| Hotline: 0983.970.780

Nhớ một trận đấu đặc biệt của bóng đá Việt Nam

Thứ Ba 02/05/2017 , 13:55 (GMT+7)

Tháng Tư đến, tôi nhớ về một trận đấu đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Trận cầu đoàn tụ... Chuyện diễn ra vào cuối năm 1976, hơn một năm sau ngày đất nước thống nhất.

Sài Gòn tháng Tư, lá me vẫn reo vui trên những con phố thân quen. Sài Gòn tháng Tư, nếu yêu, bạn có thể nghe thấy cả tiếng cá quẫy trên kênh Nhiêu Lộc. Sài Gòn tháng Tư, vẫn ngổn ngang đây đó công trình tàu điện ngầm... Cuộc sống vẫn hối hả trôi đi và trái bóng mang hình trái đất vẫn mải miết lăn trên những sân vận động hoành tráng, cả trên những bãi hoang, những đường mòn trên mọi miền đất nước.

Tháng Tư đến, tôi nhớ về một trận đấu đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Trận cầu đoàn tụ...

cc-lo-tuong-cng-sg-v-tc-ds-gp-li-nhu-su-40-nm150122343
Các lão tướng Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt gặp lại nhau sau 40 năm

Chuyện diễn ra vào cuối năm 1976, hơn một năm sau ngày đất nước thống nhất. Đội Tổng cục Đường sắt do huấn luyện viên Trần Duy Long dẫn dắt vinh dự đại diện cho bóng đá miền Bắc vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tiếng là phục vụ đồng bào miền Nam, nhưng trong thâm tâm từng người khi đó là một dịp hội ngộ thể thao hai miền, là một cuộc hội ngộ và giao lưu mà tất thảy cùng mong đợi khi đất nước đã im tiếng súng.

Tổng liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức dạ tiệc sang trọng chiêu đãi ba đội bóng tiêu biểu cho cả nước lúc đó: Hải Quan TP.HCM, Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn. 

Sự tò mò, háo hức của dân mộ điệu Sài Gòn lên đến tột đỉnh.

Hơn hai vạn khán giả đã đến sân Thống Nhất, tràn xuống cả đường pít. Họ muốn tận mắt chứng kiến những chàng trai Hà Nội đã từng được tập huấn châu Âu, từng được nhiều thế hệ huấn luyện viên các nước xã hội chủ nghĩa dìu dắt.

Người Sài Gòn và cả giới bóng đá thành phố khi đó bàn tán râm ran về ba chàng trai mới tròn 20 tuổi được đứng trong đội hình chính thức. Đó là thủ môn Trường Sinh, trung vệ Lê Khắc Chính và hậu vệ phải Nguyễn Ngọc Phương, cả ba cùng sinh năm 1956. Họ cũng muốn được xem Long Kiev trổ tài trên băng ghế huấn luyện, bởi lẽ huấn luyện viên Trần Duy Long tu nghiệp ở Học viện Thể thao Kiev. 

Thập niên 70, bóng đá miền Bắc mang đậm dấu ấn của bóng đá Đông Âu. Các mảng miếng chiến thuật rõ nét. Chơi bóng dài, lật cánh đánh đầu và những cú sút xa uy lực.

Các đội miền Nam chơi khác hẳn, lấy khả năng cầm bóng, cảm hứng của các ngôi sao làm nền tảng cho lối chơi. Đan bóng ngắn, nhuần nhuyễn, đẹp mắt. Họ ít dãn biên, chủ yếu bật tường trung lộ (người Nam bộ gọi là chiến thuật "một - hai") xộc thẳng vào vòng cấm. Cảng Sài Gòn hội tụ đầy đủ nhũng nét tinh tú của bóng đá miền Nam khi ấy được cử đón tiếp Tổng cục Đường sắt.

Cảng Sài Gòn chơi với đội hình 4-2-4. Thủ môn Lưu Kim Hoàng. Hậu vệ Văn Thuận - Tam Lang - Lê Đình Thăng - Văn Trung. Tiền vệ Dương Văn Thà - Nguyễn Văn Mười. Tiền đạo hai cánh là Nguyễn Văn Ngọc (phải) - Nguyễn Văn Ngôn (trái).  Cặp trung phong là Tư Lê - Nguyễn Văn Xinh.

Tổng cục Đường sắt vừa có chuyến du đấu Trung Quốc rất thành công. Họ chơi 4-3-3 với bộ khung ít thay đổi: Thủ môn Nguyễn Trường Sinh. Hậu vệ Phương “tròn”, Chính “cối”, Từ Như Quang, Thế Vinh. Tiền vệ Thành “thủ, Phạm Kỳ Thụy và Lê Thụy Hải. Tiền đạo Nguyễn Minh Điểm cánh phải, Hoàng Gia cánh trái. Trung phong cắm Mai Đức Chung và Nguyễn Văn Lộc thay phiên.

Năm đó, trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang và trung phong Tư Lê đều đã 34 tuổi. Thời đỉnh cao đã qua nhưng nhờ sinh hoạt điều độ nên hai ông vẫn đủ sức đối đầu với những chàng trai đôi mươi. Hàng tiền vệ trẻ hơn với hai ngôi sao Dương Văn Thà và Nguyễn Văn Mười, nhưng cũng đã 32.

Cú sút từ khoảng cách 30m của tiền vệ Lê Thụy Hải (giờ khi về già, ông lại được giới hâm mộ chèn thêm cho một tên lóng - Hải “lơ”, nghe cũng thật dân dã, gần gũi) găm vào góc cao thủ môn Lưu Kim Hoàng, nâng tỉ số lên 2-0 là một trong những bàn thắng đẹp nhất trong một sự nghiệp lẫy lừng. Có thể nói, khán giả Sài Gòn còn rất lạ lẫm với cú sút xa uy lực và hiệu quả đến thế.

Sau khi thắng trận mở màn 2-0 trước Cảng Sài Gòn, Tổng cục Đường sắt đi Tây Ninh thắng 3-1. Thắng Đồng Tháp 2-0 trên sân Sa Đéc, thắng Cần thơ 3-0. Trận cuối cùng về lại sân Thống nhất thua Hải Quan TP.HCM 1-2.

Kết quả trận đấu không thực sự quan trọng. Đất nước thống nhất từ 30/4/1975, nhưng đến ngày 17/11/1976 bóng đá Việt Nam mới thực sự hoà hợp qua trận bong mà anh em trong nghề chúng tôi vẫn gọi là “trận cầu đoàn tụ”, trận cầu thể hiện và gắn bó tình cảm hai miền Nam - Bắc...

Tròn 40 năm sau “trận cầu đoàn tụ”, tôi có may mắn được trực tiếp gặp gỡ và chứng kiến cuộc trùng phùng của những người “muôn năm cũ”. Chứng kiến giây phút xúc động họ ôm nhau, trao quà cho nhau... Thật tiếc là danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang không còn để cùng các đồng đội, cùng với Hoàng Gia, Lê Thụy Hải, Chính “cối”, Phương “tròn”... tái hiện lại trận cầu mãi mãi đi vào lịch sử thể thao nước nhà.

Những lớp danh thủ một thời rồi cũng tuân theo “luật trời”, nhưng dư âm của “trận cầu đoàn tụ” mãi còn đó. Như bánh cốm theo các lão tướng Tổng cục Đường sắt tỏa hương Hà Nội trên sân vận động Thống Nhất còn những chiếc khăn rằn Nam bộ sẽ sưởi ấm các lão tướng Thủ đô khi đông về.

Trận cầu đoàn tụ đã vượt ra khỏi khuôn khổ của môn thể thao vua, góp phần khẳng định chân lý: Nam - Bắc một nhà!

Xem thêm
Trưng bày 70 tác phẩm mỹ thuật về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm ‘Đường lên Điện Biên’ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm