy cho biết, trước vấn nạn thực phẩm thiếu an toàn đang hoành hành, thì nông sản sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Điều đó đang mở ra cơ hội khởi nghiệp của những người trẻ trong nông nghiệp.

Năm 2017, chị tiếp quản vườn rau công nghệ cao của gia đình. Tuy nhiên, mặc dù cơ sở hạ tầng trồng rau cơ bản được hoàn thiện nhưng vườn rau vẫn phát triển rất chậm, thậm chí bị héo úa, kém chất lượng. Sau khi mày mò nghiên cứu chị phát hiện, việc sử dụng nhà kính để trồng rau tại vùng có khí hậu nóng ẩm như Đồng Nai là không phù hợp.

Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị nhập khẩu từ Israel có một số điểm chưa tương đồng với mô hình. Chị mạnh dạn thay thế toàn bộ hệ thống nhà kính sang dùng nhà mành lưới, đồng thời cải tiến trang thiết bị, qua đó phát huy tối đa hiệu quả canh tác.

Hệ thống Thủy canh hồi lưu được xây dựng ở trung tâm vườn giúp điều tiết nước hợp lý. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống Thủy canh hồi lưu được xây dựng ở trung tâm vườn giúp điều tiết nước hợp lý. Ảnh: Trần Trung.

Theo chị Thúy, trồng rau thủy canh là một hình thức trồng rau bằng dung dịch dinh dưỡng, không dùng đến đất. Dung dịch dinh dưỡng được bơm trực tiếp và liên tục từ bồn chứa. Thông qua hệ thống ống dẫn tự động, chất dinh dưỡng được bơm đến từng gốc rau. Hiện có hai hình thức là thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu. Với trồng rau thủy canh quy mô công nghiệp, hình thức thủy canh hồi lưu màng mỏng là phương pháp tối ưu nhất.

“Thủy canh hồi lưu màng mỏng có thể hiểu là khi dung dịch thủy canh được bơm thông qua ống từ bể chứa, các chất dinh dưỡng sẽ hòa với nước và chảy qua các ống thủy canh có độ dốc nhất định. Từ đó sẽ tạo ra một màng dinh dưỡng mỏng bám vào rễ cây. Rễ hấp thụ dinh dưỡng và nuôi rau trồng phát triển. Phần nước còn lại sẽ chảy ngược lại vào bể chứa.

Đây là một phương pháp trồng không tốn về đất, có thể giảm được 90% nước tưới, 60% nhân công và hiệu quả đạt được gấp 2 đến 3 lần rau trồng bình thường, giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất”, chị Thúy chia sẻ.

Tất cả các loại phân thuốc được sử dụng đều có nguồn gốc từ chế phẩm sinh học. Ảnh: Trần Trung.

Tất cả các loại phân thuốc được sử dụng đều có nguồn gốc từ chế phẩm sinh học. Ảnh: Trần Trung.

Chị Thúy cho biết thêm, thay vì trồng cố định 1 loại rau, hiện trang trại canh tác hơn 15 loại rau các loại, với mỗi loại cây khác nhau, thời gian thu hoạch và cách thức thu hoạch sẽ khác nhau. Tuy có phần vất vả hơn nhưng đổi lại lúc nào trong vườn cũng có rau để thu hoạch và hướng tới nhiều đối tượng khách hàng.

Hiện tại mỗi ngày trang trại của chị thu hoạch từ 300-500kg rau, củ các loại và được phân phối cho các một số siêu thị uy tín với giá bán dao động từ 30-50 ngàn đồng/kg tùy loại, bình quân mỗi tháng đem lại lợi nhuận cho trang trại  từ 150-200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

“Ưu điểm rất lớn của rau thủy canh là hạn chế được một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp (sản phẩm bị hư thối, dập nát). Cùng với đó, sản lượng rau thu được trên cùng diện tích canh tác cao hơn nhiều so với cách trồng truyền thống. Nhờ vậy, giúp nâng cao năng suất trung bình của cây rau. Mặt khác, rau được sản xuất ra đảm bảo tiêu chí sạch nên được thị trường rất ưa chuộng. Dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng việc xoay vòng vốn khi trồng rau thủy canh lại dễ và liên tục vì thời gian cho rau thành phẩm nhanh.

Hệ thống tưới được cải tiến thành dạng phun sương giúp tiết kiệm nước, rau hấp thu nhanh. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống tưới được cải tiến thành dạng phun sương giúp tiết kiệm nước, rau hấp thu nhanh. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh việc tái đầu tư cho mô hình, thời gian tới, tôi còn tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm mô hình nuôi cá kết hợp vườn rau thủy canh nhằm hướng tới phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông trại, hướng đến các đối tượng là những người trẻ thích tìm hiểu về nông nghiệp”, chị Thúy tiết lộ.

Khuyến khích đổi mới sáng tạo 

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong bối cảnh diện tích đất tại các đô thị ngày một thu hẹp, thời gian qua, địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết các mô hình được nông dân áp dụng khá hiệu quả, phù hợp với diện tích đất và không gian của từng gia đình; trong đó có Nhiệt Đới Farm của chị Cao Diễm Thúy làm chủ là một trong những mô hình đột phá tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai đánh giá cao mô hình rau thủy canh của Nhiệt Đới Farm. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai đánh giá cao mô hình rau thủy canh của Nhiệt Đới Farm. Ảnh: Trần Trung.

Để phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao nói riêng và ngành nông nghiệp địa phương nói chung, thời gian gần đây, hàng loạt đề án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Trong đó, đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được cho là một trong những dự án đột phá, góp phần thay đổi về “chất” trong lĩnh vực trồng trọt, không chỉ tại các vùng nông thôn mà còn tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đề án nhằm tiếp thu có chọn lọc các công nghệ của thế giới nói chung và Israel để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Mục tiêu đề án là chọn những nông sản thế mạnh để đẩy mạnh chuyển giao hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng quốc tế. Trong đó, khuyến khích các loại hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường…

Mô hình rau thủy canh được xem là mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao hiệu quả tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình rau thủy canh được xem là mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao hiệu quả tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

“Trong giai đoạn mới, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là một trong những đề án cấp thiết.

"Thông qua đề án, địa phương phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích cây trồng được áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao một phần hoặc toàn phần vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% giá trị toàn ngành nông nghiệp…”, ông Nguyễn Chí Hiền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.