Vừa qua, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), cho biết, Luật Thủy lợi được Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Quang cảnh hội nghị triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi |
Luật ra đời có nhiều điểm mới. Cụ thể về việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi (CTTL) và vận hành thủy điện phục vụ thủy lợi, tại chương 4, điều 28 nêu rõ: Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, liên hồ chứa phục vụ thủy lợi phải tuân thủ quy định của pháp luật về tài nguyên nước và đáp ứng yêu cầu sự dụng nước ở hạ du; ưu tiến cấp nước sinh hoạt, SX nông nghiệp…
Còn việc vận hành hồ chứa thủy điện, liên hồ chứa phục vụ thủy lợi theo đúng quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các yêu cầu khác. Ví dụ khi xảy ra hạn hán, thiếu nước phải sử dụng lượng nước trữ còn lại trong hồ chứa để phục vụ sinh hoạt, SX nông nghiệp và nhu cầu cần thiết khác…
Điểm mới nữa là trong việc bảo vệ và đảm bảo an toàn CTTL, thì chủ sở hữu, chủ công trình và tổ chức, cá nhân khai thác hồ chứa phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho đập, hồ chứa nước và đây là ưu tiên cao nhất trong quản lý, khai thác CTTL.
Một quy định mới được xem như cuộc cách mạng trong ngành thủy lợi, đó là chuyển từ ''phí'' sang ''giá'' sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; đảm bảo hiệu quả khai thác, sử dụng nước, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách nhà nước cho đầu tư, xây dựng công trình thủy lợi. Đồng thời giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong SX, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả...
Sau khi nghe triển khai các văn hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi, nhiều đại biểu nêu ra các vướng mắc trong triển khai các Nghị định về thủy lợi. Ông Trương Văn Tý, Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết, NĐ 129/2017/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi có bất cập, là hầu hết các công trình ở địa phương không có sổ sách gì, nên việc thống kê tài sản, để bàn giao quản lý rất khó.
Bên cạnh đó, ông Tý cho biết, NĐ 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước lại chưa quy định bước chuyển tiếp về phê duyệt phương án phòng ngập lụt hạ du đập.
Liên quan vấn đề quản lý tài sản, ông Hoàng Văn Hùng, PGĐ Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, cho rằng, mẫu biên bản hướng dẫn báo cáo kê khai tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi có yêu cầu xác định diện tích đất bằng m2, thì khó xác định. Bởi lâu nay với công trình thủy lợi, Sở TN-MT không cấp sổ và chỉ tính theo chiều dài kênh mương bằng km.
Ngoài ra, NĐ 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, đại biểu cũng cho rằng việc xây dựng giá sản phẩm cũng khó thực hiện.
Dù còn những khiếm khuyết nhưng đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết, hiện hệ thống luật pháp về thủy lợi đã tương đối hoàn thiện. Quan trọng nhất là phải tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tế. Về phía Tổng cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ NN-PTNT để ban hành văn gửi UBND các tỉnh, các ngành liên quan hướng dẫn thực hiện luật.