Chiều 8/10, tại Hội trường Hoa Mai (trụ sở Bộ NN-PTNT) diễn ra sự kiện ra mắt cuốn sách về cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người đặt nhiều dấu ấn quan trọng đối với nền nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua.
Các đại biểu tham dự sự kiện đã vô cùng bất ngờ và xúc động khi đặt chân vào Hội trường Hoa Mai: một không gian tưởng nhớ cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn được tái hiện bằng những sản phẩm tiêu biểu của ngành nông nghiệp, những sản vật của trồng trọt và chăn nuôi in đậm dấu ấn của cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn. Một thảm lúa vàng trĩu bông; mô hình cây mắc ca, chanh leo; hình ảnh con bò sữa, những con gà, con vịt…
Mỗi sản phẩm đại diện cho một lĩnh vực; mỗi lĩnh vực là một cuộc cách mạng của sự đổi mới, táo bạo, quyết tâm. Nó là thành quả có được từ sự chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết của ông qua các thời kỳ làm lãnh đạo, là Tư lệnh ngành nông nghiệp.
Thấp thoáng phía sau những sản phẩm nức danh qua mỗi thời kỳ, bức ảnh chân dung của ông được đặt trang trọng, tạo nên không gian ấm cúng, gần gũi, giản dị mà đầy yêu thương…
Người tạo nên diện mạo mới của ngành nông nghiệp
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến xúc động: Bộ NN- PTNT vinh dự tổ chức buổi công bố, giới thiệu cuốn sách “Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, những ký ức và kỷ niệm”. Đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân và ôn lại những cống hiến lớn lao của ông cho nông nghiệp, nông thôn, vì cuộc sống của bà con nông dân nước nhà.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Nguyễn Công Tạn không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba mà còn là một người có tầm nhìn sâu rộng về nông nghiệp. Những đóng góp của ông đã giúp đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc, từ việc áp dụng các công nghệ tiên tiến đến cải cách chính sách, đưa sản xuất nông nghiệp trở thành một trụ cột quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.
Ông chính là người khởi xướng chương trình phát triển lúa lai, mía đường Việt Nam; đến chăn nuôi, như lợn siêu nạc, đà điểu, gà Lương Phượng, gà Tam Hoàng, gà Ai Cập, bồ câu Pháp, bò sữa; hay các lĩnh vực khác như lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi… Mỗi lĩnh vực là một cuộc cách mạng gắn liền với trí tuệ, tâm huyết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn. Những giống cây trồng, vật nuôi, nguồn gen quý hiếm… mà ông đưa về Việt Nam đã trở thành nguồn lực phát triển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần rất lớn giải quyết bài toán về lương thực, thực phẩm, tạo nên thành tựu nông nghiệp ngày nay.
Với vai trò là Phó Thủ tướng, người đứng đầu ngành nông nghiệp, ông đã tích cực chỉ đạo ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng, giúp người nông dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và thị trường; thúc đẩy liên kết để tạo ra chuỗi cung ứng khép kín, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản; khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
“Đại đa số những đại biểu có mặt ngày hôm nay đều đã trải qua thời kỳ bao cấp, có những thời điểm nhập 2 triệu tấn lương thực nhưng tới nay thì không còn tình trạng đó… Những đóng góp của ông Nguyễn Công Tạn đã giúp tạo ra một diện mạo mới cho nền nông nghiệp Việt Nam, đồng thời cải thiện đời sống của hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn mãi được ghi nhớ như một người lãnh đạo hết lòng vì người nông dân, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát triển nông nghiệp của Việt Nam” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến xúc động.
Lời nhắn nhủ cho thế hệ sau
Thay mặt gia đình, ông Nguyễn Minh Tiến, con trai cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cảm ơn Hội đồng biên tập cuốn sách; các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp. “Cuốn sách không phải là dịp tôn vinh một cá nhân mà là tôn vinh một tập thể, những học trò, những đồng nghiệp, những bạn bè đã gắn bó với cha tôi và với ngành nông nghiệp. Hành trình 10 tháng làm cuốn sách, tôi được tiếp xúc những con người, được nghe những câu chuyện về cha tôi đầy chân tình, sâu sắc, mộc mạc… khiến tôi có cảm xúc bố tôi đang hiện diện như mới ngày hôm qua trong từng chút, từng chút…
Cuốn sách không chỉ là một công trình tư liệu mà còn là một quá trình cống hiến của một nhà lãnh đạo, một chính khách, một nhà khoa học mà còn là về một người thân yêu trong gia đình mà chúng tôi rất tự hào. Cuộc đời của bố tôi là sự cống hiến cho đất nước, cho cách mạng, một người cha mẫu mực luôn dìu dắt các con.
“Mẹ tôi đùa, trong số những người thân quen đến với gia đình thì bố tôi ít đẹp trai nhất; nhưng càng về già thì ông càng đẹp lão. Điều này, chúng tôi gọi là “tâm sinh tướng”. Càng về già, càng hội tụ được cái tâm, cái thiện, cái bao dung… nên ông càng đẹp lão.
Cuốn sách không chỉ là những kỷ niệm, nó sẽ truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp sau đối với ngành nông nghiệp, nông thôn; như một cầu nối giữa các thế hệ…”.
Ngừng lại vì xúc động, ông Tiến tiếp lời: “Từ tầng 1 lên tầng 2 đều trưng bày các sản phẩm gắn liền với sự chỉ đạo của ông, từ những giống cây trồng, con nuôi; các sản phẩm vùng miền…Bố tôi thực sự không hoàn hảo. Ông có những thói quen không tốt điển hình như hút thuốc lá. Ngày xưa, khi bố tôi học Học viện Nông lâm Hoa Nam – nơi đã trao truyền nhiều kiến thức không chỉ vê nông nghiệp mà còn về âm nhạc, nghệ thuật…, nhưng đó cũng là nơi ông biết hút thuốc.
Trang 261 trang của cuốn sách có bức ảnh bố tôi chụp cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Phía sau bức ảnh, sau lưng ông có một làn hơi trắng mờ ảo, đó là khói thuốc lá…. Nhưng với gia đình chúng tôi, những điều chưa hoàn hảo của bố tôi đã được thế hệ sau càng ngày càng hoàn thiện hơn. Ngành nông nghiệp của đất nước ngày càng phát triển, đó là trầm tích, được tích lũy từ các thể hệ đi trước chứ không phải là thành tựu có được trong một sớm một chiều.
Cuốn sách sẽ như một lời nhắn nhủ tới thế hệ sau tiếp bước để đưa ngành nông nghiệp đi những bước xa hơn, để bố tôi có những phút giây thư thái như những lần ông nghe bản giao hưởng Sonat Ánh trăng ngày nào ông còn sống”.
Kết thúc sự kiện, ông Cao Đức Phát cùng gia đình cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn trao tặng sách cho các đại biểu tham dự sự kiện. Đó là những hình ảnh giúp sự kiện ra mắt cuốn sách được trọn vẹn hơn, và giúp đầy đặn, hoàn thiện hơn “không gian Nguyễn Công Tạn” trong một buổi chiều đầu thu nhiều ý nghĩa.
Ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, người tham gia trong Hội đồng biên tập và là Chủ biên cuốn sách xúc động: “Còn 5 hôm nữa là đến ngày giỗ lần thứ 10 của cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn. 10 năm đã trôi qua, thế nhưng tôi như vẫn thấy bác Tạn đang ngồi đâu đó trong Hội trường này; vẫn giọng sang sảng, khúc chiết, ánh mắt sắc sảo… Nhưng, đằng sau những hình ảnh đó là một con người độ lượng, giàu tình cảm. Những đóng góp của tư lệnh ngành hơn 2 thập kỷ những năm đầu Đổi mới đã hóa thân trong nhiều chủ trương, chính sách của quốc gia. Những cây trồng, vật nuôi bác Tạn đưa về nay đã trở thành những sản phẩm chất lượng cao của nhiều địa phương trên cả nước.
Còn chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết, ông được bác Tạn giao cho hai việc lớn là cùng nghiên cứu triển khai đưa cây mắc ca về Việt Nam, đến nay đã đưa diện tích trồng cây này lên 22.000ha; tiếp đó là viết bộ sách về nông dân, cho nông dân. Đến nay, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng vẫn đang tiếp tục hoàn thành công việc được bác Tạn giao.