| Hotline: 0983.970.780

Tản mạn về xóm cù lao

Thứ Bảy 24/09/2022 , 06:27 (GMT+7)

Khu “cù lao” thuộc phường 2, bao quanh bởi Rạch Miễu và Rạch Thị Nghè, nằm ở cuối đường, cách nay một thế kỷ là vùng bưng

Những năm 1980, tôi có mấy lần đi vào đường Phan Xích Long mà như lạc vào một vùng quê. Thật lạ lùng, giữa vùng Phú Nhuận lại có một lõm không gian đầy ao rau muống, cầu gỗ chật chội và những túp nhà lụp sụp nằm sát bên bờ rạch mà người ta gọi là xóm cù lao.

MINH hoa pham công tam

Minh họa của Phạm Công Tâm.

Người tôi tìm gặp là Châu, một anh bạn dạy khiêu vũ, trước đó thỉnh thoảng gặp nhau ở lớp dạy nhảy. Ở đó, anh luôn bận sơ mi vàng nhạt, quần kem và giày trắng rất thanh nhã. Nhưng bên bờ ao rau muống ở đây, anh sống trong căn nhà che tạm bợ bên bờ rạch, luôn cởi trần phô bộ ngực lép vì nóng bức. Trời mưa vừa xong, khí ẩm bốc lên ngùn ngụt từ dòng nước đen và chúng tôi nói chuyện giữa không khí hừng hực đó. Ra về, tôi dắt xe đạp ngang qua một chiếc cầu, đến giữa cầu phải lùi xe trở lại vì có mấy con dê được một chú bé chăn dắt cũng đang qua cầu.

Sau này, tôi có dịp đến một ngôi nhà khác cũng trên con đường này, góc đường Phan Đăng Lưu. Đó là một căn biệt thự lớn có sân chung quanh xây từ thập niên 1930. Nhà thoáng rộng và được gìn giữ hoàn hảo, không bị sứt mẻ chút nào.

Người mà tôi đến thăm sống độc thân trong căn nhà lớn cùng vài người thân sống dưới dãy nhà ngang. Đó là một không gian tuyệt đẹp đáng mơ ước của bất cứ ai có máu hoài cổ. Trong nhà, bộ bàn ghế Louis còn nguyên vẹn 9 món, giữa phòng khách đầy những đồ gỗ xưa lấp lánh ánh đỏ của xà cừ và bình sứ Tàu xanh trắng. Tủ thờ chính cũng cẩn ốc tuyệt đẹp, chạm trổ dày đặc mà gia chủ mua từ cuộc đấu xảo ở Hà Nội năm 1928. Căn biệt thự với vẻ lộng lẫy như là một thế giới tương phản cực gắt với cuộc sống phía sâu bên trong con đường này, với nhà mái tôn, vách gỗ và mùi hôi nồng từ dòng rạch vào những ngày mùa hè khi nước cạn.

Chị Kim Dung, cư dân cố cựu sống ở đó nhiều đời cho biết con đường này hồi xưa là đường Hương Mão, lấy tên một người trong Ban Hội Tề của làng Phú Nhuận. Đó là trước thập niên 1940. Sau năm 1954, đường mang tên Thái Lập Thành là Thủ hiến Nam Việt làm việc cho người Pháp. Do đó, cư xá nơi chị sống trên con đường này là cư xá Thái Lập Thành, còn gọi là cư xá Thủ Hiến.

Khu “cù lao” thuộc phường 2, bao quanh bởi Rạch Miễu và Rạch Thị Nghè, nằm ở cuối đường, cách nay một thế kỷ là vùng bưng, mọc đầy lau sậy cao ngập đầu người. Hồi còn nhỏ, những ngày tết chị thường theo mẹ đến Chùa Từ Vân, còn gọi là chùa Bà Đầm để thắp nhang cúng kiến. Thời đó, dân cư ở đây còn thưa thớt, sống yên bình quanh các ruộng rau muống và ít có nạn cướp bóc, hàng xóm láng giềng qua lại thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau. Nơi này cũng từng là nơi ẩn nấp của quân giải phóng để đến sáng 30/4/1975, tràn lên khu cư xá với súng AK, khăn rằn làm nhiều người bất ngờ.

Chị kể phía trước cư xá Thái Lập Thành, khoảng thập niên 1970, hãng thầu RMK của quân đội Mỹ đã thi công làm một cống hộp rất kiên cố để thoát nước và chống ngập úng cho địa bàn xã Phú Nhuận, đến nay chắc vẫn còn sử dụng khi nhà nước mở rộng đường, đổi tên thành Phan Xích Long nối thẳng từ đầu đường mặt sau chợ Nguyễn Đình Chiểu, băng ngang đường Phan Đăng Lưu đến khu trung tâm hiện hữu của Phú Nhuận hiện nay.

Khu cư xá của chị, vào buổi sáng có bà bán bánh canh cá giò heo rao lanh lảnh, sợi bánh bỏ thẳng vào nồi nhưng khi ăn bánh không nát vì làm bằng bột gạo. Còn có bà bán bánh chuối nước dừa, bánh khổ qua, chè thưng. Các thứ bánh chưng, bánh giò, bánh gai do một anh bán dạo ở đường Nguyễn Huệ - Thích Quảng Đức chạy xe đạp bán dạo vào buổi tối.

Đường Phan Xích Long ngày xưa có một quán ăn bình dân tên là Quán Ốc. Chủ nhân của quán là ông Văn Giai, một diễn viên điện ảnh người Hà Nội di cư vào Nam. Quán được xây dựng đơn sơ trong một khu vườn có những ngôi mộ cổ, chuyên làm những món ăn Hà Nội phục vụ khách. Đến tháng 4 năm 1975, một trái pháo đi lạc thay vì dội vào sân bay Tân Sơn Nhất hay Tổng Tham Mưu lại bay vào đây nên quán bị sập, có người chết. Sau này, ông Văn Giai đi Úc sống và dặn con cháu mở quán lại khi có điều kiện. Sau, cháu nội của ông đã mở lại quán Ốc này, lấy tên là… “Ốc trở lại”!

Một cư dân cũ kể trên trang Phú Nhuận Ngày Xưa: Bệnh viện Hoàn Mỹ hiện nay xây trên nền ngôi nhà một phụ nữ gọi là bà Đốc. Sau cánh cổng rào to của ngôi nhà là khoảng sân rộng, chạy mỏi chân mới vô tới căn nhà nằm tuốt bên trong. Đám con nít thời đó thích đến bấm chuông cửa rồi bỏ chạy dù chẳng có ai trong nhà đi ra mà rượt theo kịp vì sân quá lớn. Sau đợt phóng đường năm 2000, chủ đất dời cổng rào thụt vô theo lộ giới, vài năm sau, thấy bệnh viện Hoàn Mỹ được xây lên, trên phần đất không biết đã bán hay cho thuê.

Trước đại dịch khá lâu, ngôi biệt thự cổ góc đường Phan Xích Long – Phan Đăng Lưu tôi từng đến đã bán và bị đập ra để trở thành một trung tâm bán điện thoại máy tính. Anh bạn dạy khiêu vũ sống sát bờ rạch năm xưa đã mất khi mới hơn ba mươi tuổi. Tôi nhớ chị Kim Dung có viết cho tôi trước đại dịch, trước khi chị mất vì dịch bệnh này năm ngoái: “Khi trở lại đường Phan Xích Long, tôi thầm nghĩ dù cư xá còn đó nhưng hết rồi khu cư xá êm đềm của tôi ngày xưa với giàn hoa tím nhà bà Đốc, hàng dừa gió thổi xào xạc bên tường nhà Xí Kiều mỗi mùa đông về, tiếng khóc của hai thím hàng xóm có chồng đi lính tử trận năm nào hồi thập niên 1960 và năm Mậu Thân 1968… Đâu rồi tiếng chuông chùa xa xa, khu “Vũng Tàu” thoáng mát bên ruộng rau muống của khu đầm lầy sát Quận 1 nay không còn nữa và những trò chơi dân gian của chị em tôi như tạt lon, vích hình, chơi banh đũa, tắm mưa… với những đứa bạn nay chỉ còn trong ký ức tuổi thơ tươi đẹp không bao giờ trở lại. Tuy nhiên, tôi mừng vì nơi đây đã trở thành một con đường đẹp và sang trọng với nhiều nhà hàng và trung tâm Anh ngữ. Cuộc sống vẫn phải thay đổi”.

Tôi cũng mừng như chị khi con đường này đã đổi thay rất lớn, tạo nên vẻ đẹp của vùng đất Phú Nhuận, thay thế cho một vùng lầy lội và lạc hậu. Chắc hẳn nhiều cư dân gốc ở đây cũng đã đổi đời khi giá trị nhà đất cao lên. Các con tôi đi học Anh văn, tập gym, ăn hàng quán trên con đường này trong mấy năm liền.

Có lần tôi vào cửa hàng Thế Giới Di Động đầu đường sửa máy laptop. Trong khi chờ đợi, tôi nhớ nơi mình đang ngồi với cửa kính sáng choang này hồi đầu năm 2000, là cái biệt thự cổ nói trên. Ở đó, tôi từng được ngắm đồ cổ và ăn bánh khéo, xem ảnh bà chủ nhà ngày xưa bới tóc bánh lái trong ngày giỗ toàn món chay và có một buổi tối viếng đám tang một người sống trong đó, lần đầu tiên tôi biết nghi thức tụng niệm của đạo Cao Đài…

Lòng tôi tiếc nuối, giá như vẫn còn ngôi biệt thự cổ để khoe vẻ đẹp cổ điển nhắc nhớ một thời Gia Định xưa, thời tôi còn nhỏ đi lên phía Lăng Ông dịp gần Tết nào đó trước năm 1975 đã thấy từ xa sáng rực đèn và tràng pháo nổ đì đùng treo từ ban công thả xuống.

Xem thêm
Bánh chưng cọt vẫn còn vị ngọt lành tuổi thơ

Bánh chưng cọt không nằm trong kế hoạch của gia đình, như một món quà rất riêng tư dành cho một thành viên nhỏ, gửi gắm tình thương không thể phai mờ năm tháng.

Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Manchester United thắng nhọc ở Europa League

Manchester United (MU) phải rất nhọc nhằn mới hạ được đội bóng Scotland Rangers ở vòng áp chót giai đoạn vòng phân hạng Europa League vào rạng sáng 24/1.

Tiền đạo Xuân Son, hậu vệ Tấn Tài về nhà đón Tết Ất Tỵ

Cả hai cầu thủ Việt Nam bị chấn thương nặng tại ASEAN Cup 2024 là tiền đạo Xuân Son, hậu vệ Tấn Tài đều đã rời bệnh viện, về đón Tết Ất Tỵ tại nhà.

Bình luận mới nhất