Ngày 27/8, thông tin từ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Chủ tịch UBND huyện Sông Lô vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Lô tại khu vực xã Đức Bác.
Theo báo cáo của địa phương, do ảnh hưởng của mưa, lũ trên địa bàn huyện Sông Lô đã xảy ra nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến công trình đê điều, bãi sông, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi và cuộc sống của các hộ dân trong khu vực sạt lở. Đặc biệt là khu vực qua địa phận xã Đức Bác có mặt cắt hẹp, hiện trạng mái bờ sông dốc đứng tại nhiều vị trí, dòng chủ lưu áp sát bờ gây sạt lở mạnh.
Hiện tượng sạt lở bắt đầu từ năm 2021 và diễn biến phức tạp trong mùa mưa lũ năm 2022- 2023. Đến mùa mưa lũ năm nay, phạm vi sạt lở lan rộng với chiều dài đoạn bờ sông bị sạt khoảng 700m, ăn sâu về phía chân đê từ 20 - 30m. Thống kê ban đầu, ước tính diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở mất khoảng 2ha.
Trong khi điểm sạt lở chưa được gia cố, từ ngày 11 đến 15/8, trên địa bàn huyện Sông Lô có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 60 - 120mm, có nơi hơn 200mm như tại các xã Bạch Lưu, Hải Lựu, Lãng Công; đồng thời các hồ thủy điện Tuyên Quang, Hòa Bình, Thác Bà xả lũ, tác động trực tiếp đến chế độ dòng chảy của sông Lô làm hiện trạng sạt lở lan rộng đặc biệt nguy hiểm, khó kiểm soát, cung sạt tiếp tục ăn sâu về phía đê tả sông Lô từ 10 - 15m, có nguy cơ uy hiếp đến tính mạng người dân đang sinh sống ngoài bãi sông và tuyến đê tả sông Lô.
Trước tình hình đó, UBND huyện Sông Lô đã báo cáo và phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực tế hiện trạng sạt lở, thống nhất về sự cần thiết phải đầu tư tuyến kè để bảo vệ đất nông nghiệp và tuyến đê tả sông Lô. Trước mắt địa phương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở.
Đây không phải lần đầu tình trạng sạt lở bờ sông Lô diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó tình trạng sạt lở bờ sông đã xảy ra ở các xã Tứ Yên, Đôn Nhân… Điều đáng nói là các khu vực sạt lở thường xảy ra ở những nơi tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát trong nhiều năm. Mặc dù hiện tại các mỏ cát đang bị dừng hoạt động, tuy nhiên tình trạng vi phạm bến bãi, hành lang thoát lũ vẫn còn rất phức tạp.
Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc từng phát hiện 242 vụ việc vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Trong đó huyện Sông Lô có 96 vụ việc, huyện Lập Thạch 29 vụ, huyện Tam Dương 15 vụ, huyện Vĩnh Tường 57 vụ, thành phố Phúc Yên 27 vụ… Cùng với đó là 40 vụ việc vi phạm phạm vi bảo vệ hồ đập và vùng phụ cận (Sông Lô 3 vụ, Lập Thạch 6 vụ, Tam Đảo 3 vụ, Bình Xuyên 5 vụ, thành phố Phúc Yên 23 vụ…).
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đường Xuân Thể, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc cho biết: Hệ thống đê điều tỉnh Vĩnh Phúc gồm 4 tuyến đê sông chính từ cấp I - cấp III (tả Hồng, tả Lô, tả Phó Đáy, hữu Phó Đáy) với chiều dài 95,773km; 4 tuyến đê cấp IV (đê Cà Lồ) với chiều dài 22,235km; 2 tuyến đê cấp V (Bối Vĩnh Tường - Yên Lạc và Bối Đôn Nhân) với chiều dài 31,258km và tuyến đê Phan - Sáu Vó có chiều dài 7,22km.
“Tình trạng vi phạm đê điều ở Vĩnh Phúc vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp vi phạm do lịch sử để lại nên rất khó xử lý”, ông Thể khẳng định.