| Hotline: 0983.970.780

Nhiều chủ tàu Cảng Cái Rồng 'tha thiết' xin không về Cảng Ao Tiên

Chủ Nhật 19/02/2023 , 19:10 (GMT+7)

QUẢNG NINH Nhiều chủ tàu đang hoạt động ở Cảng Cái Rồng đã làm đơn xin tỉnh Quảng Ninh không di dời sang Cảng Ao Tiên (huyện Vân Đồn) do quá nhiều bất cập.

UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, trong tháng 2, địa phương này sẽ thực hiện xong việc di chuyển phương tiện thủy vận chuyển khách từ Cảng Cái Rồng sang Cảng Ao Tiên để phục vụ vận chuyển khách đi tuyến đảo. Bắt đầu từ 28/2, bến cảng Ao Tiên sẽ chính thức hoạt động.

Bến cảng cao cấp Ao Tiên.

Bến cảng cao cấp Ao Tiên.

Cảng Ao Tiên được khánh thành vào ngày 31/10/2022 nhưng chưa thể đi vào hoạt động do phải chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền mở luồng tuyến từ đảo Cô Tô; các xã đảo huyện Vân Đồn đến cảng này.

Ngoài ra, hợp đồng giữa các tàu chở khách vẫn còn hiệu lực tại Cảng Cái Rồng nên bắt đầu từ năm 2023, chính quyền địa phương thực hiện việc rà soát các phương tiện vận tải khách đường thủy thuộc diện phải di chuyển sẽ xong trước ngày 12/2; đồng thời xây dựng phương án di dời xong trước ngày 20/2.

Sau khi di chuyển các phương tiện vận tải khách đường thủy sang cảng tàu cao cấp Ao Tiên, Cảng Cái Rồng trở thành cảng tàu chuyên dụng, chủ yếu phục vụ cho các phương tiện đánh bắt hải sản.

Gà, vịt, lợn, mèo cũng qua Cảng quốc tế Ao Tiên?

Khi biết tin huyện Vân Đồn có kế hoạch di chuyển hết tàu khách ở Cảng Cái Rồng sang Cảng Ao Tiên, ngày 14/2, một loạt chủ tàu khách ở Cảng Cái Rồng đã có đơn kiến nghị, phản đối chủ trương trên.

Nhiều chủ tàu khách ở Cảng Cái Rồng không muốn di dời sang Cảng Ao Tiên. Ảnh: Tàu chở khách tại Cảng Cái Rồng đi các xã đảo

Nhiều chủ tàu khách ở Cảng Cái Rồng không muốn di dời sang Cảng Ao Tiên. Ảnh: Tàu chở khách tại Cảng Cái Rồng đi các xã đảo

Đơn được các chủ tàu gửi đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn và Ban quản lý Cảng Cái Rồng.

Trong đơn, đội tàu khách chợ tuyến cố định từ Cảng Cái Rồng đi các xã đảo, cho rằng Cảng quốc tế Ao Tiên xây dựng và phát triển theo hướng tầm cỡ quốc tế, chuyên phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Điều này thực sự không phù hợp với tàu chợ chuyên phục vụ bà con nhân dân các xã đảo đi lại làm việc, mua sắm nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, lợn, gà...

"Hiện trạng xây dựng Cảng quốc tế Ao Tiên chỉ phù hợp với những tàu du lịch nhiều tầng. Tàu chợ nhỏ bé đỗ lọt thỏm xuống sâu, việc vận chuyển hàng hóa là vô cùng khó, nguy hiểm, không an toàn", các chủ tàu nêu thêm lý do.

Cũng theo các chủ tàu, cuộc sống của người dân xã đảo hiện còn nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 kéo dài, ngao hàu nuôi chết dịch; vừa qua lại có chủ trương thay phao nhựa khiến nhiều hộ dân gần như đều phải vay lãi ngân hàng để làm ăn.

Do đó, nếu di chuyển tàu xuống Cảng Quốc tế Ao Tiên thì chi phí cho một chuyến đi phát sinh thêm nhiều, như: Qua cổng 30.000 đồng/khách, xe ôm từ cảng lên trung tâm huyện đến chợ là 50.000 đồng/người. Không những tốn kém về tiền bạc mà còn ảnh hưởng nhiều đến thời gian khi người dân tranh thủ vào huyện giải quyết công việc, mua sắm.

"Hành trình vận tải, cung đường hoạt động quá xa. Chi phí nhiên liệu lớn, thu không đủ chi gây khó khăn cho các chủ tàu. Cộng thêm chi phí hoạt động tại Cảng quốc tế sẽ cao gấp nhiều lần so với cảng cũ. Vậy, liệu người dân chúng tôi có tồn tại để hoạt động được không?", các chủ đầu lo lắng, đặt câu hỏi.

Theo các chủ tàu, Cảng Cái Rồng hiện vẫn đang hoạt động tốt, luồng lạch được nạo vét khơi thông, chỗ neo đậu an toàn, rất thuận tiện cho người dân các xã đảo đi lại.

Với những lập luận trên, đội tàu chợ Cảng Cái Rồng bày tỏ nguyện vọng, "mong các cấp lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, các ban ngành đoàn thể có liên quan nhìn xa trông rộng, hãy thấu hiểu đến cuộc sống hiện tại của người dân các xã đảo để cùng đồng hành, sẻ chia những khó khăn với họ. Chúng tôi tha thiết gửi tới các cấp lãnh đạo cho đội tàu chợ chúng tôi được duy trì hoạt động tại Cảng Cái Rồng để thuận tiện phục vụ bà con nhân dân các xã đảo".

Cảng Ao Tiên được khởi công từ tháng 4/2022, nằm trong khu đô thị Ao Tiên từng gây xôn xao dư luận, với hòn non bộ khổng lồ. Đây là bến thủy nội địa cấp I chuyên dùng phục vụ vận tải khách du lịch từ Vân Đồn đi các đảo và các điểm tham quan trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long.

Bến cảng được đầu tư xây dựng tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, có quy mô gần 30 ha; trong đó, diện tích mặt đất 5,9 ha, còn lại là mặt nước. Tổng vốn đầu tư hơn 610 tỉ đồng, do Công ty TNHH MTV du lịch Mai Quyền làm chủ đầu tư.

Công trình được thiết kế 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m, dài 150m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu.

Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng 8.000m2, công suất thiết kế 2,6 triệu lượt khách/năm ở giai đoạn 2020 - 2025 và mở rộng lên 3,2 triệu lượt khách/năm, giai đoạn 2025 - 2030 và đến năm 2040 công suất tối đa khoảng 4,2 triệu lượt khách/năm; được tích hợp nhiều tiện ích, phân khu chức năng như: đón hành khách, bán vé, nhà chờ, dịch vụ phụ trợ đi kèm...

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.