Ánh Viên thẫn thờ với việc về thứ năm ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp |
Sau 3 ngày tranh tài đầu tiên, Việt Nam chưa có tấm HCV nào. Chúng ta giành 3 HCB, 4 HCĐ, và bị tụt lại so với đoàn chủ nhà Indonesia (5 HCV) và Thái Lan (1 HCV). Những niềm hy vọng lớn nhất trong việc mang vàng về cho Tổ quốc như Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên đều thất bại. Trong khi HCV Olympic Rio 2016 bị loại ở nội dung sở trường 10m súng ngắn hơi, “Tiểu tiên cá” chỉ về đích thứ 5 ở đường bơi chung kết. Ở nội dung cử tạ, Thạch Kim Tuấn cũng không thể làm gì trước đô cử dày dạn kinh nghiệm đến từ Triều Tiên, Om Yun-Chol.
Dương Thúy Vi, người giành HCV duy nhất ở ASIAD Incheon cách đây 4 năm cũng không thành công trong các bài thi ở môn quyền biểu diễn wushu. Cô kém 0,01 điểm so với người đứng đầu và ngậm ngùi đứng ở vị trí thứ nhì và hài lòng với tấm HCB.
Trong nhiều năm, Việt Nam chỉ có khả năng tranh chấp HCV với các nền thể thao ở các môn võ. Chẳng hạn tại Olympic Quảng Châu 2010, người duy nhất mang vàng về cho Việt Nam là Lê Bích Phương. Cô gái vàng của làng karate chỉ mang về tấm huy chương quý giá ở những ngày cuối ASIAD, khi các nội dung võ bước vào tranh tài.
Điều ấy có thể lặp lại trên đất Indonesia. Nhưng khác với những năm trước, Việt Nam năm nay có một hy vọng lớn ở môn bóng đá. Thầy trò HLV Park Hang-seo lần lượt đánh bại các đối thủ, trong đó có nền bóng đá hàng đầu châu lục là Nhật Bản ở vòng bảng để tiến vào vòng 1/8. Với việc chạm trán Bahrain, và kế đó là một trong hai đối thủ Syria hoặc Palestine, cơ hội vào bán kết của Việt Nam rất sáng sủa. Và giống như vòng chung kết U23 châu Á, khi đã vào tới vòng 4 đội, điều gì cũng có thể xảy ra.
Chính bởi thành công của môn bóng đá nam mà việc Việt Nam chật vật giành HCV ít được quan tâm. Giống như bất cứ đại hội thể thao nào khác, môn thể thao vua vẫn có sức hút mạnh nhất. Người Brazil thậm chí coi tất cả các tấm HCV khác đều không thể bằng một tấm HCV ở môn bóng đá.
Tấm HCV ở ASIAD vẫn luôn là nỗi ám ảnh với Việt Nam, kể từ lần võ sĩ Trần QUang Hạ giành được ở Hiroshima 1994 và sau đó là Hồ Nhất Thống ở Bangkok 1998. Sau đó, nhiều biểu tượng thể thao khác của nước ta như VĐV thể hình Lý Đức, đội tuyển cầu mây đã chạm tới vinh quang châu lục, nhưng các môn võ vẫn là mũi nhọn không thể chối cãi của Việt Nam ở các kỳ Á vận hội.
Người hâm mộ đang hy vọng, ASIAD 2018 sẽ có một mũi nhọn khác thay những môn võ đảm nhận việc này.