Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc. Mới đây, trong bài viết "chống lãng phí", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh cần tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai Dự án đường dây 500kV mạch 3 cho các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia. Vậy quá trình triển khai Dự án đường dây 500kV mạch 3 có gì đặc biệt?
Khi dự án nhận được sự chung sức của cả hệ thống chính trị
Dự án đường dây 500kV mạch 3 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột, đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. Đây là các công trình truyền tải điện có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, bổ sung công suất từ khu vực Bắc Trung Bộ cho khu vực miền Bắc, giảm tải cho các đường dây 500kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, của Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ của các bộ ngành, địa phương và người dân, EVN/EVNNPT đã nỗ lực để sau hơn 6 tháng đã hoàn thành thi công, đóng điện theo đúng tiến độ được giao. Đây là thành tích nổi bật đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, sự ghi nhận của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và người dân.
Theo lãnh đạo EVNNPT, đầu tiên phải kể đến công tác chuẩn bị đầu tư khi chỉ sau gần 5 tháng kể từ thời điểm quyết định triển khai, các Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư/điều chỉnh chủ trương đầu tư cùng với chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đây là thời gian ngắn kỷ lục, trong khi các dự án có quy mô tương tự phải mất từ 2-3 năm.
Trong công tác lựa chọn nhà thầu, tổng cộng các Dự án có 226 gói thầu, EVNNPT cùng các Ban quản lý dự án đã tập trung mọi nhân lực có chuyên môn, tổ chức xét thầu tập trung, làm ngày đêm, không có ngày nghỉ. Kết quả là đã hoàn thành trong khoảng 60 ngày.
Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Dự án có khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 183ha, ảnh hưởng đến 5.248 hộ dân và 96 tổ chức, trong đó có 167 hộ dân phải di dời tái định cư.
Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, sự vào cuộc của các tỉnh và sự đồng tình ủng hộ của bà con nhân dân 9 tỉnh, kết quả là đến ngày 8/3/2024 đã hoàn thành bàn giao xong mặt bằng 1.177/1.177 vị trí móng, ngày 17/6/2024 bàn giao xong hành lang tuyến cho 513/513 khoảng néo. Tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh kỷ lục là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của các Dự án.
Trong quá trình thi công xây dựng, trên công trường đã gặp không ít khó khăn thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua được như: Khó khăn về huy động máy đóng/ép cọc công suất lớn để thi công đồng loạt 239/1.177 vị trí móng cọc trong thời gian ngắn, dẫn đến thiếu hụt cục bộ. Khó khăn về địa hình tuyến với nhiều vị trí qua ao hồ, đầm lầy, trên đồi núi cao, đường lên các vị trí móng cột dài, dốc rất khó khăn khi trời mưa trơn trượt.
Khó khăn về công tác gia công cột thép khi trọng lượng cột thép phải gia công là 139.000 tấn, trong đó khối lượng sản xuất trong nước là 114.000 tấn. Đây là khối lượng sản xuất lớn, trong khoảng thời gian rất ngắn nên đã vượt quá năng lực sản xuất bình thường của các đơn vị sản xuất trong nước. Khó khăn về huy động lực lượng thi công dựng cột, kéo dây và khó khăn về điều kiện thời tiết bất lợi…
Tuy nhiên, để hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN/EVNNPT cùng các Ban QLDA đã phối hợp với các nhà thầu tập trung nhân lực, máy thi công triển khai thi công ngay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “4 tại chỗ”, thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm việc xuyên lễ, tết, ngày nghỉ”.
Kết quả là sau hơn 6 tháng thi công, Dự án đường dây 500kV Nam Định I - Thanh Hóa cùng các dự án đồng bộ Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa đã đóng điện ngày 30/6/2024. Hai Dự án đường dây 500kV Nam Định I - Phố Nối và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa đóng điện ngày 19/8/2024 và dự án cuối cùng là đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đóng điện thông mạch ngày 27/8/2024.
Như vậy đến nay, ngành Điện Việt Nam đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 4 mạch đường dây truyền tải điện 500kV từ Bắc vào Nam với chiều dài của mỗi đường dây hơn 1.500km kéo dài suốt dọc chiều dài đất nước. Trong đó, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 được đóng điện vận hành ngày 27/5/1994, tiếp theo đường dây 500kV mạch 2 vận hành ngày 23/9/2005 và ngày 27/8 vừa qua các cung đoạn cuối cùng của hai mạch đường dây 500kV mạch 3 đã được hoàn thành thi công và đưa vào vận hành.
6 bài học trong triển khai thi công Dự án
Nếu như đường dây 500 kV mạch 1 được thực hiện bằng tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, đường dây 500kV mạch 2 bằng tinh thần phát huy nội lực và chứng minh khả năng tự cường dân tộc, thì Dự án đường dây 500kV mạch 3 được thực hiện trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, người dân đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, đổi mới cách làm để đưa Dự án về đích đúng tiến độ. Từ thành công của các Dự án mạch 3, EVN và EVNNPT đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, đó là:
Thứ nhất, là về công tác chỉ đạo: các dự án có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt thường xuyên, liên tục của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chính quyền huyện, xã đến các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.
Thứ hai, là về công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện: Như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ ra “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, dễ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá”.
Hằng tháng, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp họp để kiểm tra tiến độ và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành Năng lượng tổ chức họp định kỳ 2 tuần/ lần dưới sự chủ trì của Phó Trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, phân rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết để thúc đẩy tiến độ. Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạo điều kiện cao nhất để các vật tư thiết bị nhập khẩu được thông quan nhanh nhất. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND quyết liệt chỉ đạo các sở ngành, địa phương đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng.
Lãnh đạo EVN/EVNNPT và các Ban QLDA thường trực có mặt tại công trường, tại các nhà máy, giao trách nhiệm cụ thể cho mỗi đơn vị, mỗi cán bộ để đôn đốc tiến độ hàng ngày, hàng tuần. Các nhà thầu TVTK, chế tạo cột thép, nhà thầu xây lắp bố trí Lãnh đạo có thẩm quyền bám trực tại công trường, nhà máy để chỉ huy đến từng tổ/đội/nhóm, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Thứ ba, là sự chung sức đồng lòng các cấp chính quyền và người dân địa phương: người dân tại các địa phương đã ủng hộ dự án, nhường chỗ ở, đất sản xuất, tích cực hỗ trợ công tác hậu cần, cung cấp nguyên vật liệu, máy thi công, tham gia thi công các hạng mục phù hợp với năng lực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “4 tại chỗ”.
Kết quả các dự án đã huy động 92% tổng số máy thi công, gần 90% lao động phổ thông; mua vật liệu xây dựng của 226 Công ty, chiếm 95% tổng khối lượng tại địa phương. Đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng người dân đã sớm đồng thuận với chủ trương, chính sách nên hầu như không xảy ra khiếu kiện.
Thứ tư, là sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các lực lượng tham gia xây dựng: phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng Quân đội, Công an nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các Tập đoàn nhà nước, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ các địa phương đã cùng với EVN/EVNNPT, các nhà thầu phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả theo đúng tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng". EVN, EVNNPT phát huy toàn bộ sức mạnh nội sinh và tinh thần xung kích của mình, huy động hơn 3.300 cán bộ, công nhân trong các đơn vị của ngành Điện trên mọi miền đất nước tình nguyện tham gia tiếp sức, hỗ trợ thi công các Dự án.
Thứ năm, là vai trò quan trọng của công tác truyền thông: Các cơ quan truyền hình, báo chí ở trung ương và địa phương đã không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, kịp thời có mặt tại công trường để ghi nhận và đưa tin, tạo nên nhiều bài báo, thước phim với nhiều hình ảnh đẹp về cán bộ, kỹ sư, công nhân đang lao động trên công trường, góp phần động viên, tạo động lực và lan tỏa cảm hứng hăng say lao động đến các công trình quan trọng, trọng điểm khác của đất nước.
Tính từ khi Dự án được khởi công đến thời điểm hoàn thành, đóng điện đã có hơn 6.000 tin bài được đăng tải trên các phương tiện truyền thông khác nhau như truyền hình quốc gia/địa phương, báo điện tử, báo giấy, mạng xã hội, thu hút sự quan tâm theo dõi và tương tác của nhiều triệu lượt khán giả, bạn đọc trên mọi miền đất nước.
Thứ sáu, là vai trò của công tác thi đua, động viên tinh thần hăng say lao động: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phát động/sơ kết nhiều phong trào thi đua. Các phong trào được chủ đầu tư, gần 300 nhà thầu và các đơn vị liên quan với khoảng 23.000 người lao động nhiệt tình hưởng ứng, quyết tâm thi công các Dự án đúng tiến độ, chất lượng, chăm lo đầy đủ các chế độ và điều kiện làm việc cho người lao động, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trên công trường.