Ngày 1/2/2019 là một kỷ niệm đặc biệt với Bùi Thị Thu Thảo nói riêng và các nữ VĐV Việt Nam nói chung, khi lần đầu tiên trong lịch sử có một VĐV 2 lần được bình chọn là xuất sắc nhất năm (Cup Chiến thắng).
Nữ VĐV nhảy xa Thu Thảo, người đoạt HCV Asiad 2018 |
Niềm hy vọng vàng của đội điền kinh lần đầu được vinh danh năm 2017, sau khi vượt qua Ánh Viên bằng 2 lần lên bục cao nhất Asian Grand Prix, HCV giải vô địch châu Á và HCV SEA Games 29. Cô bảo vệ thành công giải thưởng này ở đợt bình chọn năm 2018, khi trở thành VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên đoạt HCV Asiad.
Thu Thảo là một trong số rất nhiều nữ VĐV mở đường cho thể thao nước nhà ở các đại hội thể thao lớn. SEA Games 15, lần đầu tiên trở lại với đấu trường khu vực, bộ đôi xạ thủ Ngô Ngân Hà, Đặng Thị Đông đã góp công lớn trong việc giành 2 trong tổng số 3 HCV mà đoàn Việt Nam giành được.
Tới SEA Games 18, tổ chức ở Thái Lan năm 1995, nữ hoàng điền kinh Vũ Bích Hường cũng tạo ra kỳ tích khi là người đầu tiên mang về tấm HCV. Sau đó là những cây đại thụ của thể thao Việt Nam như Nguyễn Thúy Hiền (wushu), Vũ Thị Hương, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan (điền kinh), hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội). Không hề quá khi nói các nữ VĐV là những người tạo cột mốc, mang tính bước ngoặt, giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập với quốc tế.
Không chỉ dừng ở mức Đông Nam Á, những nữ VĐV Việt Nam còn vươn tầm ra cả thế giới. Năm 2000, tại Olympic Sydeney, Australia, Trần Hiếu Ngân môn taekwondo trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương Thế vận hội. Tại đấu trường Asiad, dù "nhường" các đồng nghiệp nam đi trước, nhưng các nữ VĐV lại chiếm tới hơn 60% tổng số huy chương giành được. Ở lần tổ chức gần nhất năm 2018, các nữ VĐV mang về 2 tấm HCV: một của Thu Thảo, và một của đội rowling nữ.
Ở môn thể thao được yêu thích và quan tâm nhất, đội tuyển bóng đá nữ cũng sớm gặt hái thành công vượt trội so với đội tuyển nam. Trong khi các nam đồng nghiệp phải chờ tới năm 2008, với thế hệ của Công Vinh, Tài Em, Minh Phương, mới lên đỉnh Đông Nam Á, thì đội tuyển nữ đã đăng quang trước đó 2 năm.
Còn tại SEA Games, đội tuyển nữ 5 lần đoạt HCV, lần đầu vào năm 2001, trong khi các cầu thủ nam chưa một lần lên ngôi quán quân. Tại châu Á, đội tuyển nữ Việt Nam luôn nằm trong top 8 đội mạnh nhất châu Á. Các cô gái vàng của chúng ta sớm vào bán kết Asiad từ năm 2014, điều mà những nam tuyển thủ phải chờ tới năm 2018, dưới tài dẫn dắt của HLV Park Hang-seo mới tạo ra thành tích tương đương.
Tại đất nước mà số VĐV thể thao có thể sống tốt bằng nghề ít như Việt Nam, sự vươn lên của những cô gái là điều đáng trân trọng. Đằng sau giọt nước mắt sung sướng khi nhận HCV là rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu. Nhiều người vì hy sinh cho Tổ quốc đã phải gác lại chuyện lập gia đình, sinh con. Ngay cả nhu cầu thiết yếu nhất với phụ nữ - làm đẹp – cũng trở thành thứ xa xỉ với họ, những người luôn phơi mình ngoài nắng, làm những công việc nặng nhọc khi tập luyện, và luôn bị những chấn thương rình rập.
Trong quan điểm của người Á đông, phụ nữ luôn gắn liền với hình ảnh liễu yếu đào tơ. Đó chính là điểm khiến những nữ VĐV, dù từng làm rạng danh đất nước, rất mau bị quên lãng. Ngoài nguyên nhân xuất phát từ nền thể thao và kinh tế nước nhà còn hạn chế, hình ảnh những vành tai bị dập (vật), những đôi tay chai sần (thể dục dụng cụ) hay nước da sạm đen (điền kinh) luôn làm các nữ VĐV mất tự tin trước đám đông.
Có những thiệt thòi sẽ được đền bù, có những tổn thất sẽ được chia sẻ, nhưng chuyện không trở thành “phái đẹp”, theo ý nghĩa nguyên thủy của từ này, luôn là nỗi canh cánh của những người mở đường cho thể thao Việt Nam trong ngày 8/3.