Hồi 1h00 ngày 11/9, mực nước trên sông Phó Đáy tại trạm đo thủy văn Kim Xá đã lên tới +16,40m, bằng mức báo động III. Hồi 9h ngày 11/9, mực nước trên sông Hồng tại trạm đo thủy văn Đại Định đã lên tới +14,40m, bằng mức báo động II và có khả năng tiếp tục lên do lượng nước ở thượng lưu dồn về.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Vĩnh Phúc ra lệnh báo động III trên sông Phó Đáy cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Tam Đảo. Ra lệnh báo động II trên sông Hồng cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc.
Yêu cầu các địa phương triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo cấp báo động và II và III đúng quy định.
Tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác theo quy định tại Thông tư số 01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều.
Thông báo cho nhân dân sinh sống vùng ngoài đê chủ động sơ tán khi sự cố xảy ra.
Bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra; thường xuyên cập nhật, gửi báo cáo sự cố công trình đê điều về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc theo số điện thoại: 02113.862.518; Fax: 02113.861.821; địa chỉ Email: pclbvp@gmail.com.
Nhiều khu vực bị ngập sâu, dân không kịp di dời tài sản
Sáng 11/9, mực nước trên sông Hồng ở mức báo động II, sông Phó Đáy ở mức báo động III. Dự kiến mực nước sông tiếp tục dâng cao do nước trên thượng nguồn đổ về. Nước dâng cao đã ảnh hưởng đến nhiều địa phương nằm ngoài đê sông Hồng. Nhiều hoa màu, tài sản của người dân bị ảnh hưởng.
Tại xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường), nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều máy móc, trạm cân và tài sản của 1 bến cát tại thôn Đại Đình bị ngập sâu trong nước do không kịp di dời. Toàn bộ khu bến cát đã ngập trong nước chỉ còn lại nhà điều hành, khu vực ngập sâu nhất trên 8m. Tài sản gồm 3 máy xúc, 1 trạm cân, trạm cấp dầu đã bị ngập sâu, lượng cát tích trữ đang bị nước cuốn đi rất nhiều. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ đồng.
Do mực nước sông Phó Đáy tại Vĩnh Phúc lên mức báo động III vào sáng 11/9. Nhiều khu vực của các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường bị ảnh hưởng. Tại xã Việt Xuân (Vĩnh Tường), khoảng 40 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Từ đầu giờ sáng nay, người dân đã vận chuyển đồ đạc, tài sản thiết yếu đến nơi an toàn. Một số người dân được đưa đến tránh lũ ở nhà văn hóa của thôn.
Lực lượng chức năng cũng ra thông báo cấm lưu thông trên cầu Phú Hậu nối Vĩnh Tường với Lập Thạch cho tới khi có thông báo mới.
Từ trưa 10/9, lũ sông Phó Đáy cũng khiến 4 thôn của xã Sơn Đông (Lập Thạch) bị cô lập. Hơn 100 hộ trong xã phải di dời lên vị trí cao hơn. Học sinh các trường của xã phải nghỉ học. Tại địa phương này xảy ra vụ lật thuyền khiến 1 người chết, 1 người mất tích. Nhà cửa ngập sâu và nhiều tài sản chưa kịp di dời có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng sau khi lũ rút.